Đổi mới cách tiếp cận thị trường khách du lịch
Những năm gần đây lượng khách đến các khu, điểm du lịch Thanh Hóa tăng mạnh, song doanh thu vẫn chưa được như kỳ vọng. Thực tế này đòi hỏi ngành 'công nghiệp không khói' cần có những cách tiếp cận thị trường mới, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách và yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Đường trượt zipline dài hơn 500m tại Anh Phát Hotels & Resorts giúp du khách khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của điểm đến.
Thị trường thay đổi, nhu cầu, thị hiếu, xu hướng du lịch cũng thay đổi, ngành du lịch Thanh Hóa vì vậy cũng đã có những thay đổi tích cực trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, trải nghiệm... Đồng thời xác định, điều cần làm là quảng bá những sự thay đổi ấy một cách nổi bật, hấp dẫn nhất. Theo đó, tháng 3/2022 tỉnh Thanh Hóa đã chính thức công bố biểu trưng và slogan “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”. Đây được xem như lời cam kết về sự đa dạng, phong phú của tài nguyên du lịch; lời mời chào, khích lệ du khách muôn phương đến trải nghiệm và khám phá du lịch Thanh Hóa bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu.
Cùng với xây dựng chiến lược quảng bá, việc lựa chọn thị trường trọng điểm, đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương, vùng trong cả nước cũng hết sức quan trọng. Tỉnh Thanh Hóa xác định, mục tiêu của các hoạt động liên kết không chỉ dừng lại ở việc tạo ra sản phẩm, tour, tuyến du lịch mới mà còn hướng đến việc thu hút khách từ các thị trường mục tiêu. Thông qua đó, công tác tuyên truyền, quảng bá cũng sẽ được nâng tầm, khi các địa phương cùng chung tay quảng bá thế mạnh của nhau.
Giám đốc GBest Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa Nguyễn Thị Hà chia sẻ: Đổi mới cách quảng bá, tiếp cận thị trường chính là giải pháp quan trọng để thu hút được đa dạng nguồn khách. Thay vì truyền thông quá nhiều về tiềm năng thì cần tiếp cận khách hàng bằng chính chất lượng dịch vụ, trải nghiệm để du khách cảm thấy hấp dẫn và cần lan tỏa điều đó đến nhiều người.
Và thay vì tự mình quảng bá, cần đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong nước và quốc tế để họ quảng bá về sản phẩm, điểm đến của mình. Bởi, tôi nói về giá trị của tôi, sức hấp dẫn của tôi có thể sẽ không thuyết phục, nhưng để người khác nói về những điều ấy thì hiệu quả chắc chắn sẽ tăng gấp nhiều lần.
Bà Hà cũng chỉ rõ: “Du lịch Thái Lan vì sao phát triển mạnh? Vì họ đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến bằng chính các dịch vụ, sản phẩm, mua sắm, trải nghiệm, võ thuật truyền thống... Hướng tiếp cận thị trường của họ cũng hoàn toàn khác biệt. Các khu, điểm, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thường xuyên mời các đơn vị lữ hành quốc tế đến trải nghiệm sản phẩm, đưa ra chính sách hợp tác cùng phát triển. Trên cơ sở đó, chính các đơn vị lữ hành sẽ tự xây dựng kế hoạch quảng bá, tiếp cận thị trường một cách tốt nhất, hiệu quả nhất, phù hợp nhất với đối tượng khách của mình”.
Cũng dễ hiểu khi khu du lịch Anh Phát (thị xã Nghi Sơn) luôn là điểm đến hấp dẫn du khách trong suốt những năm qua. Cùng với dịch vụ lưu trú tiêu chuẩn 4 sao, nơi đây còn có khu phức hợp với đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch, trải nghiệm mang tính độc đáo, hấp dẫn như: trường đua Go Kart, trải nghiệm xe địa hình ATV xuyên núi Xước, quảng trường trượt cỏ, trường bắn súng sơn, chèo thuyền kayak trên hồ Quế Sơn... Mới đây nhất, tại Anh Phát Hotels & Resorts chính thức khai trương đường trượt zipline dài hơn 500m. Đây là trải nghiệm hoàn toàn mới, lần đầu tiên có mặt tại Thanh Hóa. Với đa dạng các hoạt động vui chơi, giải trí, trải nghiệm hấp dẫn, khu du lịch này tiếp tục khẳng định là điểm đến hàng đầu tại xứ Thanh. Nhờ vậy, chỉ trong 3 ngày của kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch 2024 tại đây đã đón 5,5 nghìn lượt khách, chiếm hơn 80% tổng lượng khách đến thị xã Nghi Sơn trong dịp này.
Chia sẻ về chiến lược tiếp cận thị trường, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Khách sạn Anh Phát Lê Hồng Đạo cho biết: Việc phát triển dịch vụ đồng bộ, khép kín không chỉ giúp du khách có những trải nghiệm trọn vẹn khi đến Anh Phát Hotels & Resorts, mà hơn cả là đáp ứng tiêu chí an toàn, hấp dẫn trong tình hình mới. Tuy nhiên, chia giai đoạn để đầu tư sẽ là giải pháp để khu du lịch luôn mang đến cho du khách những điều mới mẻ, tạo nên sức hút của điểm đến.
Có thể nói, cùng với các cấp, ngành, các doanh nghiệp đã và đang chủ động hơn trong việc tiếp cận thị trường mục tiêu. Tuy nhiên, để du lịch phát triển đúng hướng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phát huy hơn nữa vai trò “nhạc trưởng” trong công tác quảng bá, xúc tiến; định hướng thị trường; cơ cấu lại sản phẩm và chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần nghiên cứu điều chỉnh một số chính sách kích cầu du lịch nhằm phù hợp với nhu cầu của du khách và bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Có như vậy, du lịch Thanh Hóa mới có thể bứt tốc để về đích đón 16 triệu lượt khách, tổng thu ước đạt 45,5 nghìn tỷ đồng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025.