Đối mặt với căng thẳng mùa thi: Cha mẹ có thể làm gì cho con em mình?
Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đang diễn ra vào ngày 7 và 8/7. Không ít sĩ tử đối mặt với những kì vọng của cha mẹ và của chính bản thân sẽ trải qua những xáo trộn tâm lý như cảm thấy lạc lõng hay mất phương hướng. Áp lực ở mức vừa phải sẽ là động lực nhưng căng thẳng quá mức sẽ phản tác dụng.Sự tự tin không phát triển trong một sớm một chiêùCha mẹ nên làm gì?
Cha mẹ, xuất phát vì muốn tốt cho con, có thể sẽ can thiệp vào thói quen ăn uống, ngủ nghỉ của con mình cũng như quá trình học tập. Đôi khi, họ không can thiệp nhưng ánh mắt họ cũng đã nói lên tất cả những nỗi lòng mong con có cuộc sống tốt nhất. Cảm nhận được nỗi lo lắng của bố mẹ, con trẻ sẽ cố gắng nhiều hơn để làm bố mẹ hài lòng. Tuy nhiên, người trẻ thường sẽ kìm nén cảm xúc và áp lực phải thành công bỗng trở thành một gánh nặng.
Cha mẹ thường muốn con cái của họ hoàn thành những gì mà họ chưa thể làm hoặc những gì họ còn dang dở. Con cái họ có thể mang theo sự oán giận bởi việc thực hiện mong muốn của ba mẹ là bất công và ngăn cản chúng được làm điều mình yêu thích. Con trẻ sẽ trở nên thụ động hoặc hung hăng, xúc phạm người khác, thu mình lại, thậm chí tự làm hại bản thân. Đối mặt với áp lực phải vào trường tốt và kỳ vọng của cha mẹ, kỳ thi bỗng trở thành một điều ám ảnh với lớp trẻ.
Điều này không chỉ xảy ra tại Việt Nam khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra mà còn đang là vấn đề nhức nhối tại những nước phương Tây.
Một bác sĩ sức khỏe tâm thần làm việc tại một trường trung học ở miền bắc nước Anh, cho biết một số học sinh đang bị hoảng loạn. Một học sinh chia sẻ: “Ngay cả khi nghĩ về các kỳ thi cũng khiến em hoảng sợ. Lịch sinh hoạt của em bị ảnh hưởng trầm trọng. Em cảm thấy như em đang tự làm hại bản thân. Tâm trạng em luôn trong trạng thái thấp thỏm và lo lắng”.
“Học sinh nam thậm chí có xu hướng tức giận nhiều hơn. Một nam sinh đã rất tức giận khi được đề cập đến các kỳ thi đến mức cậu đã đấm liên tục vào tường. Cậu ấy không muốn nghe bất cứ điều gì về các kỳ thi, bởi vì nó mang lại cảm giác quá đau đớn và căng thẳng”.
Đây là lúc cha mẹ phải nhận ra vai trò của mình trong việc phải nhạy cảm với nhu cầu và mong muốn của con em. Cha mẹ cần tách biệt cảm xúc của bản thân với cảm xúc của con cái và nên nhớ rằng mọi người đều là mỗi cá thể khác nhau. Phụ huynh cần tìm hiểu mong muốn của con em và cần nhận thức được việc mọi người đều có quyền được làm những gì mình yêu thích và không nên bị quản chế bởi bất cứ ai.
Ngay từ khi còn nhỏ, đứa trẻ đã học làm người thông qua cha mẹ của chúng. Họ có phải là một người tốt, một người thành công, họ có đủ mạnh mẽ để vượt qua khó khăn không? Tất cả câu trả lời đến từ cha mẹ của họ. Trẻ em như một tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mẹ chúng. Sự tự tin của người trẻ là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến cảm nhận của các em về những kỳ thi.
Nếu cha mẹ học sinh tin rằng em sẽ thành công, đứa trẻ sẽ tin vào khả năng của chúng và tham gia kỳ thi một cách thoải mái. Tuy nhiên, nếu cha mẹ thấy con mình không đủ khả năng, trẻ sẽ nhận ra điều này ngay cả khi họ không nói thành lời. Gia đình phải có niềm tin rằng con họ sẽ thành công để tạo sự tự tin cho con em và tránh thể hiện sự lo lắng quá mức.
