Đổi mới để có tác phẩm hay
Những năm qua mặc dù văn học nghệ thuật (VHNT) nước nhà đã có những thành tựu rất đáng ghi nhận nhưng vẫn còn ít tác phẩm lớn có chất lượng giá trị nghệ thuật cao. Trong tình hình mới rất cần có sự đổi mới, sáng tạo ngay từ những người cầm bút.
Thiếu tác phẩm xứng tầm
Theo NSND Trần Quốc Chiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội thì trong công cuộc xây dựng đất nước, VHNT đã khẳng định được vai trò đặc biệt là ánh sáng “soi đường cho quốc dân đi”. Ở thời điểm đất nước phải đối mặt với đại dịch Covid-19, cuộc chiến phòng chống dịch đầy cam go và hết sức khó khăn. Thời điểm đó, chính những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật và âm nhạc cổ vũ, động viên lực lượng phòng chống dịch nơi tuyến đầu và toàn dân chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Tuy nhiên ông Chiêm cũng đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề về thực trạng của nền VHNT nước nhà, còn có những tác phẩm tư tưởng bị hạn chế, chạy theo thị hiếu của một bộ phận công chúng, không có chức năng giáo dục về mặt tư tưởng, thẩm mỹ, chú trọng chức năng một chiều giải trí. Đội ngũ sáng tác VHNT ít những cây bút lớn. Những tác phẩm VHNT xứng tầm còn thiếu.
Sự chững lại, thậm chí bị cho là sa sút của VHNT được thể hiện rõ ở chất lượng của tác phẩm. Thời kỳ trước, khi đất nước gặp muôn vàn khó khăn nhưng lại xuất hiện nhiều tác phẩm lớn có giá trị cao, cổ vũ, khích lệ để toàn dân, toàn quân sẵn sàng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Các văn nghệ sĩ chính là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Còn khi đất nước hòa bình, phát triển, kinh tế ngày càng vững mạnh thì VHNT lại thiếu tác phẩm xứng tầm.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông cho rằng, chuyển động của VHNT nước nhà đang chậm chạp trước sự chuyển đổi mạnh mẽ như hiện nay. Sự phát triển của VHNT chưa xứng với tiềm năng và nhu cầu thụ hưởng của người dân. Còn có những văn nghệ sĩ hạn chế về nhận thức, chưa thấy được hết ý nghĩa và tiến trình phát triển mang yếu tố lịch sử khi đất nước đổi mới.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh cho rằng, đội ngũ văn nghệ của chúng ta đông nhưng chưa mạnh. Nhìn chung, trong thời kỳ hiện đại hóa hiện nay của đất nước, văn nghệ sĩ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cả về lượng và chất, thiếu đội ngũ kế cận. Bên cạnh đó, còn bị hạn chế trong công tác lý luận và phê bình nghệ thuật.
Đổi mới tư duy và sáng tạo
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, việc đổi mới, sáng tạo để có những tác phẩm hay, là sự mong mỏi chính đáng của giới VHNT. Tác giả cần phải luôn đổi mới tư duy và có sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và đối diện với khó khăn thì mới có được tác phẩm hay. Cùng với đó, sự tự do sáng tác chính là mảnh đất ươm trồng những tác phẩm hay bên cạnh sự chi phối của những điều kiện vật chất cần và đủ.
Ông Tú cũng lưu ý, người nghệ sĩ cần có sự chọn lọc về nội dung, hình ảnh sao cho hợp với thuần phong mỹ tục và đáp ứng được sự đa dạng của khán giả ở mọi lứa tuổi. Sự sáng tạo tự do nhưng phải đúng hướng bằng những tác phẩm lành mạnh, mang giá trị nhân văn.
Còn nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho rằng, văn nghệ sĩ phải gần với đời sống, bám sát cơ sở và có sự phát hiện vấn đề mới, kiến thức cần được tích lũy và đặc biệt có sự sáng tạo. Để phát huy được những điều đó, thì cần phải có sự ủng hộ và khích lệ của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đối với VHNT. Từ đó, tư duy sẽ được đổi mới, có nhiều sự sáng tạo, góp phần tạo nên những tác phẩm hay và có giá trị.
Nhiều ý kiến trong giới VHNT nhận định rằng, sự sáng tạo của chính chủ thể - văn nghệ sĩ là điều quan trọng nhất để có được một tác phẩm hay và mang giá trị to lớn. Song song với đó là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ và phát hiện bồi dưỡng những tài năng trẻ. Việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho văn nghệ sĩ khai triển tài năng cũng là vấn đề cần được chú trọng… Bên cạnh đó, triển khai tổ chức các trại sáng tác, tránh đầu tư dàn trải mà phải có chiều sâu, có sự chắt lọc xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng để văn nghệ sĩ phát huy tối đa năng lực sáng tác và đi cùng đó là nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội.
NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam kiến nghị, những tác phẩm không đảm bảo chất lượng nghệ thuật thì không đưa ra công chúng. Còn đối với các tác phẩm có chất lượng và tư tưởng lớn thì cần có sự đầu tư cho đúng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/doi-moi-de-co-tac-pham-hay-5742322.html