Đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp - Những vấn đề đặt ra

Đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp là nội dung quan trọng trong việc thực hiện những bước đi cụ thể của quá trình công nghiệp hóa đất nước. Do vậy, trong thời gian qua tỉnh đã có những giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Tuy nhiên hiện nay, thực trạng đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp ở tỉnh ta còn nhiều hạn chế. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp là nội dung quan trọng trong việc thực hiện những bước đi cụ thể của quá trình công nghiệp hóa đất nước. Do vậy, trong thời gian qua tỉnh đã có những giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Tuy nhiên hiện nay, thực trạng đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp ở tỉnh ta còn nhiều hạn chế.

Công nhân Công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường) sử dụng máy tiện CNC hiện đại.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường tổ chức tập huấn, hội thảo chuyên đề nhằm phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc đổi mới công nghệ, nhất là việc sử dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất để đáp ứng yêu cầu thị trường trong môi trường cạnh tranh và toàn cầu hóa như hiện nay. Về cơ chế, chính sách, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-HĐND ngày 10-7-2017 quy định một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ (KH và CN) trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh phê duyệt đề án xây dựng Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ đổi mới sáng tạo tỉnh; đồng thời bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở KH và CN) theo quy định của Chính phủ... Năm 2019, tỉnh đã hỗ trợ tài chính cho hơn 50 tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu, nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa theo Nghị quyết 42/2017-HĐND của HĐND tỉnh. Sở KH và CN đã đưa ra các chương trình hỗ trợ hoạt động đổi mới KH và CN của doanh nghiệp. Cụ thể, đã từng bước kết nối cung - cầu công nghệ, giúp doanh nghiệp từng bước cải thiện năng lực công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh. Trong quá trình đàm phán chuyển giao công nghệ, Sở KH và CN đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: tư vấn công nghệ, các vấn đề pháp lý, kết nối nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp. Nhiều công nghệ sau khi được chuyển giao đã phát huy vai trò tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tăng lợi nhuận.

Hiện nay, hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp ở tỉnh ta tập trung vào 2 nội dung cơ bản là đổi mới sản phẩm và đổi mới quy trình sản xuất. Tiêu biểu về đổi mới sản phẩm là Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến, xã Giao Tiến (Giao Thủy) với việc đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất sản phẩm bồn trộn bê tông thương phẩm. Ông Lê Huy Điệp, Giám đốc Công ty cho biết: Nhận thấy tiềm năng thị trường rộng mở của loại sản phẩm bồn trộn bê tông do nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới trên cả nước, Công ty đã nghiên cứu cho ra đời sản phẩm bồn trộn bê tông thương phẩm có dung tích từ 2-7m3, lớn hơn loại bồn trộn đảo bê tông dung tích nhỏ trước đó của Công ty. Sản phẩm này có thể nạp vật liệu bê tông tươi trộn sẵn hoặc có khả năng nạp vật liệu khô như cát, đá, xi măng, nước để trộn ra bê tông thương phẩm. Toàn bộ bồn trộn được làm bằng thép chống mài mòn và sơn tĩnh điện hoàn chỉnh bằng công nghệ của Nhật Bản. Sản phẩm được thiết kế nhỏ gọn, đáp ứng nhu cầu xây dựng cả những nơi có địa hình khó khăn nhất như: đường phố, ngõ nhỏ, khu vực nông thôn, vùng trung du, đồi núi… Về công nghệ sản xuất, ông Điệp cho biết thêm, thùng trộn được tạo phôi bằng máy CNC của hãng Victor nhập khẩu từ Mỹ, hệ thống chuyển động vận hành mạnh mẽ ổn định, hiệu suất công việc cao và không gây tiếng ồn. Hiện Công ty đã và đang áp dụng hệ thống hàn MIC robot tự động nên các mối hàn đều, đẹp, bền. Thùng và cánh trộn đều được chế tạo bằng vật liệu thép C45 chống mài mòn, độ bền đạt tới 100 nghìn m3. Qua đó, giúp sản phẩm thùng trộn bê tông có khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập về giá cả và thuận lợi trong thao tác sử dụng.

Tiêu biểu trong đổi mới quy trình sản xuất có Công ty TNHH Thương mại Hoàng Tùng Linh, xã Hải Phương (Hải Hậu) đã đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước trong khối G7, tổng kinh phí mua sắm máy móc và xây dựng nhà xưởng trên 130 tỷ đồng để sản xuất các mặt hàng dân dụng phục vụ thị trường; Công ty TNHH Cơ khí đúc Thắng Lợi, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định) đầu tư toàn bộ dây chuyền đúc khuôn cát tươi mặt ghép khuôn đứng Disamatic - Đan Mạch thay thế cho kỹ thuật đúc thủ công truyền thống có khả năng sản xuất hoàn toàn tự động, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của đối tác…

Tuy nhiên, kết quả đổi mới công nghệ của doanh nghiệp ở tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm khi số lượng các doanh nghiệp đổi mới, cải tạo công nghệ chưa nhiều. Nguyên nhân là do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, trong khi cơ chế tài chính hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn, bảo lãnh vốn vay và các hỗ trợ khác chưa tạo thuận lợi, thông thoáng về điều kiện để doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Các tổ chức làm nhiệm vụ môi giới và dịch vụ trong thị trường công nghệ để kết nối giữa nguồn cung và cầu công nghệ còn hạn chế. Thực trạng sử dụng công nghệ lạc hậu của các doanh nghiệp dẫn đến năng suất lao động thấp, thường xuyên gặp khó về tài chính, nhân lực yếu kém chưa sẵn sàng tiếp nhận thông tin và công nghệ mới trong sản xuất, cũng như các chính sách hỗ trợ của Nhà nước là những lực cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường cạnh tranh toàn cầu. Cũng có doanh nghiệp nhận thức được lợi ích từ việc đổi mới, cải tiến công nghệ nhưng lại gặp nhiều khó khăn từ thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều rủi ro từ thị trường do cạnh tranh không lành mạnh, nạn làm giả, làm nhái nên chưa mạnh dạn đầu tư. Tình trạng các doanh nghiệp sử dụng công nghệ kỹ thuật lạc hậu trong sản xuất không chỉ làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp mà còn tác động tiêu cực, gây hậu quả xấu đến môi trường của địa phương.

Ở tỉnh ta, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực của doanh nghiệp đặc biệt là nguồn lực tài chính còn hạn chế nên hoạt động đổi mới công nghệ vẫn chưa mạnh mẽ. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trong bối cảnh cạnh tranh và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động đến phương thức sản xuất của doanh nghiệp. Với chức năng “Nhà quản lý”, thời gian tới, Sở KH và CN sẽ tham mưu với tỉnh tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KH và CN đối với doanh nghiệp. Xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ mới, công nghệ tiên tiến và lực lượng chuyên gia công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác, sử dụng phục vụ đổi mới công nghệ. Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đào tạo, thuê chuyên gia thiết kế, sản xuất sản phẩm mới và thay đổi quy trình công nghệ. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao tiềm lực tài chính để nghiên cứu, đầu tư công nghệ thích hợp phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, xem xét việc áp dụng đổi mới công nghệ theo từng giai đoạn. Tăng cường liên kết, hợp tác tốt với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thuận lợi hơn trong nắm bắt tiêu chuẩn, kỹ thuật mới, tiếp cận tri thức và công nghệ mới./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5090/202007/doi-moi-cong-nghe-trong-doanh-nghiep-nhung-van-de-dat-ra-2538801/