Đổi mới công tác dạy học, hướng nghiệp sau quy định thi tốt nghiệp THPT 4 môn
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố phương án tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT), từ năm 2025 sẽ chỉ thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn do thí sinh tự lựa chọn. Để thích ứng với phương án thi mới, các trường THPT đang có những điều chỉnh trong công tác tổ chức dạy học, hướng nghiệp cho học sinh.
Việc điều chỉnh phương án tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là thay đổi phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Theo Bộ GD&ĐT, 2+2 (2 môn thi bắt buộc và 2 thi môn tự chọn) là phương án tổ chức thi gọn nhẹ, giảm tải nhất, đồng thời cũng sẽ giải quyết được tình trạng mất cân bằng của việc chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên như hiện nay. Đại đa số ý kiến thành viên Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực ủng hộ phương án 2+2. Các thành viên hội đồng đã phân tích, làm rõ những ưu việt của phương án 2+2 như: Đáp ứng chủ trương giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội; không gây nên sự mất cân bằng giữa việc chọn khối khoa học xã hội và khối khoa học tự nhiên; tạo điều kiện giúp học sinh phát huy năng lực, sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018...
Tại Trường THPT Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, đa số học sinh khi được hỏi đều đồng tình, ủng hộ phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2025. Bởi với phương án này không chỉ giúp học sinh giảm áp lực thi cử mà quan trọng hơn, học sinh có thời gian cũng như điều kiện để lựa chọn môn học phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Em Nguyễn Minh Thư, lớp 11A1, Trường THPT Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy chia sẻ: “Cách làm này giúp giảm áp lực thi cử để học sinh được lựa chọn môn học sở trường, thời gian để đầu tư cho 4 môn thi cũng sẽ nhiều hơn. Trong 12 môn học thì em yêu thích môn Tiếng Anh, đây sẽ là một trong hai môn tự chọn của em".
Cùng quan điểm, cô Nguyễn Huyền Trang, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy cho biết: “Ngoại ngữ vẫn luôn là “điểm yếu” của đa số học sinh các huyện miền núi và khu vực nông thôn, trong đó có huyện Thanh Thủy. Việc đưa môn Ngoại ngữ ra khỏi danh sách các môn thi bắt buộc có thể sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng môn học này trong khi trước đó, chúng ta đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức và nguồn lực để cải thiện chất lượng dạy học môn Tiếng Anh. Tuy nhiên, đối với những học sinh có mục tiêu sử dụng Tiếng Anh để xét tuyển đại học hoặc là công cụ để phục vụ cho công việc sau này, các em có thể lựa chọn học chuyên sâu. Còn đối với những học sinh chưa có nhu cầu học hoặc định hướng nghề nghiệp không liên quan nhiều đến môn Tiếng Anh thì các em chỉ cần học theo chương trình Tiếng Anh chính khóa trên lớp để có đủ kiến thức cơ bản”.
Việc thi 4 môn năm 2025 có nhiều điểm mới và yêu cầu cần đạt của học sinh là phẩm chất, năng lực chứ không chỉ là kiến thức, kỹ năng như trước đây. Điều này đòi hỏi học sinh phải biết được khả năng, năng lực, năng khiếu, xu hướng nghề nghiệp phù hợp với mình trong tương lai để chọn các môn học và môn thi tốt nghiệp phù hợp nhất. Vì vậy, công tác giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp ở bậc THCS, THPT phải được nâng chất và nâng tầm, giúp các em xây dựng phương pháp học tập và chọn các môn học ở cấp THCS và THPT phù hợp.
Tại Trường THPT Tam Nông, huyện Tam Nông, công tác phân luồng, hướng nghiệp được nhà trường chú trọng thực hiện theo hướng nắm bắt rõ năng lực của học sinh để phân lớp. Học sinh có học lực từ trung bình trở xuống, nhà trường sẽ tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT, đồng thời định hướng phân luồng học nghề. Đối với học sinh khá trở lên, bên cạnh việc chú trọng ôn thi các môn theo khối thi các em lựa chọn, sẽ có thêm các buổi học bổ trợ kiến thức để các em tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực do các trường đại học hàng đầu tổ chức. Thầy giáo Vũ Hồng Điệp – Hiệu trưởng cho biết: “Dù tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT được tổ chức theo hình thức nào thì vẫn phải thực hiện Chương trình GDPT 2018 một cách đầy đủ, tránh tình trạng thi gì học nấy, coi trọng môn này, nhẹ môn kia... Trong một lớp học sẽ có nhiều học sinh lựa chọn, đăng ký thi các môn thi khác nhau. Vì vậy, vẫn phải bảo đảm mặt bằng kiến thức chung cho học sinh đồng thời định hướng phương pháp học cho học sinh, hướng dẫn học sinh lựa chọn môn thi phù hợp với năng lực, sở trường. Trong khi đó, để phù hợp với phương án thi mới, chắc chắn phương án tuyển sinh đại học cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Do đó nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp và làm tốt công tác tư tưởng cho giáo viên, học sinh và phụ huynh”.
Phương án thi 4 môn của Bộ GD&ĐT sẽ tạo ra nhiều thuận lợi trong quá trình dạy và học cho giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, tồn tại một số hệ lụy như học sinh sẽ học lệch ngay từ khi đăng ký vào lớp 10; tình trạng quá chú trọng môn này mà xem nhẹ môn khác... Vì vậy, các nhà trường cần xác định rõ hướng đi phù hợp trong công tác chỉ đạo chuyên môn; có chiến lược tổ chức dạy học đúng hướng. Đối với các học sinh THPT, không những phải học kiến thức mà còn phải hiểu khả năng, năng lực của mình để lựa chọn được hướng đi phù hợp.