Đổi mới công tác truyền thông dân số
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cho biết, các hoạt động truyền thông dân số năm 2020 sẽ có những thay đổi nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân số. Trong đó, tập trung tuyên truyền về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội…
Để bảo đảm cho công tác truyền thông năm 2020 đạt hiệu quả, Tổng cục DS-KHHGÐ đã đề nghị sở y tế và chi cục DS-KHHGÐ của 63 tỉnh, thành phố xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với thực trạng mức sinh của từng địa phương. Ðối với tỉnh chưa đạt mức sinh thay thế sẽ tiếp tục tuyên truyền các nội dung, thông điệp để giảm sinh nhằm đạt mức sinh thay thế bình quân trong toàn tỉnh; truyền thông về lợi ích của KHHGÐ, quy mô gia đình nhỏ, không đẻ sớm, không đẻ dày. Ðối với những tỉnh đã đạt mức sinh thay thế hoặc dưới mức sinh thay thế sẽ tập trung tuyên truyền các nội dung để mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con, duy trì khoảng cách giữa các lần sinh, ổn định mức sinh... Tuyên truyền mạnh mẽ về sự cần thiết cung ứng đầy đủ các phương tiện tránh thai, bảo đảm an ninh hàng hóa các phương tiện tránh thai; không để tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, ảnh hưởng đến công tác KHHGÐ.
Ðáng chú ý, Tổng cục DS-KHHGÐ đưa ra nội dung quan trọng cần tuyên truyền mạnh mẽ về thích ứng với già hóa dân số và đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục để mọi người dân nhận thức được già hóa dân số vừa là kết quả thời gian qua vừa là thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Ðồng thời tuyên truyền rộng rãi để mọi người hiểu được quyền và nghĩa vụ của người di cư, phát huy các yếu tố tích cực của quá trình di cư, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nơi đi và nơi đến, góp phần chăm sóc và nâng cao chất lượng dân số, nhất là vùng nhập cư mới…
Phó Tổng cục trưởng DS-KHHGÐ Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, để nâng cao chất lượng dân số, Tổng cục tập trung tuyên truyền vận động mọi thanh niên trước khi kết hôn nên đi tư vấn và khám sức khỏe, trước hết là các đối tượng trong nhóm sinh sản. Nâng cao nhận thức về tác hại, hệ lụy, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Cung cấp các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục để phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết và phòng tránh thai an toàn; tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; chăm sóc thai tốt để sinh con khỏe mạnh và đẩy mạnh tuyên truyền để bảo đảm công nhân các khu công nghiệp tiếp cận tốt hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGÐ, góp phần giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn và nâng cao chất lượng dân số. Ðổi mới phương thức truyền thông để thấy rõ nâng cao chất lượng dân số là yếu tố cần thiết trong tình hình hiện nay. Trước hết, đổi mới nội dung; duy trì và nhân rộng các mô hình truyền thông có hiệu quả và xây dựng các mô hình truyền thông về dân số và phát triển phù hợp với tình hình mới. Nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên dân số, y tế về các nội dung dân số và phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông cho trẻ vị thành niên, thanh niên, người chưa kết hôn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người và các nhóm dân số đặc thù. Ưu tiên truyền thông tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng mức sinh thấp, vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao. Lựa chọn nội dung và hình thức truyền thông về dân số và phát triển phù hợp với người dân sống ở đô thị, nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số…
Mục tiêu truyền thông dân số năm 2020 tập trung vào ba nội dung chính: Đối tượng tuyên truyền vận động: Lãnh đạo Đảng, chính quyền, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý các cấp; đối tượng truyền thông chuyển đổi hành vi (phụ nữ, nam giới và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; bà mẹ mang thai, bà mẹ mới sinh; phụ nữ và nam giới thuộc nhóm dân di cư, dân tộc thiểu số, người khuyết tật…); đối tượng huy động cộng đồng (các tổ chức chính trị - xã hội, những người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ…).