Đổi mới để đáp ứng tình hình mới
Đổi mới mô hình, nội dung phương thức hoạt động gắn với tăng cường công tác bồi dưỡng cán bộ công đoàn theo hướng vừa hồng, vừa chuyên là một trong những điểm sáng về hoạt động Công đoàn Thủ đô giai đoạn 2018 - 2023 cũng như của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động
Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Công đoàn Thủ đô đã không ngừng sáng tạo, năng động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với phương châm hướng về cơ sở. Trong đó, Chương trình số 02/CTr-LĐLĐ ngày 18/9/2018 về “Đổi mới mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp có bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm đáp ứng yêu cầu hoạt động trong tình hình mới” như là “kim chỉ nam” cho Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội từng bước xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Trọng tâm của Chương trình là sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động có hiệu quả, gắn với việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Vì thế, ngay đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố đã triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với việc đề cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động.
Đồng thời, LĐLĐ Thành phố triển khai thực hiện “Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” theo sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam; gắn việc hoàn thiện tổ chức bộ máy với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng Công đoàn cấp trên tập trung cho cơ sở, cán bộ công đoàn gắn bó với đoàn viên, lấy lợi ích đoàn viên làm cốt lõi hoạt động. Xác định rõ vai trò và nhiệm vụ của từng cấp Công đoàn, nhất là vai trò của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc vận động, hướng dẫn, hỗ trợ đoàn viên, người lao động…
Trên cơ sở hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ Thành phố đã xây dựng bảng chấm điểm, đánh giá xếp loại chất lượng hoạt động của các cấp Công đoàn, định kỳ hàng năm kiểm tra, đánh giá, phân loại hoạt động Công đoàn cơ sở (CĐCS). Kết quả hàng năm có trên 93% CĐCS khu vực nhà nước, trên 55% CĐCS khu vực ngoài nhà nước hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 45/45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tổ chức đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 4a/NQ-TLĐ ngày 04/3/2010 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn giai đoạn 2010 - 2020” và hàng năm đều tổng kết đánh giá biểu dương các đơn vị làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn.
Một điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ là Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố phối hợp tổ chức ký Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng đoàn, Thường trực LĐLĐ Thành phố với Ban Thường vụ của 30 quận, huyện, thị ủy và 02 Đảng ủy trực thuộc Thành ủy (Đảng ủy Khối các Cơ quan Thành phố và Đảng ủy các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội) giai đoạn 2022 - 2025. Kết quả bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phối hợp chỉ đạo hoạt động Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công tác quản lý tổ chức bộ máy và công tác cán bộ; công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và phát triển đảng viên trong công nhân viên chức, lao động; công tác chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động…
Từ sự chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, các cấp Công đoàn Thủ đô đã nỗ lực hết mình, củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Chủ tịch LĐLĐ quận Đống Đa Lê Thị Kim Huệ cho biết, song song với với việc đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, LĐLĐ quận đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn. Bên cạnh công tác đánh giá, phân loại CĐCS từng bước đi vào nề nếp, LĐLĐ quận hướng dẫn hoạt động cho từng loại hình CĐCS với trọng tâm xây dựng chương trình hoạt động hàng năm gắn với kế hoạch tài chính, phấn đấu sau một năm thành lập có ít nhất 20% số CĐCS mới đạt danh hiệu vững mạnh.
LĐLĐ quận cụ thể hóa tiêu chuẩn, chế độ khen thưởng, cải tiến cách thức bình chọn do đó đã góp phần động viên khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chức năng của tổ chức Công đoàn; điều này đã trở thành nguồn động viên tinh thần đối với đội ngũ cán bộ CĐCS. Với những biện pháp trên, hoạt động CĐCS ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng được nâng lên. Kết quả, hàng năm tỷ lệ CĐCS đạt vững mạnh của quận đạt trung bình 83%, trong đó khối hành chính sự nghiệp đạt 99%, khối doanh nghiệp đạt 58%.
Đối với LĐLĐ huyện Sóc Sơn, Chủ tịch LĐLĐ huyện Lê Văn Đại thông tin, trong nhiệm kỳ vừa qua, LĐLĐ huyện luôn coi trọng việc đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn và đội ngũ cán bộ CĐCS theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 02/ NQ-TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Công tác xây dựng CĐCS vững mạnh được LĐLĐ huyện quan tâm. Theo đó, LĐLĐ huyện đã tập trung nâng cao chất lượng đoàn viên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức chính trị, kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ. Thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng của đoàn viên và công nhân lao động. Giải quyết kịp thời khó khăn bức xúc của công nhân, không để xảy ra tranh chấp lao động, đình công; xây dựng được mối quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định, đảm bảo việc làm, đời sống của công nhân lao động.
