Đổi mới giáo dục: Khâu then chốt là ở giáo viên và cơ chế quản lý
Đây là thông điệp được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ tại Hội nghị 'Giáo dục tiểu học năm 2015' diễn ra ngày 25/9 tại TP Lào Cai.
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai) học tiếng Việt theo Công nghệ Giáo dục
Hội nghị do Vụ Giáo dục tiểu học phối hợp với Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) tổ chức.
Điều kiện để thực hiện trường học mới
Muốn tổ chức các hoạt động trải nhiệm nhằm nâng cao năng lực của học sinh thì nhà trường cần thực hiện xã hội hóa một cách dân chủ. Thiết nghĩ Điều lệ trường tiểu học tới đây cũng cần thay đổi để phù hợp thực tiễn hơn. Cần xác định: Nhà trường là một phần của xã hội và phải có tác động tích cực đến phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, chính đó cũng là môi trường và cơ hội giáo dục học sinh.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Giáo dục đang thực hiện đổi mới chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực của người học, coi trọng việc vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn của cuộc sống.
Đồng thời thực hiện hiệu quả các hoạt động giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng. Thực hiện quan điểm chỉ đạo là: chuyển hệ thống giáo dục cứng nhắc, thiếu liên thông sang hệ thống giáo dục mở; hình thành cơ chế học tập suốt đời gắn với xây dựng xã hội học tập...
Theo Thứ trưởng, để đổi mới giáo dục thành công, khâu then chốt chính là đổi mới tư duy nhận thức và nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên và cơ chế quản lý giáo dục.
Trong Dự thảo Chương trình Giáo dục Phổ thông tổng thể đã đề cập: Điều kiện để thực hiện Chương trình mới là đội ngũ giáo viên và cơ chế quản lý nhà trường phải được đổi mới. Cơ chế quản lý cần theo hướng: Dân chủ, tự chủ gắn với giải trình, sáng tạo và linh hoạt.
Đổi mới phương pháp theo hướng tiếp cận mới
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận định: Hiện nay số lượng giáo viên tương đối ổn định. Tuy nhiên chất lượng còn chưa đồng đều. Trong bối cảnh hiện nay, hơn lúc nào hết, giáo viên cần đổi mới tư duy, nhận thức và phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận mới. Mục đích là phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của từng cá nhân học sinh.
Điều này cần được thực hiện trong từng tiết học và từng hoạt động giáo dục. Đáng mừng là Mô hình VNEN đã và đang đi theo hướng này. Đó chính là cơ sở thực tiễn để giáo viên đổi mới phương pháp sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Sắp tới sẽ có một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Song dù sách giáo khoa nào thì vẫn phải đảm bảo về phương pháp dạy học phát huy tính chủ động, tích cực, rèn luyện phương pháp học của học sinh; kiểm tra, đánh giá phải phản ánh được phẩm chất và năng lực học sinh so với mục tiêu giáo dục.
Lấy ví dụ sinh động từ thực tế, theo cách tiếp cận của quan điểm công nghệ, vị lãnh đạo ngành Giáo dục phân tích: Nếu chúng ta muốn đóng một cái bàn hoặc cái ghế thì phải có kỹ thuật, cụ thể là: Đục, gọt, bào…, ghép các kỹ thuật đó vào với nhau; tất cả thứ tự kỹ thuật phải theo quy trình nhất định để tạo ra sản phẩm là cái ghế hoặc cái bàn.
Như vậy, toàn bộ quy trình kỹ thuật và lắp ghép các kỹ thuật với nhau là phương pháp. Và việc chúng ta tổ chức học nhóm, đặt câu hỏi… là kỹ thuật; quy trình của từng kỹ thuật và lắp ghép các kỹ thuật đó chính là phương pháp. Vì vậy người giáo viên giỏi là người biết sử dụng và lắp ghép các kỹ thuật đúng nơi, đúng chỗ, đúng thứ tự và liều lượng hợp lý. Cái giỏi của từng giáo viên là kỹ thuật tinh xảo, phối hợp liều lượng… hợp lý.
“Hiện nay, giáo viên chúng ta đã có phương pháp, đã có kỹ thuật, vấn đề là kỹ thuật đã tinh xảo chưa? Được vận dụng thành từng yếu tố trong quy trình đã hợp lý chưa? Đối với mô hình dạy học trong trường học mới thì cần phải đặc biệt chú ý đến kỹ thuật tổ chức học nhóm.
Việc tổ chức học nhóm phải phát huy được vai trò của từng cá nhân một cách tối đa và giữa các thành viên trong nhóm phải có sự cộng tác, hỗ trợ lẫn nhau trong mọi hoạt động. Thực tế, vấn đề này vẫn còn hạn chế ở một số nơi và cần sớm được khắc phục” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng đề cập đến vấn đề một số giáo viên vẫn chưa biết cách phát huy hết vai trò của Hội đồng học sinh tự quản, vẫn còn làm thay hoặc có những giáo viên còn lạm dụng việc tự quản của học sinh. Vì vậy giáo viên cần rút kinh nghiệm và cần xác định: Tổ chức hướng dẫn và chỉ đạo việc học là việc của giáo viên chứ không phải là của Hội đồng tự quản; cơ chế hoạt động của tập thể học sinh là tự quản chứ không phải chỉ huy.
Chính mô hình Trường học mới là cơ sở để các trường, các giáo viên học tập, trao đổi kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn những vấn đề nêu trên.