Đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT phù hợp với mục tiêu của chương trình GDPT 2018

Điểm nổi bật của đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là chuyển trọng tâm từ việc kiểm tra kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực thực tiễn của học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT quy định Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Các quy định được kỳ vọng sẽ đánh giá được chính xác năng lực của thí sinh.

Đổi mới đề thi giúp đánh giá kết quả đào tạo theo chương trình giáo dục phổ thông 2018

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Dũng, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoài Đức A (huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng tình với việc thay đổi đề thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025”.

Lý giải về điều này, thầy Dũng đưa ra ba lý do. Thứ nhất, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại. Vì vậy, đề thi thay đổi theo hướng đánh giá khả năng vận dụng của học sinh vào thực tiễn là đúng với định hướng và phù hợp với chính sách của Đảng, Nhà nước trong công cuộc cải cách giáo dục.

Thứ hai, trong nhiều năm qua, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là một kỳ thi đánh giá kết quả đào tạo của ngành giáo dục nói chung và của từng nhà trường nói riêng. Đề thi được đổi mới sẽ giúp từng trường nhìn nhận và tự đánh giá được kết quả đào tạo theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 của mình.

Thứ ba, hiện nay, khoảng 70% các trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để tuyển sinh. Vì vậy, đề thi thay đổi theo hướng không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn sẽ tạo cơ sở vững chắc, phục vụ tốt cho công tác tuyển sinh đại học. Từ đó, giúp các trường chọn lựa được những thí sinh có đủ năng lực và phẩm chất cần thiết.

 Thầy Nguyễn Văn Dũng, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoài Đức A. (Ảnh: Website nhà trường)

Thầy Nguyễn Văn Dũng, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoài Đức A. (Ảnh: Website nhà trường)

Trường Trung học phổ thông Hoài Đức A cũng đã thay đổi cách thức ôn luyện cho học sinh để giúp các em dễ dàng tiếp cận và giải quyết các tình huống trong đề thi. Theo thầy Nguyễn Văn Dũng, trong nhiều năm qua, nhà trường luôn chú trọng đến việc đào tạo học sinh toàn diện, không chỉ về kiến thức mà còn đào tạo các kỹ năng thực tế. Vì vậy, khi đề thi từ năm 2025 được thay đổi theo hướng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, nhà trường sẽ tiếp tục duy trì phương pháp giảng dạy xen kẽ lý thuyết và các bài tập tình huống.

Cũng ủng hộ những thay đổi của đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, thầy Vũ Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Du (thành phố Sơn La) cho hay: “Đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc thay đổi đề thi theo hướng vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống là điều hết sức đúng đắn”.

Theo thầy Sơn, trước đây những tiết học của chương trình giáo dục phổ thông 2006 đa số là những tiết học mang nặng lý thuyết, nhưng hiện tại các em học sinh đã được học nhiều tiết học trải nghiệm hơn, gắn lý thuyết đã học với thực tế cuộc sống. Vì vậy mà đề thi cũng phải thay đổi theo hướng này.

Thầy Vũ Hồng Sơn nêu quan điểm: “Đối với những học sinh có học lực từ mức khá trở lên, đề thi mới sẽ phù hợp với các em hơn, giúp học sinh phát huy được tính sáng tạo và phản ánh đúng năng lực của các em. Tất cả các thầy cô trong nhà trường đều ủng hộ việc đổi mới đề thi”.

 Thầy Vũ Hồng Sơn, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Du (Ảnh: website nhà trường)

Thầy Vũ Hồng Sơn, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Du (Ảnh: website nhà trường)

Cũng theo thầy Sơn, theo chương trình giáo dục phổ thông mới sách giáo khoa đã trở thành phương tiện và học liệu để học sinh tham khảo, không còn là kiến thức bắt buộc, khô khan. Việc đề thi mang tính chất đề mở và học sinh phải có năng lực vận dụng là điều tất yếu. Các em có thể cùng lúc tham khảo nhiều bộ sách khác nhau để có thể đúc kết, lĩnh hội được nhiều kiến thức. Bên cạnh đó, các em học sinh còn có thể phát triển năng lực tự học và tính sáng tạo.

Bàn về sự thay đổi của đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, thầy Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Bình (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) chia sẻ, hình thức đánh giá này không chỉ giúp học sinh phát triển toàn diện mà còn phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc đánh giá năng lực thực tiễn sẽ giúp học sinh chuẩn bị tốt hơn cho tương lai, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường lao động hiện nay.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Bình cho hay, để giúp học sinh có cái nhìn đa chiều và thực tế, chân thật hơn về các kiến thức đã học, nhà trường đã lồng ghép các kiến thức thực tiễn, tình huống thực tế vào nội dung giảng dạy và các tiết ôn luyện.

