Đổi mới cách kiểm tra bài cũ sao cho học sinh vui vẻ, phấn chấn
Nhiều giáo viên cho rằng, có nhiều cách kiểm tra bài cũ, không nhất thiết phải sử dụng hình thức kiểm tra đầu giờ học theo cách truyền thống.
Kiểm tra đầu giờ có cần thiết?
Trả lời câu hỏi nên hay không nên kiểm tra đầu giờ, ý kiến của các giáo viên có khác nhau.
Theo cô Nguyễn Thị Thúy Hồng, giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội, duy trì kiểm tra bài cũ đầu giờ là cần thiết. Hoạt động này không chỉ là để đánh giá kiến thức của học sinh mà còn đo lường ý thức tự học, tự tìm hiểu của học sinh; đồng thời giúp giáo viên phát hiện ra phần “hổng” trong nội dung kiến thức đã truyền tải của tiết học trước.
Thông qua đó cung cấp thông tin phản hồi cho giáo viên để kịp thời điều chỉnh trong quá trình dạy học; hỗ trợ, thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh; xác nhận kết quả đạt được của học sinh trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ rèn luyện và học tập.
Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Thúy Hồng cũng thừa nhận, cách tiến hành kiểm tra đầu giờ truyền thống dễ gây nhàm chán và tạo áp lực tâm lý cho học sinh.
Cùng quan điểm, theo cô Trần Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ), kiểm tra đầu giờ là một phần trong tiến trình bài dạy của một tiết học. Kiến thức là tiếp nối, trước khi dạy kiến thức mới, giáo viên cần ôn tập, nhắc nhở, kiểm tra sự tập trung, nhận biết kiến thức của học sinh. Nếu không kiểm tra thì những học sinh ý thức chưa tốt sẽ không học, dẫn tới chất lượng giáo dục thấp.
Tuy nhiên, một số giáo viên kiểm tra bài cũ theo hình thức gọi tên bất chợt vào đầu giờ, khiến học sinh mang tâm lý sợ sệt, nặng nề khi đến lớp. Tuy nhiên,
Trong khi đó, cô Lê Thị Thu Hà, giáo viên môn ngữ văn của Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (Thái Thụy, Thái Bình) lại bày tỏ quan điểm: kiểm tra đầu giờ là không cần thiết.
Lý do, việc thực hiện kiểm tra đầu giờ sẽ khiến cho học sinh cảm thấy bị áp lực, ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài học mới. Với giáo viên, nếu học sinh chuẩn bị tốt bài ở nhà sẽ cảm thấy phấn chấn và thăng hoa trong truyền đạt kiến thức mới; ngược lại, các em không làm tốt, tâm lí thầy cô cũng bị ảnh hưởng, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng.
Cô Đỗ Thị Hồi, giáo viên Trường Tiểu học Lạc Hòa 1, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng thì cho biết bản thân từ lâu đã không kiểm tra đầu giờ mà tổ chức hoạt động khởi động, tổ chức trò chơi, giúp học sinh hứng thú khi vào bài mới.
Đổi mới thế nào?
Chia sẻ giải pháp đổi mới cách kiểm tra đầu giờ, cô Nguyễn Thị Thúy Hồng cho rằng, giáo viên có thể thực hiện việc giao bài, giao nhiệm vụ cho học sinh và kiểm tra kết quả, quá trình thực hiện của các em. Đây cũng là cách giáo dục các học trò nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết trình, tư duy phản biện…
Hoặc, học sinh chia sẻ những hiểu biết của bản thân về một vấn đề, từ đó giáo viên mở rộng kiến thức để thu hút học sinh.
Cũng có thể kiểm tra thông qua hình thức hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập; áp dụng công nghệ số trong kiểm tra đầu giờ; kiểm tra kiến thức thông qua các trò chơi; lồng ghép kiểm tra kiến thức cũ trong quá trình hình thành kiến thức mới.
Với cô Lê Thị Thu Hà, trong quá trình triển khai các hoạt động dạy học, giáo viên có thể tổ chức các trò chơi lồng ghép các câu hỏi. Nội dung các câu hỏi có kiểm tra kiến thức cũ, câu hỏi liên quan đến kiến thức mới. Cách làm này giúp học sinh cảm thấy vui vẻ, phấn chấn và giờ học sẽ không nặng nề.
Liên quan đến nội dung này, cô Trần Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ) nhấn mạnh: với mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, cũng như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về kiểm tra, đánh giá, giáo viên cũng cần linh hoạt trong quá trình thực hiện kiểm tra thường xuyên đối với học sinh.
Ở cấp Tiểu học, học sinh đang trong quá trình xây dựng nền tảng căn bản cho việc học tập và phát triển kỹ năng liên quan đến ý thức chuẩn bị cho bài mới. Một số thầy cô không “kiểm tra miệng” đầu giờ với học sinh tiểu học, thay vào đó cho các em khởi động bằng bài hát, chơi trò chơi, tạo ra một môi trường học tập thoải mái hơn và khám phá sự thú vị của kiến thức.
Kiểm tra bài cũ (nếu thực hiện) có thể chỉ thực hiện đối với những học sinh có tinh thần xung phong ở đầu giờ, hoặc giáo viên lồng ghép trong quá trình giảng dạy bài sẽ giúp cho học sinh tự tin trong học tập.
“Đánh giá thường xuyên có nhiều cách: thông qua hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Những học sinh yếu có thể gọi các em làm các bài tập dễ sau mỗi bài học. Giáo viên có thể lồng ghép câu hỏi kiểm tra kiến thức cũ trong suốt tiết học. Điều quan trọng nhất là sau mỗi bài học, học sinh nắm được gì, vận dụng như thế nào vào cuộc sống”, cô cô Trần Thị Bích Hạnh chia sẻ.