Đổi mới giáo dục chính trị ở Sư đoàn 10

Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) có hơn 50% hạ sĩ quan, chiến sĩ (HSQ, CS) là người dân tộc thiểu số (DTTS), trình độ nhận thức không đồng đều. Trong khi đó, đề án 'Đổi mới công tác giáo dục chính trị (GDCT) tại đơn vị trong giai đoạn mới' (gọi tắt là đề án) lại đặt ra yêu cầu cao, đòi hỏi Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 10 phải có cách làm hay, sáng tạo để nâng cao chất lượng GDCT, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Đổi mới nhận thức từ cán bộ

“Đổi mới GDCT phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, nhận thức của cấp ủy và đội ngũ cán bộ”, đó là khẳng định của Đại tá Đỗ Đức Dũng, Chính ủy Sư đoàn 10 khi trao đổi với chúng tôi về công tác GDCT của đơn vị. Theo anh Dũng, trước đây, đơn vị vẫn còn tình trạng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quân sự ở cấp phân đội nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác GDCT; phòng học, bàn học và các trang thiết bị phục vụ công tác GDCT còn thiếu; đơn vị lại có hơn 50% quân số HSQ, CS là người DTTS nên gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện đề án.

Để triển khai thực hiện đề án, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 10 bắt đầu một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cấp ủy, tổ chức đảng và đơn vị; đặt công tác GDCT vào vị trí trung tâm của nhiệm vụ huấn luyện bộ đội và xây dựng, củng cố trận địa tư tưởng; xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, điều hành của người chỉ huy. Các cấp ủy phân công và giao nhiệm vụ cho chỉ huy thực hiện một số nội dung, công việc cụ thể, như: Tổ chức thực hiện phong trào bàn học chiến sĩ, lên lớp một số nội dung về lịch sử, truyền thống của dân tộc, quân đội và đơn vị; tổ chức thảo luận ở tổ học tập; hoạt động ngoại khóa, hội thao chính trị… Nhờ đó, đơn vị đã huy động được sức mạnh tổng hợp của đơn vị trong thực hiện đề án. Toàn sư đoàn củng cố và làm mới 1.095 bàn học chiến sĩ, bảo đảm 100% cán bộ, chiến sĩ có bàn học khi GDCT. Từ nguồn kinh phí trên cấp và trích quỹ vốn, đơn vị trang bị 91 bảng chống lóa, 50 bộ máy tính, màn hình trình chiếu. Hằng năm, có hơn 10 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ứng dụng trong GDCT.

Thượng tá Lê Quốc Việt, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10) cho biết: “Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn xác định GDCT không chỉ là một nội dung quan trọng mà còn là nền tảng của nhiệm vụ huấn luyện bộ đội, là cơ sở để xây dựng con người, xây dựng tổ chức. GDCT tốt thì huấn luyện các nội dung quân sự, hậu cần, kỹ thuật sẽ tốt. Vì vậy, đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ quân sự được yêu cầu tham gia có trách nhiệm, hiệu quả vào quá trình GDCT tại đơn vị”. Đại úy Trần Văn Dũng, Đại đội trưởng Đại đội 3 (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 28, Sư đoàn 10) cũng chia sẻ: "Tôi được phân công trực tiếp lên lớp bài “Truyền thống của dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam” cho chiến sĩ mới. Tôi thấy để nâng cao chất lượng GDCT, ngoài công tác bồi dưỡng, thông qua của tổ giáo viên GDCT thì bản thân cán bộ giảng dạy phải tâm huyết, trách nhiệm với bài giảng. Cán bộ quân sự và trung đội trưởng, tiểu đội trưởng phải làm tốt nhiệm vụ thảo luận ở tổ học tập, tổ chức các hoạt động ngoại khóa và sinh hoạt chính trị-tư tưởng".

 Đại đội 10 (Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10) tổ chức học tập chính trị cho chiến sĩ.

Đại đội 10 (Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10) tổ chức học tập chính trị cho chiến sĩ.

“Liên thông” các hình thức giáo dục chính trị

Khảo sát quá trình triển khai thực hiện đề án ở Sư đoàn 10, chúng tôi ghi nhận những cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị. Bên cạnh thực hiện triệt để chủ trương “3 thực chất” và “5 yêu cầu” trong GDCT của Đảng ủy Quân đoàn 3, Sư đoàn 10 vận dụng linh hoạt các hình thức GDCT. Xuất phát từ trình độ, tâm lý của HSQ, CS người DTTS khi tiếp nhận thông tin chủ yếu qua hình ảnh trực quan và phải có một quá trình “mưa dầm thấm lâu”, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 10 yêu cầu 100% bài giảng phải được sơ đồ hóa, có hình ảnh minh họa và trình chiếu qua phần mềm Powerpoint. Quá trình giảng phải kết hợp giữa phương pháp thuyết trình với hệ thống câu hỏi bám sát từng nội dung, đặt vấn đề trái chiều để cán bộ, chiến sĩ trao đổi, thảo luận.

Trước đây, một buổi học tập chính trị thường kết thúc ngay trong ngày sau khi thảo luận ở tổ học tập và kiểm tra nhận thức làm HSQ, CS nhanh quên nội dung bài học, để khắc phục vấn đề này, Sư đoàn 10 thực hiện “liên thông” giữa các hình thức GDCT để củng cố kiến thức, hướng dẫn hành động cho HSQ, CS một cách thường xuyên, liên tục. Nội dung bài giảng và các vấn đề thực tiễn đặt ra được kết nối, bổ trợ cho nhau thông qua các hình thức GDCT. Cán bộ GDCT đặt câu hỏi khi lên lớp, khích lệ HSQ, CS tìm hiểu, trả lời trong sinh hoạt trung đội, đại đội hoặc hoạt động ngoại khóa.

Thực hiện mỗi tháng một chủ đề sinh hoạt chính trị-tư tưởng, ngày chính trị, văn hóa tinh thần, khi chúng tôi hỏi HSQ, CS ở các đơn vị thuộc Trung đoàn 24, Trung đoàn 28, Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10) về sự kiện Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; quá trình Bác Hồ viết Di chúc và những nội dung cơ bản trong Di chúc của Người thì đều nhận được những câu trả lời đầy đủ, chính xác. Trung tá Nguyễn Văn Thụ, Phó chính ủy Trung đoàn 24 cho biết: "Đó là kết quả của đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề “Lời Người dặn lại nước non” kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng trong toàn đơn vị thông qua các hình thức “Mỗi ngày một câu hỏi”, “Mỗi ngày một lời Bác Hồ dạy”, truyền thanh nội bộ bằng tiếng Gia Rai, hội thao chính trị và sinh hoạt học tập từ tổ 3 người đến tiểu đoàn". Binh nhất Puih Gun, người dân tộc Gia Rai, chiến sĩ Trung đội 6 (Đại đội 10, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24) cho rằng: “Một bài giảng mà chỉ lên lớp, rồi thảo luận ở tổ, đến khi kiểm tra mới ôn lại thì chúng tôi không thể hiểu sâu, hiểu rõ nội dung. Vì vậy, chúng tôi rất tâm đắc với phương pháp, cách làm của đơn vị hiện nay, kiến thức bài học được củng cố thường xuyên, những nội dung khó được liên hệ dễ hiểu, dễ nhớ thông qua các hình thức GDCT và hoạt động bổ trợ”.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/doi-moi-giao-duc-chinh-tri-o-su-doan-10-590794