Đôi mắt nói lời yêu thương

Cuốn 'Đôi mắt biết nói' một lần nữa khẳng định sở trường viết cho thiếu nhi và lứa tuổi mới lớn của tác giả Huy Hải-tân hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương.

Phạm Đình Thắng, tác giả trẻ thế hệ 9X, là tân hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương. Quý IV/2023 anh cho ra mắt cuốn sách viết cho thiếu nhi “Đôi mắt biết nói” (Nhà xuất bản Kim Đồng) với bút danh Huy Hải. Sau “Tìm nhau trong thành phố” (Nhà xuất bản Kim Đồng), “Đã biết sẽ có ngày hôm qua” (Nhà xuất bản Phụ Nữ), “Sống lại” (Nhà xuất bản Văn học), đến “Đôi mắt biết nói” một lần nữa Huy Hải khẳng định sở trường viết cho thiếu nhi và lứa tuổi mới lớn của anh.

Những câu chuyện trong “Đôi mắt biết nói” được Huy Hải viết như một cuốn nhật kí. Nhân vật chính là cậu bé Mía (tên thật là Nam) đã kể lại hai mươi câu chuyện tuổi thơ trong ngôi nhà của mình với em Hưng, chú Huy, ông bà nội, bố mẹ...

Đầu tiên là những thắc mắc và câu chuyện về những cái tên của Mía, rồi đến cậu em trai Hưng nghịch ngợm hay chành chọe với anh. Dù đã cố gắng làm anh nhưng có lúc Mía cũng chịu không nổi thằng em ăn vạ của mình. Chuyện hai anh em thích nghe kể chuyện và từ thích nghe kể chuyện Mía đã tự tìm ra thư viện tí hon ngay trong gian phòng của chú Huy để tự đọc những câu chuyện mình thích. Nghe ông nội của Mía nói rằng đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Nhìn vào mắt một người, ta có thể biết được tâm tư sâu kín của họ. Tin lời ông, mỗi ngày Mía nhìn sâu vào mắt từng thành viên gia đình, là ông bà đáng kính, là bố mẹ yêu thương, là người chú ế vợ mê sách và cả em trai “không thể thương nổi”. Nhờ đó, Mía “nghe” được rất nhiều điều bí mật về gia đình mình. Về lí do chú Huy mãi chẳng chịu lấy vợ để ông bà đỡ buồn, để Mía được ăn cỗ, diện quần áo đẹp. Về chuyện không muốn con lợn đất bà mua cho bị bỏ đói nên Mía đã cùng em theo ông vào dọn dẹp nhà kho để lấy tiền cho lợn ăn. Mía còn nghe được niềm vui từ đôi mắt mọi người khi chú Huy cưới vợ và nghe thấy niềm hạnh phúc lây lan khi cả nhà Mía, chín người, cùng chụp một bức ảnh gia đình, Mía đã mỉm cười và tự nói với mình: “Cảm ơn đã cho con một gia đình”.

Từ những câu chuyện nhỏ qua cảm nhận của Mía để hiểu hơn về thế giới xung quanh, bạn đọc có thể nhận thấy tình yêu thương trong gia đình là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch truyện. Từ việc đặt tên Mía vì ông bà bán mía, đến chuyện gia đình không chỉ có bốn người nhà Mía mà còn có cả ông bà nội, chú Huy, cả ông bà ngoại, các dì cậu bên ngoại. Từ chuyện nhường đồ chơi cho em, đến chuyện đuổi đánh nhau như “giặc con nít”, khóc lóc rồi lại chơi với nhau. Từ việc Mía cùng em Hưng được bà đưa đi mua quần áo, đi ăn cưới và cùng nghe chuyện cổ tích trước khi ngủ, đều thấm đẫm tình yêu thương.

Có lẽ ấn tượng với bạn đọc nhất là đoạn Mía phát hiện ra “Thư viện tí hon” ngay trong nhà mình. Với tính tò mò của trẻ thơ, Mía đã hỏi về những cuốn sách và hiểu hơn khi chú Huy nói về sự ra đời của sách. “Sách là cả thế giới”. Mía năng đọc sách hơn vì mỗi cuốn sách sẽ đưa đến những nơi khác nhau, gặp nhiều người và nghe kể nhiều câu chuyện thú vị. Mía cũng hiểu hơn về đôi mắt và ý thức được dù ham đọc sách cũng phải biết giữ cho đôi mắt sáng trong. Cứ như thế, theo hành trình khám phá gia đình của chính mình, những câu chuyện của cậu bé Mía đã đưa bạn đọc nhỏ tuổi vào thế giới trẻ thơ để từ đó rút ra được những bài học bổ ích và rèn kĩ năng sống hết sức nhẹ nhàng.

Những câu chuyện ngộ nghĩnh đáng yêu trong “Đôi mắt biết nói” được Huy Hải kể với giọng văn hồn nhiên, trong sáng, có phần tinh nghịch kết hợp với những bức tranh minh họa màu hết sức bắt mắt sẽ đem đến nhiều cảm xúc mới lạ cho bạn đọc nhỏ tuổi. Thú vị nhất là khi đọc “Đôi mắt biết nói”, bạn đọc nhỏ tuổi, hay bạn đọc đã qua lứa tuổi nhỏ, đều sẽ bắt gặp có bóng dáng mình ở trong đó. Có câu chuyện của gia đình mình trong đó. Câu chuyện của tình yêu thương.

CẨM DƯƠNG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/doi-mat-noi-loi-yeu-thuong-361428.html