Có thể thấy, ngay từ cấp cơ sở, những đổi mới được các cấp Công đoàn đồng lòng ủng hộ và triển khai sâu rộng, sôi nổi, tạo xung lực mới cho tổ chức và hoạt động của Công đoàn Thủ đô. Các hoạt động dần đi vào chiều sâu, bám sát chức năng, nhiệm vụ và nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, trong đó tập trung thực hiện chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn bản lĩnh, trí tuệ
LĐLĐ thành phố Hà Nội đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (trong đó có 12 LĐLĐ quận; 18 LĐLĐ huyện, thị xã; 8 Công đoàn ngành; 7 Công đoàn Tổng Công ty và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở) và 25 CĐCS trực thuộc LĐLĐ Thành phố; với tổng số 9.208 CĐCS và 664.031 đoàn viên. Trong 5 năm qua, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và lao động khu vực phi chính thức. Để tổ chức Công đoàn thực sự là trung tâm đoàn kết, giáo dục công nhân, viên chức, lao động luôn thực hiện tốt các chức năng cơ bản của mình, thì cần thiết phải xây dựng được đội ngũ cán bộ công đoàn vững mạnh.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của cán bộ công đoàn, LĐLĐ Thành phố đã đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo. Theo đó, phương thức tập huấn, đào tạo cũng đã có nhiều đổi mới, được thực hiện nghiêm túc, bài bản hơn. Nghị quyết XII, Đại hội Công đoàn Việt Nam đã xác định 1 trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ là: Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là đội ngũ Chủ tịch CĐCS khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Đối với Hà Nội, ngay sau Đại hội XVI Công đoàn Thành phố (nhiệm kỳ 2018 - 2023), LĐLĐ thành phố Hà Nội đã xây dựng 6 Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội.
Chương trình số 02/CTr-LĐLĐ cũng đã đặt ra mục tiêu phấn đấu 100% cán bộ chuyên trách Công đoàn có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với ngạch, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được phân công. Phấn đấu 100% cán bộ công đoàn các cấp (từ Tổ phó công đoàn trở lên) được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ công tác công đoàn.
Một điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ là Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố phối hợp tổ chức ký Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng đoàn, Thường trực LĐLĐ Thành phố với Ban Thường vụ của 30 quận, huyện, thị ủy và 02 Đảng ủy trực thuộc Thành ủy (Đảng ủy Khối các Cơ quan Thành phố và Đảng ủy các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội) giai đoạn 2022 - 2025. Kết quả bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phối hợp chỉ đạo hoạt động Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công tác quản lý tổ chức bộ máy và công tác cán bộ; công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và phát triển đảng viên trong công nhân, viên chức, lao động; công tác chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động…
Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố khóa XVI cũng ban hành Nghị quyết số 14/NQ- LĐLĐ về “Công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới”. Mục tiêu đặt ra trong các Chương trình, Nghị quyết về công tác cán bộ công đoàn của LĐLĐ Thành phố là: Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn Thủ đô đảm bảo đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng; có tư tưởng chính trị vững vàng, chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ; phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu, tâm huyết, trách nhiệm; có năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm; có năng lực đối thoại, dẫn dắt truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết người lao động; có chất lượng và cơ cấu phù hợp vị trí công tác, đảm bảo sự kế thừa và phát triển vững chắc giữa các thế hệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của phong trào công nhân viên chức lao động, hoạt động công đoàn Thủ đô trong tình hình mới.
Theo đó, ngay từ đầu mỗi năm, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố đều chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và triển khai tới các cấp Công đoàn Thủ đô. Điển hình như trong 5 năm qua LĐLĐ quận Đống Đa đã mở 15 lớp tập huấn với trên 3.200 lượt cán bộ CĐCS tham dự. Các đơn vị, doanh nghiệp tự tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho trên 3.000 cán bộ CĐCS. LĐLĐ quận Tây Hồ đã mở 16 lớp tập huấn với 2.475 lượt cán bộ công đoàn học tập; đồng thời tham gia các lớp tập huấn do LĐLĐ Thành phố tổ chức với 35 lượt cán bộ Công đoàn chủ chốt học tập. Thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Công đoàn quận và cơ sở dần trưởng thành hơn về năng lực, bản lĩnh và kỹ năng tổ chức hoạt động.
