Đối mặt thách thức, Vinatex đặt mục tiêu lợi nhuận giảm gần 50% năm 2023
Ông lớn ngành dệt may Vinatex đặt kế hoạch kinh doanh lợi nhuận năm 2023 giảm gần một nửa, nhưng vẫn tăng trưởng dương với kỳ vọng kịch bản ngành sợi có hiệu quả trở lại ngay từ quý 3 và quý 4 năm 2023.
Tại tài liệu họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, mã: VGT) đã lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 thận trọng với lợi nhuận trước thuế giảm gần 50% so với năm trước, tương ứng 610 tỷ đồng và doanh thu hợp nhất giảm nhẹ 11% còn 17.500 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân đặt kế hoạch đi lùi, Vinatex nhận định năm 2023 ngành dệt may thế giới sẽ tiếp tục đối mặt những thách thức phát sinh từ cuối năm 2022 như xung đột Nga-Ukraine gây sức ép lên giá năng lượng và lương thực, ảnh hưởng đến các thị trường xuất khẩu của Dệt may Việt Nam; lãi suất nhiều khả năng duy trì ở nền cao cho tới hết năm; tổng cầu dệt may thế giới dự báo giảm 8% so với năm trước.
Vì vậy, kế hoạch kinh doanh trên được đặt theo kịch bản ngành sợi có hiệu quả trở lại ngay từ quý 3 và quý 4, với tỷ suất lợi nhuận/doanh thu đạt lần lượt 1% và 2%. Đồng thời, ngành may có kết quả quý 3 hiệu quả tương đương quý 2 và quý 4 có hiệu quả tăng 10% so với quý 3.
Về tình hình kinh doanh quý 1/2023, Vinatex ghi nhận sự lao dốc cả về doanh thu và lợi nhuận khi lần lượt giảm 14% và 72% so với cùng kỳ, tương ứng còn 4.209 tỷ đồng và 56 tỷ đồng.
Vinatex cho hay, tiếp nối những khó khăn của thị trường từ cuối năm 2022, sang đầu năm 2023, ngành sợi vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Cầu thị trường thấp, lượng hàng tồn kho sợi của thế giới vẫn ở mức cao; giá bông xuống mức thấp nhất khiến giá sợi chưa có khả năng cải thiện.
Mặt khác, xuất khẩu sợi của Việt Nam đi Trung Quốc suy giảm cả về lượng và giá. Từ bối cảnh trên, các đơn vị sợi của Tập đoàn đều có hiệu quả thấp, làm kết quả hợp nhất của Vinatex giảm mạnh so với hiệu quả của quý 1/2022.
Sang quý 2, VGT đặt kế hoạch doanh thu gần 4.339 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 58 tỷ đồng. Hướng tới năm 2023, VGT đặt mục tiêu dần tự chủ nguyên liệu, tạo được chuỗi sản xuất nội bộ. Theo đó, lợi nhuận sẽ được chia sẻ và cân đối trong chuỗi từ kéo sợi, dệt nhuộm hoàn tất đến may, không mất đi lợi nhuận khi phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, giá trị gia tăng của công ty sẽ đạt trên 80%.
Theo đó, ở ngành sợi, Vinatex và các công ty chi phối sở hữu hơn 800.000-1 triệu cọc sợi. Sản lượng đạt 150.000-200.000 tấn. Công ty sẽ đầu tư vào nhiều dự án nhà máy sợi như dự án nhà máy Sợi Nam Định 2 (quy mô 39.000 cọc), nhà máy Sợi Hòa Xá 2 (quy mô 46.000 cọc), nhà máy Sợi Phú Bài 4 (quy mô 30.000 cọc sợi), nhà máy sợi của CTCP Dệt May Huế (quy mô 30.000 cọc sợi), nhà máy Sợi Phú Hưng 3 (quy mô 30.000 cọc sợi)…
Đối với ngành dệt nhuộm, tập đoàn đặt mục tiêu sản lượng dệt kim đạt 30.000-35.000 tấn/năm, 2 triệu mét vải đặc biệt/năm, 10.000-15.000 tấn khăn và 12-15 triệu mét chăn ga/năm.
Với ngành may, mục tiêu của tập đoàn là sử dụng 15.000-17.000 tấn vải dệt kim để may sản phẩm dệt kim với sản lượng 60-70 triệu sản phẩm/năm. Công ty cũng sẽ phát triển thị trường may các sản phẩm bảo hộ đặc chủng mới.
ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Tập đoàn Vinatex sẽ được tổ chức vào ngày 31/5 tới đây tại Trung tâm Hội nghị Almaz, Khu đô thị Vinhomes Riverside, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội.