Đổi mới đào tạo nghề: Giải pháp chiến lược phát triển nội lực quốc gia

Giai đoạn 2026–2030 là thời điểm then chốt cần đẩy mạnh cải cách toàn diện hệ thống đào tạo nghề, góp phần phát triển nội lực quốc gia.

Đẩy mạnh cải cách toàn diện hệ thống đào tạo nghề trong ngành Công Thương

Trong kỷ nguyên chuyển đổi số và hội nhập toàn diện, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để nâng cao năng suất, đổi mới công nghệ và gia tăng giá trị trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Trong đó, ngành Công Thương giữ vai trò trụ cột trong nền kinh tế quốc dân - không chỉ đóng góp lớn vào tăng trưởng, xuất khẩu và công nghiệp hóa, mà còn là cầu nối chiến lược giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào mạng lưới thương mại, sản xuất toàn cầu.

Tuy nhiên, trước những thách thức đang đặt ra hiện nay khi chất lượng nguồn nhân lực chưa theo kịp nhu cầu thực tế. Nhiều lao động dù có bằng cấp vẫn thiếu kỹ năng thực hành, năng lực ngoại ngữ và khả năng ứng dụng công nghệ.

Thực tế, để tham gia tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với vai trò chủ động và có giá trị gia tăng cao, chúng ta cần một lực lượng lao động không chỉ đông đảo, mà phải được đào tạo bài bản, làm chủ kỹ năng, thích ứng linh hoạt và làm việc theo chuẩn mực quốc tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh ngành Công Thương đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng số hóa, xanh hóa và tích hợp vào chuỗi giá trị toàn cầu, đâu là vai trò chiến lược của việc đổi mới đào tạo nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đối với quá trình hội nhập và phát triển của toàn ngành hiện nay?

Ông Nguyễn Quang Hồng – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương)

Ông Nguyễn Quang Hồng – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương)

Chia sẻ vấn đề này tại tọa đàm "Đổi mới đào tạo nghề từ chất: Định vị vai trò chiến lược trong tiến trình hội nhập" do Báo Công Thương tổ chức sáng 18/7, ông Nguyễn Quang Hồng – Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) cho biết, đổi mới đào tạo nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò nền tảng chiến lược trong tiến trình chuyển đổi và phát triển bền vững của ngành Công Thương. Đây là điều kiện tiên quyết để trang bị kỹ năng mới cho người lao động, đặc biệt là kỹ năng số, kỹ năng xanh và năng lực làm việc trong môi trường toàn cầu.

Đồng thời, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trước yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tiêu chuẩn quốc tế trong các FTA thế hệ mới; gắn kết chặt chẽ đào tạo với nhu cầu thực tiễn, thúc đẩy hợp tác nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong xây dựng chương trình và triển khai đào tạo. Qua đó, tạo lập hệ sinh thái đào tạo hiện đại, dựa trên công nghệ số, học tập linh hoạt, chuẩn hóa đầu ra theo thông lệ quốc tế.

“Giai đoạn 2026 - 2030 là thời điểm then chốt trong sự phát triển của đất nước nói chung và của ngành Công Thương nói riêng, cần đẩy mạnh cải cách toàn diện hệ thống đào tạo nghề trong ngành, bảo đảm nguồn nhân lực vừa có chất lượng, vừa có khả năng thích ứng và đổi mới sáng tạo, từ đó góp phần đưa ngành Công Thương phát triển xanh, số và hội nhập sâu rộng hơn”, ông Hồng nhấn mạnh.

Liên kết nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là yếu tố then chốt

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đào tạo nghề trong bối cảnh bằng cấp vẫn là ưu thế, theo các chuyên gia, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, các cơ quan chức năng sẽ là “lực đẩy” để thu hút nguồn lực cho hệ thống đào tạo nghề nói chung, ngành Công Thương nói riêng.

Với vai trò của Bộ Công Thương, để hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc, theo ông Hồng, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình, chính sách, có thể kể đến một số chương trình như:

Thứ nhất, hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các địa phương có tỉnh nghèo thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025;

Thứ hai, hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thông thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thông mới giai đoạn 2021-2025;

Thứ ba, hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự theo Nghị định 81.

Ngoài ra, Bộ Công Thương còn lồng ghép các giải pháp, nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực trong các Chiến lược phát triển các ngành thuộc lĩnh vực Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng.

Tọa đàm Đổi mới đào tạo nghề từ chất: Định vị vai trò chiến lược trong tiến trình hội nhập do Báo Công Thương tổ chức sáng 18/7

Tọa đàm Đổi mới đào tạo nghề từ chất: Định vị vai trò chiến lược trong tiến trình hội nhập do Báo Công Thương tổ chức sáng 18/7

“Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã xác định rõ: liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là yếu tố then chốt để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, xanh hóa và hội nhập quốc tế”, ông Hồng nêu rõ.

Bên cạnh đó, ông Hồng cũng nhấn mạnh, trên cơ sở đó, Bộ đã triển khai một số điểm mới về chính sách như: Bộ Công Thương đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của các Trường trực thuộc Bộ Công Thương thông qua gắn kết doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; theo đó thiết lập cơ chế phối hợp giữa “Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp” một cách có hệ thống.

Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong xây dựng cơ chế liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động, cập nhật khung trình độ quốc gia và phát triển các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề, bảo đảm đồng bộ từ trung ương đến địa phương.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 57, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai, theo đó một trong các nhiệm vụ trọng tâm là phát triển hoạt động đào tạo của các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ và nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới đào tạo nghề tại tọa đàm, ông Đào Trọng Độ - Trưởng phòng Giáo dục chính quy - Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, trong hành trình phát triển kinh tế hiện đại, nguồn nhân lực không còn là “yếu tố bổ trợ” mà đã trở thành “động lực dẫn dắt” tăng trưởng, đặc biệt đối với một ngành có tốc độ chuyển đổi nhanh và phạm vi ảnh hưởng rộng như ngành Công Thương.

"Theo đó, đào tạo nghề, nếu được tổ chức bài bản, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp, nhà nước và xã hội sẽ không chỉ tạo sinh kế cho người học, mà còn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng tầm chuỗi giá trị nội địa và phát triển kinh tế tại chỗ, đặc biệt ở những vùng còn khó khăn. Đây cũng là cách ngành Công Thương kiến tạo nền tảng vững chắc cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế" - ông Độ nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quang Hồng: "Đổi mới đào tạo nghề nói chung và ngành Công Thương nói riêng không chỉ là yêu cầu giáo dục, mà là một giải pháp chiến lược để phát triển nội lực quốc gia, thu hẹp chênh lệch vùng miền và hướng tới một nền công nghiệp tri thức, nơi mọi công dân, dù ở trung tâm hay vùng khó khăn, đều có thể học nghề, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình".

Nga Đỗ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doi-moi-dao-tao-nghe-giai-phap-chien-luoc-phat-trien-noi-luc-quoc-gia-411035.html