Đối mặt với áp lực
Rủi ro lạm phát đã xuất hiện trở lại và trong bối cảnh tỷ giá USD/VND tăng, dự đoán trước đó về đợt cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% hiện không còn khả thi.
Tình thế “họa vô đơn chí”
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ: “Chưa kịp mừng vì lợi nhuận quý III cho thấy những dấu hiệu hiệu tích cực thì tín hiệu tiêu cực đã xuất hiện. Lạm phát tăng khiến tiền đồng giảm giá, nhất là khi đồng USD mạnh lên. Ngân hàng không những khó có thể giảm thêm lãi suất, mà còn đang tính đến phương án tăng. Khó khăn cũ chưa tháo gỡ kịp thì khó khăn mới lại chồng lên”.
Thực tế, áp lực lạm phát chưa quá lớn, với mức bình quân trong quý II là 2,89% và 9 tháng đầu năm là 3,16%, thấp hơn khá nhiều so với ngưỡng 4,5% đặt ra cho cả năm 2023. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quý III tăng mạnh, từ mức 2% cuối quý II lên 3,66% vào tháng 9.
Một lãnh đạo cao cấp BIDV đánh giá, áp lực lạm phát có xu hướng gia tăng trong quý III chủ yếu do biến động của các mặt hàng ngoài “lõi” như nhiên liệu và ăn uống. Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, giá xăng dầu tăng mạnh trở lại theo xu hướng của giá nhiên liệu quốc tế, làm CPI nhóm giao thông tăng 3,2%, trong khi kỳ trước giảm gần 12%. Bên cạnh đó, giá lương thực tăng 10,5% do giá mặt hàng gạo và ngũ cốc tăng; giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 7,3% do giá gas tăng; giá bán lẻ điện và giá thuê nhà cũng tăng cao.
“Đáng chú ý, CPI giáo dục tăng 7,2% do một số địa phương tăng học phí năm học mới theo lộ trình tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Đó là chưa có biến số của việc giá dầu tăng gần đây đang trở thành mối quan ngại đối với các ngân hàng trung ương trên thế giới. Những ngày cuối tháng 9/2023, giá dầu Brent đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2022”, vị lãnh đạo BIDV nói.
Mặc dù không cho rằng những diễn biến gần đây sẽ đẩy lạm phát bình quân vượt mức trần 4,5%, nhưng bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC cho biết: “Tình thế họa vô đơn chí này gây ra rủi ro gia tăng đáng kể. Chúng tôi đã điều chỉnh dự báo lạm phát hàng quý và nâng nhẹ dự báo lạm phát bình quân lên 3,4% (trước đó là 3,2%) cho năm 2023”.
Trong diễn biến có liên quan, thông điệp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau cuộc họp tháng 9/2023 là sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn, kết hợp với triển vọng kinh tế Mỹ được kỳ vọng hạ cánh mềm như trong kịch bản dự báo của Fed đã dẫn dắt chỉ số USD-Index (DXY) lập kỷ lục mới. Đáng chú ý, cả giá dầu và chỉ số DXY đều tăng trở lại mức cao nhất vào thời điểm tháng 11/2022. Những diễn biến trong vài năm trở lại đây đặt ra dấu hỏi về quan hệ nghịch chiều giữa sức mạnh đồng USD và giá hàng hóa (đặc biệt là giá dầu thô) đã không còn hiệu lực như trước.
“Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, 'quyền lực' kinh tế Mỹ gia tăng và dòng vốn dịch chuyển về môi trường lãi suất cao. Diễn biến thuận chiều của giá hàng hóa và chỉ số DXY đẩy các thị trường mới nổi và đang phát triển như Việt Nam đứng trước hai áp lực, lạm phát và tỷ giá”, bà Trần Thị Hà My, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận xét.
Vẫn giữ quan điểm thận trọng về lạm phát, nhưng vị lãnh đạo BIDV cho hay, có một số yếu tố hỗ trợ khiến lạm phát chưa quá đáng lo ngại như lạm phát cơ bản, tức lạm phát lõi có xu hướng giảm từ 4,3% xuống 3,8%, giá thực phẩm chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái do giá các mặt hàng như thịt lợn giảm, nguồn cung dồi dào.
Thách thức của nhà điều hành
Diễn biến thuận chiều của giá hàng hóa và chỉ số đồng USD đẩy các thị trường mới nổi và đang phát triển như Việt Nam đứng trước áp lực lạm phát và tỷ giá.
