Đổi mới để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong những năm qua, nhưng vẫn tồn tại không ít khó khăn và thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt, đặc biệt liên quan đến quy trình đăng ký kinh doanh. Chính vì vậy, Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất nhiều điểm sửa đổi quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Nhiều đổi mới về đăng ký doanh nghiệp

Các điểm sửa đổi chính trong Dự thảo Nghị định bao gồm: bãi bỏ một số quy định không còn phù hợp, bổ sung các quy định mới để giảm bớt thủ tục, cũng như cải tiến hệ thống đăng ký doanh nghiệp nhằm hướng tới hiện đại hóa, tối ưu hóa quy trình. Trong đó, nổi bật là những đề xuất thay đổi về đăng ký hộ kinh doanh, quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp, và quy định về ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Cụ thể, dự thảo Nghị định bãi bỏ đăng ký hộ kinh doanh. Nội dung liên quan đến hộ kinh doanh sẽ được tách riêng ra khỏi Nghị định số 01/2021/NĐ-CP nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký doanh nghiệp và tạo sự phân định rõ ràng giữa doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Sự thay đổi này xuất phát từ nhu cầu tạo ra một quy trình đăng ký doanh nghiệp đơn giản và hiệu quả hơn, đồng thời giảm bớt các gánh nặng về thủ tục cho hộ kinh doanh.

Dự thảo Nghị định cũng đề xuất bổ sung toàn bộ hệ thống biểu mẫu trong đăng ký doanh nghiệp lên cấp Nghị định nhằm đảm bảo tính phù hợp và thống nhất với thẩm quyền ban hành thủ tục hành chính theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hướng đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp.

Đồng thời, sửa đổi quy định về cơ quan đăng ký kinh doanh. Theo dự thảo, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ bao gồm Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban quản lý khu công nghệ cao. Điều này sẽ giúp mở rộng quyền hạn và khả năng của các khu công nghệ cao trong việc cấp phép cho doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Một trong những điểm mới khác của dự thảo là bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phối hợp và cung cấp thông tin liên quan đến đăng ký doanh nghiệp. Quy định này không chỉ giúp nâng cao tính minh bạch mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan trong việc quản lý doanh nghiệp sau khi đã đăng ký.

Cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Tạo cơ chế chia sẻ thông tin hiệu quả

Các chuyên gia pháp chế cho rằng, bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và thuận lợi, thì việc quan trọng với cơ quan quản lý nhà nước là cụ thể hóa quy định chia sẻ thông tin của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 215 Luật Doanh nghiệp năm 2020 tại Dự thảo Nghị định. Đây là một yêu cầu cấp thiết trong quản lý, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, hiện đại và minh bạch.

“Quy định tại khoản 4 Điều 215 Luật Doanh nghiệp năm 2020 nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đây là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo quản lý nhà nước hiệu quả và minh bạch hơn trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, thực tế việc áp dụng vào vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chính vì thế, việc cụ thể hóa nội dung trong Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp không chỉ là một yêu cầu cần thiết mà còn góp phần thực thi hiệu quả chính sách của Nhà nước”, một chuyên gia nhận định.

Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp đã lợi dụng những kẽ hở trong hệ thống quản lý doanh nghiệp để thực hiện các hành vi vi phạm như khai báo không trung thực, trốn tránh trách nhiệm tài chính hoặc pháp lý. Đã có những trường hợp doanh nghiệp khai báo không đúng về tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, dẫn đến sự sai lệch trong số liệu thống kê và khó khăn trong việc quản lý.

Việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước không chỉ giúp phát hiện và xử lý sớm các hành vi vi phạm mà còn nâng cao tính minh bạch trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Điều này cũng giúp các cơ quan nhà nước đưa ra các dự báo chính xác về tình hình phát triển kinh tế, từ đó hỗ trợ quá trình ra quyết định và xây dựng chính sách hiệu quả hơn. Đối với các doanh nghiệp, việc này tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng và ổn định, đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên liên quan.

Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, để thực hiện tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát doanh nghiệp sau đăng ký thành lập trong bối cảnh nguồn lực về con người hạn chế, việc đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu về doanh nghiệp sau đăng ký thành lập tại các bộ, ngành và địa phương cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng công cụ “hậu kiểm tự động” là cần thiết. Thông qua việc chia sẻ thông tin, các cơ quan chức năng có thể phát hiện sớm các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó kịp thời ngăn chặn và xử lý.

Hiện nay, một số ngành như hải quan, thuế… đã xây dựng được hệ thống và công cụ nhằm dự báo sớm những rủi ro thông qua việc chia sẻ dữ liệu. Việc này cũng được một số địa phương như Đà Nẵng, Bình Dương, Vĩnh Long triển khai, tuy nhiên do chưa có sự đồng bộ từ trung ương đến địa phương nên hiệu quả còn hạn chế.

Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như Hà Lan, Trung Quốc hay Indonesia… cho thấy, việc xây dựng một hệ thống chia sẻ thông tin đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước có vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh. Đặc biệt, khi đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc sử dụng công nghệ thông tin để kết nối dữ liệu giữa các cơ quan Chính phủ, điều này sẽ giúp nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động của doanh nghiệp.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doi-moi-de-tao-moi-truong-kinh-doanh-thuan-loi-hon-155777.html