Nghiên cứu của chuyên gia tâm lý học lâm sàng Şeyma Kocak tới từ đại học Istanbul Gelisim được đăng tải trong tờ Daily Sabah đã đề xuất những phương án cho cha mẹ giảm bớt căng thẳng cho con cái sau đây:
1. Giao tiếp với con trẻ
Các tế bào thần kinh phản chiếu trong não của chúng ta có xu hướng sao chép cảm xúc của người khác, đặc biệt là những người quan trọng đối với chúng ta. Nếu sự lo lắng của cha mẹ họ quá dữ dội, nó sẽ truyền sang con cái của họ. Việc cha mẹ cần làm lúc này là dành thời gian giao tiếp với những sĩ tử một cách gần gũi, thoải mái và vô tư để tạo cho họ một tâm thế tự tin khi bước vào kỳ thi.
2. Dành thời gian kết nối
Điều quan trọng lúc này là cho con cái sự quan tâm, tình cảm và khoảng thời gian chất lượng để gắn kết gia đình. Thay vì nói "học đi, không phải là bây giờ", cha mẹ cần nói những câu tích cực. Các mối quan hệ lành mạnh giải phóng hormone oxytocin trong não của chúng ta. Loại hormone này giúp chúng ta dễ dàng điều chỉnh những cảm xúc tiêu cực chẳng hạn như bất cập, lo lắng, sợ hãi và điều này là cực kỳ có lợi cho sĩ tử trước kỳ thi căng thẳng.
3. Tôn trọng ý muốn của con
Hãy tôn trọng con bạn khi chúng muốn ở một mình. Việc ép buộc trẻ phải nói chuyện sẽ khiến trẻ bị dồn nén cảm xúc tồi tệ. Trong khi tương tác với người khác, bộ não của chúng ta nhận được vô số cảm xúc, dù tốt hay xấu. Và khi ở một mình, bộ não không phải làm gì cả và có thể tập trung vào việc lọc, điều chỉnh cảm xúc tiêu cực và hấp thụ những cảm xúc tích cực
4. Động viên khích lệ
Cha mẹ nên động viên con cái nhiều hơn. Nếu những thông điệp tích cực được đưa ra cho học sinh khi cần thiết, đứa trẻ có thể bớt sự căng thẳng trong các kỳ thi. Những thông điệp mang đến sự tự tin, lòng trắc ẩn và sự khích lệ như “Con có thể làm được, cha mẹ luôn ở đây vì con, con sẽ có được điều con muốn” có thể làm tăng sự tự tin của học sinh. Tuy nhiên, ngay cả những thông điệp tích cực này cũng nên được đưa ra đúng lúc và đúng cách nếu không sẽ vô tình gây ra sự lo lắng.
5. Không áp đặt
Cha mẹ đôi khi có thể nhầm lẫn mong muốn của con mình với ước mơ và mong muốn của chính mình. Đặt ra những mục tiêu không thể đạt được hoặc đứa trẻ không muốn sẽ làm tăng sự căng thẳng. Tình huống như vậy có thể dẫn đến sự mệt mỏi, áp lực và do đó, dẫn đến thất bại. Vì lý do này, cha mẹ nên để học sinh tự đặt ra các mục tiêu cho bản thân.
6. Tránh so sánh
Cha mẹ cần đặc biệt tránh việc so sánh con mình với người khác. Ví dụ, cha mẹ có thể nghĩ rằng con mình nên thành công hơn con của hàng xóm. Những bậc cha mẹ này đang vô thức biến đứa trẻ thành những chiếc cúp để họ cảm nhận được sự thành công qua con mình. Điều này làm giảm năng lượng của học sinh và đẩy họ vào những cuộc nổi loạn hay tranh cãi với ba mẹ mình.
Đối mặt với kỳ thi cam go, cha mẹ cần thấu hiểu những cảm xúc và mong muốn của con cái để đưa ra những lời khuyên và hành động đúng đắn. Bởi vì sau cùng, điều mà mọi bậc cha mẹ đều muốn là con mình được lớn lên khỏe mạnh và sống hạnh phúc thay vì phải chịu đựng những căng thẳng không nên có.