Giả thiết đặt ra, nếu lạm phát trong tầm kiểm soát thì áp lực mất giá tiền đồng được các lãnh đạo ngân hàng và chuyên gia kinh tế thừa nhận vẫn rất lớn. Rủi ro đối với dự báo là đồng USD tăng vượt ngưỡng 110, dẫn đến việc Ngân hàng Nhà nước có thể phải bán bớt dự trữ ngoại hối để đối phó với việc tiền đồng mất giá mạnh hơn.
Trong khi đó, ngành ngân hàng vẫn đang dư thừa thanh khoản, tức “thừa tiền”, dù sau cuộc họp gần nhất của Fed, tính đến ngày 13/10, Ngân hàng Nhà nước đã có 17 phiên liên tiếp hút tiền về qua kênh tín phiếu, tổng cộng gần 206.000 tỷ đồng. Tín phiếu có kỳ hạn 28 ngày, lãi suất trong phiên đấu thầu 20.000 tỷ đồng ngày 13/10 là 0,95%/năm. Mức lãi suất này tuy cao so với các phiên đấu thầu đầu tiên, nhưng giảm so với mức 1,3%/năm ngày 4 - 5/10, cho thấy tình trạng dư thừa thanh khoản vẫn hiện hữu.
Thanh khoản dư thừa do huy động vốn tiếp tục tích cực, nhưng tín dụng tăng chậm, tính đến cuối tháng 9 đạt 6,92% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 11,05% và mục tiêu cả năm là tăng 14%. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tại một số ngân hàng có sự phân hóa mạnh như BIDV đạt khoảng 7% (hạn mức được cấp cả năm là 14,5%), Vietcombank và VietinBank đạt khoảng 3% (hạn mức được cấp lần lượt là 15%, 14%), Techcombank đạt 11,85% (hạn mức được cấp là 14%), VIB đạt 3,96% (hạn mức được cấp là 14,25%)...
Sau các đợt giảm lãi suất huy động kể từ tháng 3, lãi suất huy động bình quân của khối ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước đã về mức tương đương giai đoạn dịch Covid-19 ở các kỳ hạn ngắn 1 - 3 tháng và kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, nhưng vẫn cao hơn 0,45%/năm so với mặt bằng thấp của giai đoạn dịch bệnh ở các kỳ hạn 3 - 6 tháng. Đối với khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất huy động cao hơn từ 0,5 - 0,7%/năm đối với kỳ hạn 1 - 9 tháng và cao hơn từ 1,5 - 2,0%/năm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
“Lãi suất huy động đã về vùng đáy và khó có thể giảm thêm trong quý IV/2023 khi lãi suất thực đang dần thu hẹp do lạm phát tăng lên, còn tín dụng có tăng tốc hay không trong bối cảnh hiện nay là điều khó dự đoán”, vị tổng giám đốc trên nói.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, xu hướng giảm của lãi suất trong 9 tháng đầu năm là yếu tố hỗ trợ rất lớn cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, xu hướng này đang gặp trở ngại, nhất là trong 3 tháng cuối năm, khi bắt đầu xuất hiện những “cơn gió ngược”. Theo đó, áp lực lạm phát và tỷ giá gia tăng trong 2 tháng trở lại đây là trở ngại chính cho đà giảm lãi suất ở thời điểm hiện tại (bên cạnh một số yếu tố khác như nợ xấu ngân hàng còn ở mức cao và quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 34% xuống 30% đã có hiệu lực từ đầu tháng 10/2023).
Liên quan đến vấn đề này, bà Yun Liu không còn kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất điều hành trong năm nay, vì các điều kiện trước đây đảm bảo cho việc cắt giảm lãi suất thêm 0,5% đã không còn, do quá trình phục hồi kinh tế đang diễn ra, trong khi lạm phát và áp lực ngoại tệ gia tăng.
“Tôi kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5%/năm cho đến cuối năm 2024, trừ khi có các cú sốc từ bên ngoài. Mặc dù vậy, tôi cũng không kỳ vọng chuyện tương tự tháng 10 năm ngoái lại xảy ra, khi đợt tăng liên tục của tỷ giá USD/VND buộc Ngân hàng Nhà nước phải mạnh tay tăng lãi suất. Nguyên nhân là do các điều kiện kinh tế vĩ mô đã được cải thiện. Ví dụ, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam gần như đã quay trở lại mức đỉnh trước đó là gần 5% GDP, nhờ thặng dư thương mại mạnh mẽ, lượng kiều hối dồi dào và doanh thu du lịch tăng”, bà Yun Liu nói.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doi-mat-voi-ap-luc-post331843.html