Đổi mới giáo dục bao năm nhưng thưởng Tết giáo viên vẫn 'mỡ nó rán nó'
Câu chuyện thưởng Tết giáo viên vẫn nóng mỗi độ xuân về, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, đời sống của người thầy càng khó khăn hơn. Tâm sự của một nhà giáo xung quanh câu chuyện này.
Hơn 30 năm trước đây, cứ mỗi độ Xuân về, nhiều nhà giáo chúng tôi được thưởng Tết là cân đường, hộp sữa, nửa kí cá khô. Có trường thưởng gói mì chính, chai nước mắm, hộp bánh…đã là sang lắm. Vì vẫn còn nhiều trường bạn, giáo viên chẳng được thưởng chút gì ngoài chén trà nóng và những lời cầu chúc bình an dành cho nhau trong buổi gặp mặt ngày cuối năm tại trường.
30 mươi năm sau, ngành giáo dục đã trải qua khá nhiều đổi mới. Những dự án nghìn tỉ được đầu tư như đề án học ngoại ngữ, nghìn tỉ để thực hiện đổi chương trình, thay sách giáo khoa, bồi dưỡng giáo viên.
Thế nhưng, ngoài một số địa phương quan tâm đến giáo dục trong việc cấp ngân sách nên giáo viên cũng có được chút tiền thưởng Tết nhưng đa phần nhà giáo ở nhiều địa phương Tết vẫn không có gì. Có trường linh động nhưng quà vẫn chỉ dừng lại ở chai nước mắm, lọ tương cà, chai xì dầu, kí cá khô như bao nhiêu năm về trước.
Gần về hưu chưa biết đến thưởng Tết là gì
Nói về chuyện thưởng Tết, thầy Khánh, nguyên hiệu trưởng một trường học tại Nậm Ngà, tỉnh Lai Châu cho biết: “Giáo viên nơi đây, từ xưa đến nay hầu như không có thưởng Tết vì kinh phí eo hẹp”.
Được biết, nhiều thầy cô công tác nơi này sống xa nhà (một năm chỉ về quê được 2 lần là Tết và Hè). Có giáo viên đi dạy hơn 30 năm nhưng chưa bao giờ được nhận một đồng thưởng Tết. Số tiền lương cuối năm nhận được lo tiền tàu xe đi về, chút quà cho cha mẹ và mấy đứa nhỏ cũng chẳng còn dư lại bao nhiêu.
Để đỡ chi phí một số khoản, nhiều giáo viên đã vào rừng kiếm lá dong, vài nhành đào dại. Một cô giáo vui vẻ chia sẻ: “những thứ ấy về xuôi cũng đỡ được một khoản tiền”.
Giống như Nậm Ngà, giáo viên ở vùng khó khăn tỉnh Đắc Nông cho biết đi dạy gần về hưu mà chưa bao giờ nhận được một đồng tiền Tết. Chưa biết thưởng Tết là gì, sang lắm là chai dầu ăn, gói mì chính, có trường lại thưởng cho thùng bia. Quà mang tiếng của công đoàn cho nhưng thực chất tiền công đoàn phí giáo viên đóng hàng tháng.
Ngỡ chỉ có những giáo viên vùng cao như Sơn La, Hà Giang, Đắc Nông… không có tiền thưởng Tết. Không ít giáo viên ở ngay thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận nhiều năm nay cũng không có tiền thưởng, ngoài mấy món quà của công đoàn biếu tặng. Có cô ý nhị "nói là quà của công đoàn cho sang, thực chất cũng mỡ nó rán nó mà thôi". Năm nhận được cân đường, hộp sữa, năm thì vài chai dầu ăn, gói hạt dưa, nếu quy ra tiền cũng chỉ độ hơn trăm nghìn đồng.
Giáo viên có phải đối tượng cần kêu gọi giúp đỡ?
Trước đây, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã từng thấu hiểu, đồng cảm với cái nghèo, cái khổ, sự thiệt thòi của giáo viên những ngày Tết. Ông đã viết thư kêu gọi doanh nghiệp cùng chung tay ủng hộ để mỗi giáo viên có một chiếc bánh chưng.
Trong thư ông viết: “Là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi cảm thấy rất băn khoăn khi ngày Tết đến, không góp phần lo được cái Tết cho gia đình của 1 triệu thầy cô giáo mầm non và phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng đề nghị các đồng chí lãnh đạo từng địa phương vận động doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ và hỗ trợ từ kinh phí địa phương để các thầy, cô giáo, nhất là các thầy, cô giáo công tác ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, có một cái Tết ít thiếu thốn hơn ngày thường, có được mâm cơm để cúng ông bà tổ tiên, có được chiếc áo mới cho cha mẹ, con cái, có được chiếc bánh chưng, bánh tét ăn ngày mồng một Tết”.
Bức thư khá xúc động, thế nhưng không nhận được sự đồng tình của đông đảo giáo viên. Bởi lẽ, khá nhiều ý kiến cho rằng, thầy cô giáo không phải đối tượng để xin mọi người rủ lòng thương hại của các cá nhân, doanh nghiệp.
Người cho rằng, dù đói thầy cô vẫn phải ngẩng cao đầu, sẽ nhận những gì xứng đáng được nhận. Những gì xứng đáng chính là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đúng như khẳng định được thể hiện ngay trong Điều 35 của Hiến pháp 1992: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, đến Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001 thì sửa thành: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và Người cũng chỉ rõ: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang..., xây dựng kinh tế, không có cán bộ không làm được. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa”.
Hiện nay, chúng ta vẫn đang đầu tư cho giáo dục khá lớn với mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Thế nhưng, sự đầu tư ngân sách mạnh cho giáo dục như hiện nay nhưng lại bỏ quên vai trò, quyền lợi của những người thầy, liệu đã thỏa đáng?