Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng đa chiều và định lượng
Thời gian qua, công tác đánh giá cán bộ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm chú trọng, nhất là đánh giá cán bộ liên tục, xuyên suốt, đa chiều, bằng 'sản phẩm' cụ thể; ngăn chặn, đẩy lùi việc chạy chức, chạy quyền và các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ; tích cực luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Quán triệt sâu sắc quan điểm đánh giá cán bộ là tiền đề, quyết định đến chất lượng của các khâu khác trong công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc việc tự phê bình và phê bình gắn với đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến cơ sở.
Đồng thời bám sát vào các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác nhận xét, đánh giá cán bộ (Quy định số 132-QĐ/TW ngày 8/3/2018 của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị; Quy định 89-QĐ/TW, ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW, ngày 18/10/2019 của Ban Tổ chức Trung ương về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp), tỉnh đã ban hành Quy định về tiêu chí đánh giá và xếp loại cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý theo thang điểm và hàng năm ban hành Kế hoạch kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng và tập thể, cá nhân cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Cán bộ được xem xét đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển đều được cấp ủy quản lý nhận xét, đánh giá. Đánh giá cán bộ bước đầu đã gắn với kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; nội dung, quy trình, phương pháp đánh giá từng bước được đổi mới, ngày càng đi vào nền nếp, cơ bản đảm bảo chặt chẽ, khách quan, thận trọng, đúng quy định, có căn cứ; hạn chế những biểu hiện ngại va chạm, nể nang, né tránh, "dĩ hòa vi quý". Tỷ lệ cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảm dần nhưng thực chất hơn, sát với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và của cán bộ.
Việc tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với nhận xét, đánh giá, xếp loại cán bộ đã phát huy tác dụng thiết thực và hiệu quả công tác được nâng lên; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, ý thức trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả, dân chủ được mở rộng và phát huy.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm gợi ý kiểm điểm đối với những tập thể và cá nhân ở những nơi có vấn đề nổi cộm, có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, có đơn thư, khiếu nại, tố cáo, có dư luận gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân... Thông qua kiểm điểm, đánh giá đã chỉ ra ưu, khuyết điểm của cán bộ, giúp cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ có căn cứ để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật, thực hiện chính sách cán bộ.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội theo đúng quy định của Trung ương, bước đầu tạo chuyển biến tích cực góp phần nâng cao phẩm chất, năng lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Đánh giá cán bộ được coi là khâu tiền đề, quan trọng nhất nhưng vẫn là khâu khó và yếu trong công tác cán bộ; đánh giá cán bộ có việc chưa thực sự hiệu quả, thiết thực và gắn kết chặt chẽ với các khâu của công tác cán bộ.
Thực tiễn tại tỉnh ta, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở một số nơi vẫn còn biểu hiện hình thức, chưa thực chất; còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, thiếu tính chiến đấu, chưa mạnh dạn chỉ ra các biểu hiện suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; chưa chỉ rõ vai trò trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Nội dung, phương pháp đánh giá, xếp loại cán bộ chưa có sự đổi mới tích cực; có nơi chưa thực sự coi trọng lấy chất lượng, hiệu quả công việc, sản phẩm đầu ra để làm thước đo đánh giá cán bộ và chưa kiên quyết sắp xếp, bố trí lại công tác đối với những cán bộ năng lực hạn chế, hiệu quả công tác không cao.
Để đổi mới nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá cán bộ, cần tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ: Duy trì có nền nếp việc đánh giá cán bộ định kỳ hàng năm, khi hết nhiệm kỳ; trước khi thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, khen thưởng, kỷ luật… đối với cán bộ. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: đa chiều, theo tiêu chí, bằng "sản phẩm" cụ thể, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đẩy mạnh phân cấp việc nhận xét, đánh giá cán bộ theo hướng: "Ai giao việc người đó đánh giá", Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận xét đánh giá đối với các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị. Các chức danh còn lại phân cấp cho ban cán sự đảng; đảng đoàn; tập thể cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc... và người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị nhận xét đánh giá cán bộ theo phân cấp.
Xác định rõ trách nhiệm của tập thể, của từng cá nhân và nhất là người đứng đầu trong đánh giá cán bộ; tạo cơ chế để cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia giám sát, đánh giá cán bộ. Tiếp tục triển khai thực hiện quy định hàng năm, trong nhiệm kỳ mỗi cán bộ phải có bản cam kết nêu gương, đăng ký chương trình hành động của cá nhân để cấp có thẩm quyền có cơ sở đánh giá cán bộ cuối năm, khi hết nhiệm kỳ.
Nội dung đánh giá cán bộ phải gắn với kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và thực hiện quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương.
Duy trì có nền nếp việc cấp có thẩm quyền gợi ý để tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý kiểm điểm làm rõ những hạn chế, yếu kém trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao và những vấn đề nổi cộm dư luận quan tâm. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy định về lấy phiếu tín nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý...