Để con đường ngoài trại giam bớt gập ghềnh

Làm thế nào để những người được đặc xá, mãn hạn tù tái hòa nhập với xã hội, sớm ổn định cuộc sống là trăn trở của các cấp ủy, chính quyền, gia đình, người dân và chính những người mới được cởi khỏi thân mình bộ quần áo sọc.

Giúp những người được đặc xá trở về với gia đình, xã hội và sớm ổn định cuộc sống cần sự chung tay của cả cộng đồng

Giúp những người được đặc xá trở về với gia đình, xã hội và sớm ổn định cuộc sống cần sự chung tay của cả cộng đồng

Theo Quyết định đặc xá số 957/QĐ-CTN của Chủ tịch nước, năm 2024, có 3.763 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 2 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được đặc xá.

Cũng theo quyết định trên, ngày 1/10/2024, tại Hải Dương có 135 phạm nhân ở Trại giam Hoàng Tiến (Bộ Công an) và Trại Tạm giam (Công an tỉnh Hải Dương) được đặc xá. Hầu hết số người đã chấp hành xong án phạt tù nêu trên sẽ trở về các huyện, thành phố, thị xã của Hải Dương để bắt đầu một cuộc sống mới, dù gian nan nhưng cũng nhiều hy vọng.

Câu chuyện của những người được đặc xá tha tù trước thời hạn hay mãn hạn sau khi chấp hành án có những điểm giống nhau. Đây sẽ là một khởi đầu mới khó khăn đối với những người từng lầm đường lỡ bước vì phải khoác lên mình một lý lịch và quá khứ không tốt đẹp, cũng sẽ là trở ngại lớn nhất đối với họ trên con đường hoàn lương.

Thực tế đã cho thấy, vượt qua những khó khăn đó, nhiều người đã hòa nhập nhanh và sớm ổn định cuộc sống, giỏi làm kinh tế, giúp đỡ tạo việc làm cho nhiều lao động khác. Báo chí đã biểu dương nhiều con người từng lầm lỗi trở về thành công trong cuộc sống, trở thành doanh nhân thành đạt, có nhiều đóng góp cho xã hội, địa phương.

Tuy vậy, với rất nhiều người được đặc xá, con đường trở lại với cuộc sống bình thường đầy chông gai. Đối với những người có thời gian chấp hành án phạt tù lâu thì việc hòa nhập với cuộc sống hiện tại càng khó khăn khi xã hội phát triển, thay đổi nhanh chóng. Bước chân ra khỏi trại giam, mái ấm của nhiều người đã tan vỡ từ trước. Trở về nhà với 2 bàn tay trắng và một bản lý lịch "đen", không nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp nhưng khó tìm kiếm việc làm, không vốn liếng, không người thân cận, rất nhiều người chán nản, sống buông xuôi và dễ sa chân vào con đường cũ.

Với bản chất nhân văn, khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người một cách công bằng, bình đẳng đối với mỗi công dân, kể cả những người từng chấp hành án phạt tù, nhiều năm qua, những chính sách dành cho người được đặc xá trở về địa phương đã ra đời. Trong đó quy định người chấp hành xong án phạt tù có đủ điều kiện được vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Đây là một cơ sở quan trọng để những người được đặc xá có điều kiện xây dựng đời sống mới.

Đặc xá, khoan hồng là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta

Đặc xá, khoan hồng là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta

Bước qua cánh cổng trại giam, trở về nhà với một tấm thẻ căn cước mới, người đã được đặc xá có đủ quyền công dân. Bỏ qua quá khứ lầm đường, lạc lối, một lần nữa họ được trao cơ hội để sửa sai, tiếp tục được hưởng đầy đủ các quyền và nghĩa vụ với tư cách của một công dân bình thường. Bởi vậy, ngoài sự quan tâm của các cấp chính quyền, thì tự thân những người được đặc xá và gia đình của họ là yếu tố quyết định để đưa họ trở lại với cuộc sống bình thường.

Gia đình vốn là nơi luôn tràn ngập yêu thương, chở che, luôn dang rộng vòng tay đón các thành viên, kể cả những người lầm lỗi trở về. Vì vậy, trước hết mỗi người trong gia đình phải là một chỗ dựa vững chắc về tinh thần để những người được đặc xá loại bỏ tự ti, tự tin bước tiếp trong cuộc sống. Những lời động viên, chia sẻ của gia đình đối với họ là "liều thuốc" tinh thần quan trọng nhất đối với những người được đặc xá trở về để họ quên đi quá khứ phạm tội, vượt qua khó khăn, trở thành người lương thiện.

Ở chiều ngược lại, gia đình là nơi bấu víu, cưu mang duy nhất đối với những người vừa được đặc xá, nên nếu gia đình không làm tốt công tác "hậu đặc xá" thì những người vừa trở về từ trại giam sẽ cảm thấy lạc lõng, bơ vơ, chán nản, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo và rất có thể lại sa chân vào con đường phạm tội.

Đối với những người được đặc xá, khoảng thời gian bị pháp luật trừng phạt là một cái giá phải trả do những lỗi lầm họ đã gây ra. Vì vậy, khi trở lại với đời sống cộng đồng, hơn ai hết, chính họ phải "cải tà quy chính", là những người làm chủ cuộc sống của mình. Những tháng năm được rèn rũa, cải tạo trong trại giam chính là hành trang để họ trui rèn bản lĩnh, bước qua mọi sóng gió để làm lại cuộc đời.

Đặc xá tha tù trước thời hạn là truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Và để họ trở lại với tư cách một công dân bình đẳng như tất cả mọi người, trước khi họ tạo lập một cuộc sống mới thì sự dang tay đón nhận của cộng đồng là một điều rất cần thiết, nhân văn!

TIẾN HUY

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/de-con-duong-ngoai-trai-giam-bot-ghap-ghenh-394740.html