Đề thi mới phù hợp với nhu cầu của học sinh chỉ xét tốt nghiệp hoặc xét tuyển cả đại học

Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 phân bố tỷ lệ câu hỏi các cấp độ tư duy biết, hiểu, vận dụng là 4:3:3. Theo thầy Nguyễn Văn Tuấn, với mức độ câu hỏi biết và hiểu chiếm 70% thì mục đích của Bộ Giáo dục và Đào tạo khá rõ ràng là lấy kết quả xét thi để xét công nhận tốt nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có 30% câu hỏi ở mức vận dụng (mức độ tương đối khó) để phân hóa học sinh nhằm phục vụ công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng.

Bên cạnh đó, theo thầy Tuấn, sự phân bố tỷ lệ câu hỏi như vậy sẽ tạo ra động lực học tập hơn cho học sinh, đặc biệt là nhóm học sinh khá giỏi, vì các em cần phải cố gắng nhiều hơn để đạt được điểm cao trong kỳ thi. Năm nay, Trường Trung học phổ thông Vĩnh Bình tập trung ôn tập cho các em học sinh ở nhóm trung bình lấy được điểm ở những câu hỏi thuộc dạng biết và một số câu hỏi ở dạng hiểu. Đối với nhóm học sinh khá, giỏi, nhà trường luôn có phần mở rộng, nâng cao với những câu hỏi mở để giúp các em giải quyết được những câu hỏi khó.

 Thầy Nguyễn Văn Tuấn (thứ 3 từ phải sang), Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Bình. (Ảnh: Website nhà trường)

Thầy Nguyễn Văn Tuấn (thứ 3 từ phải sang), Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Bình. (Ảnh: Website nhà trường)

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Bình còn cho hay, nhà trường đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế như các buổi thực hành thí nghiệm, các dự án học tập xoay quanh chủ đề đang học hay các buổi sinh hoạt của các câu lạc bộ trong nhà trường. Việc này giúp các em có điều kiện áp dụng kiến thức vào các tình huống cụ thể trong thực tế đời sống.

Theo lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Hoài Đức A, nhà trường cũng triển khai nhiều hoạt động phong phú giúp học sinh phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và vận dụng kiến thức vào các tình huống thực tế.

Thầy Nguyễn Văn Dũng, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Nhà trường đã tổ chức các hoạt động đoàn, thành lập các câu lạc bộ để học sinh tham gia vào các dự án, thảo luận nhóm. Những hoạt động này giúp các em rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện và sáng tạo trong quá trình tìm ra giải pháp của một vấn đề. Bên cạnh đó, nhà trường còn thành lập các chuyên đề cho từng tổ chuyên môn, giúp giáo viên có thể định hướng rõ cho các em học sinh”.

Thầy Dũng đánh giá, đa số các em học sinh tham gia nhiệt tình và năng nổ trong các hoạt động này. Các em ngày càng chủ động trong việc tiếp thu và áp dụng kiến thức, điều này phán ánh tinh thần tự giác, sáng tạo và ham học hỏi của học sinh. Đây là tiền đề quan trọng làm hành trang cho các em bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đúng với định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 Điểm nổi bật của đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 là chuyển trọng tâm từ việc kiểm tra kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực thực tiễn của học sinh. (Ảnh minh họa: Doãn Nhàn)

Điểm nổi bật của đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 là chuyển trọng tâm từ việc kiểm tra kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực thực tiễn của học sinh. (Ảnh minh họa: Doãn Nhàn)

Đối với Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Sơn La, thầy Vũ Hồng Sơn cho biết, nhà trường đã chỉ đạo các thầy cô và các tổ chuyên môn xây dựng bài học theo phương án kết hợp với thực tế địa phương.

Cụ thể, nhà trường thường xuyên đưa những hoạt động thực tế cuộc sống ngay tại tỉnh Sơn La vào bài giảng, giúp các em có thể vận dụng đầy đủ kiến thức tổng hợp của nhiều môn học khác nhau để giải quyết tình huống. Theo thầy Sơn, không chỉ riêng lớp 12, đối với các em học sinh lớp 10, 11 nhà trường cũng đã triển khai giảng dạy theo phương án như vậy để các em có nền tảng vững chắc, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong tương lai.

Thầy Vũ Hồng Sơn cho biết, đối với riêng nhà trường, 90% các em học sinh là người dân tộc thiểu số. Do đó, chỉ có 20-30% các em học sinh có nhu cầu thi vào các trường đại học. Khi các câu hỏi trong đề thi được phân bổ theo tỷ lệ biết, hiểu, vận dụng 4:3:3 sẽ phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của học sinh, giúp phân hóa học sinh tốt hơn.

Diệp Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/doi-moi-de-thi-tot-nghiep-thpt-phu-hop-voi-muc-tieu-cua-chuong-trinh-gdpt-2018-post248267.gd