Đổi mới cách học văn qua hình thức biểu diễn kịch rối và hát tuồng

Sáng 21-2 tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình, TPHCM), giờ học môn Ngữ văn của học sinh lớp 10C13 trở nên khác lạ. Không còn bảng đen phấn trắng, không gian lớp học được 'hô biến' thành một sân khấu thu nhỏ với phông màn, bàn ghế, đạo cụ.

Nguyễn Phi Yến, học sinh lớp 10C13 cho biết, các bạn đã có gần 2 tháng chuẩn bị, nghiên cứu tư liệu và tái hiện trên sân khấu 2 loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc là múa rối cạn và hát tuồng.

Theo đó, thông qua Dự án bảo tồn di sản văn hóa, học sinh mang đến cho thầy cô và các bạn 2 trích đoạn biểu diễn gồm kịch rối kết hợp hát tuồng vở “Nghêu, sò, ốc, hến” và sân khấu hóa tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố.

Mở đầu buổi báo cáo, sân khấu tái hiện buổi xét xử ở huyện đường, quan tri huyện xử vụ án Trùm Sò kiện Thị Hến. Lần lượt các nhân vật gồm quan tri huyện, thầy đề, Lý trưởng Hà, Trùm Sò, Thị Hến, quân lính xuất hiện qua hình ảnh các con rối.

Nguyễn Phi Yến, học sinh lớp 10C13, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh tham gia hát tuồng qua trích đoạn "Nghêu sò ốc hến"

Nguyễn Phi Yến, học sinh lớp 10C13, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh tham gia hát tuồng qua trích đoạn "Nghêu sò ốc hến"

“Nhóm em chọn vở diễn "Nghêu sò ốc hến" vì đây là một trong những tích truyện dân gian khá phổ biến, thuộc loại tuồng đồ hài hước, qua đó châm biếm, đả kích nhiều thói hư tật xấu, bộ mặt xấu xa của một số hạng người trong xã hội phong kiến. Thông qua hình thức múa rối cạn kết hợp diễn tuồng, các thành viên mong muốn đem đến cho người xem cái nhìn mới mẻ về loại hình nghệ thuật dân gian này”, Phi Yến cho biết.

Nữ sinh này chia sẻ, đây là lần đầu tiên em tiếp xúc với bộ môn nghệ thuật này. Dù chỉ tự mày mò, học cách hát qua các đoạn video clip trên mạng, Phi Yến rất vui và tự hào khi chuyển tải được tâm tư, tình cảm của nhân vật qua từng câu hát.

Vì kinh phí thực hiện có hạn nên em và các bạn đã phải đến nhiều nhà hát múa rối học cách điều khiển con rối, lên mạng xem các đoạn video clip về hát tuồng để học cách biểu diễn, lên xuống giọng, nhấn nhá chữ của người nghệ sĩ.

Đọc lời thoại cho nhân vật Thị Hến trong trích đoạn, Khánh Quỳnh, học sinh lớp 10C13 cho biết, để tái hiện thành công vở diễn, học sinh phải tìm hiểu kiến thức liên quan đến kịch rối.

“Kịch rối chuyên nghiệp tạo hình con rối bằng gỗ sung. Tụi em là học sinh không có đủ điều kiện làm con rối theo hình thức đó, cả nhóm đã mày mò, thảo luận cách làm con rối từ vật liệu tái chế như chai nước, can nhựa, đũa tre. Quần áo trang phục của các con rối cũng do chính tụi em may, tạo hình cho nhân vật”, Khánh Quỳnh cho biết.

Học sinh tái hiện trích truyện Nghêu sò ốc hến qua hình thức kịch rối

Học sinh tái hiện trích truyện Nghêu sò ốc hến qua hình thức kịch rối

Khi được hỏi lý do vì sao chọn loại hình nghệ thuật múa rối, các thành viên trong nhóm đều cho biết, múa rối cạn là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Song so với múa rối nước, hình thức biểu diễn này ngày càng ít xuất hiện trong đời sống đương đại.

Thông qua vở diễn, nhóm thực hiện dự án mong muốn đem văn hóa dân gian đến gần hơn với các bạn trẻ, đồng thời truyền đi thông điệp cần phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn mang tính truyền thống của dân tộc.

Cô Lê Thị Ngọc Dung, giáo viên hướng dẫn Dự án bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời là Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho biết, dự án học tập không chỉ mang đến cho học sinh kiến thức mà còn là cơ hội cho các em thể hiện sự chủ động và sáng tạo, phát huy tối đa năng lực tự học, tự nghiên cứu theo định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

“Thông qua hình thức học Văn theo dự án, tôi muốn giúp học sinh hiểu văn chương không chỉ là bộ môn nghệ thuật mà còn giáo dục đạo đức, lối sống, tư tưởng, tình cảm cho học sinh, đồng thời góp phần phát triển kỹ năng mềm cho các em”, cô Ngọc Dung bày tỏ.

Các trích đoạn biểu diễn mang đến nhiều cảm xúc cho người xem

Các trích đoạn biểu diễn mang đến nhiều cảm xúc cho người xem

Đặc biệt, trong bối cảnh giới trẻ đang chịu ảnh hưởng bởi loại hình giải trí hiện đại khiến một số loại hình văn hóa truyền thống đang bị mai một, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là một trong những cách giữ gìn bản sắc dân tộc, thể hiện lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc.

Thông qua hoạt động trải nghiệm, học sinh hiểu được nỗ lực, những khó khăn, vất vả của người nghệ sĩ để qua đó thêm tự hào, mong muốn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trích đoạn chị Dậu đến gặp vợ chồng Nghị Quế xin bán con

Trích đoạn chị Dậu đến gặp vợ chồng Nghị Quế xin bán con

Với hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyễn Hồng Nhật Tiên, học sinh hóa thân thành nhân vật chị Dậu cho biết, để chuẩn bị cho vở diễn, em đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tác phẩm, học hỏi kỹ năng diễn xuất của các nghệ sĩ để mang đến hình ảnh người mẹ, người vợ hết lòng vì chồng con.

Học sinh tái hiện trích đoạn chị Dậu chăm sóc chồng qua hình thức sân khấu hóa tác phẩm "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố

Học sinh tái hiện trích đoạn chị Dậu chăm sóc chồng qua hình thức sân khấu hóa tác phẩm "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố

"Đây là lần đầu tiên em tham gia diễn kịch, từ lời thoại đến động tác, cách đi đứng của nhân vật đều được em tập đi tập lại nhiều lần để tái hiện cảm xúc của nhân vật. Thông qua hoạt động biểu diễn, em và các bạn được rèn kỹ năng làm việc nhóm, biết cách sắp xếp thời gian, phân chia công việc hợp lý", Nhật Tiên cho biết.

THU TÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/doi-moi-cach-hoc-van-qua-hinh-thuc-bieu-dien-kich-roi-va-hat-tuong-post679524.html