LĐLĐ quận Hoàng Mai cũng đã tổ chức 15 lớp tập huấn cho 12.500 lượt cán bộ công đoàn; trong đó 100% cán bộ công đoàn chuyên trách được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về lý luận, nghiệp vụ công tác Công đoàn. LĐLĐ huyện Thanh Oai đã thực hiện bồi dưỡng, tập huấn cho 9.075 lượt cán bộ Công đoàn. Hình thức có nhiều đổi mới, đặc biệt chú trọng các nội dung về chính sách, pháp luật lao động…
Từ sự vào cuộc tích cực của cơ sở, với những nỗ lực vượt bậc, trong nhiệm kỳ vừa qua, LĐLĐ Thành phố đã tổ chức 173 lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, với 17.635 học viên bằng nguồn kinh phí Ủy ban nhân dân Thành phố (đạt 100% kế hoạch); đã đào tạo, bồi dưỡng tập huấn cho trên 288.000 lượt cán bộ công đoàn các cấp. LĐLĐ Thành phố phối hợp với Trường Đại học Công đoàn đào tạo 6 lớp lý luận nghiệp vụ công đoàn với 221 học viên; phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia mở 7 lớp chuyên viên với 390 học viên; 5 lớp chuyên viên chính với 235 học viên; tổ chức được 210 lớp an toàn vệ sinh lao động với 16.489 học viên.
LĐLĐ Thành phố cũng chỉ đạo Trường Trung cấp Nghiệp vụ và dạy nghề Công đoàn Hà Nội phối hợp với các LĐLĐ quận, huyện, thị xã mở được 76 lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cho cán bộ CĐCS theo nguồn kinh phí tại đơn vị với 19.385 học viên tham gia. Riêng năm 2022, LĐLĐ Thành phố đã cử 34 đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch tham gia lớp bồi dưỡng công tác Công đoàn cho cán bộ chủ chốt cấp trên trực tiếp cơ sở năm 2022 do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức.
Phương pháp đào tạo bồi dưỡng cán bộ Công đoàn Thủ đô trong những năm qua cũng đã có nhiều đổi mới, kết hợp giữa phương pháp truyền thống với phương pháp đào tạo tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, phát huy tính tự giác, chủ động và tư duy sáng tạo của người học. Các buổi đào tạo, tập huấn cho cán bộ công đoàn cũng không còn thụ động, một chiều mà tăng cường việc trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm giữa giảng viên với học viên; giữa các học viên theo nhóm trong lớp để cán bộ công đoàn có thể dễ dàng tiếp thu kiến thức, vận dụng vào thực tế công tác.
Về nội dung, LĐLĐ Thành phố tập trung triển khai bồi dưỡng lý luận, nghiệp vụ cơ bản về công tác Công đoàn cho đội ngũ cán bộ CĐCS và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, nhất là cán bộ mới tham gia Ban Chấp hành lần đầu; bồi dưỡng chuyên sâu và nâng cao kỹ năng hoạt động theo các chuyên đề công tác Công đoàn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ công đoàn các cấp đáp ứng tình hình mới hiện nay. Đối với cán bộ CĐCS nhất là cán bộ CĐCS khu vực ngoài Nhà nước, nội dung đào tạo được chú trọng là cập nhật kiến thức mới, nghiệp vụ tổ chức các hoạt động CĐCS, kỹ năng thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể, kỹ năng đàm phán, đối thoại … Cùng đó, các cấp Công đoàn Thủ đô cũng tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, tin học, ngoại ngữ... để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách; tập huấn nội dung những điểm mới của pháp luật liên quan đến cán bộ công đoàn và người lao động
Có thể nói, việc xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh là nhiệm vụ sống còn của các cấp Công đoàn. Từ những chuyển mình mang tính tích cực và đột phá vừa qua là tiền đề để Công đoàn Thủ đô phát huy nội lực, không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, tiếp tục là điểm tựa vững chắc, là mái ấm tin cậy của công nhân, viên chức, lao động.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/doi-moi-de-dap-ung-tinh-hinh-moi-161317.html