Đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Ngày 19/1, Bộ Tư pháp phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) và Cơ quan phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo Tham vấn dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh; Phó trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu Jesus Lavina và Phó trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, ở Việt Nam, PBGDPL là nhiệm vụ đầu tiên của quá trình tổ chức thi hành pháp luật, là cầu nối để truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Trước những yêu cầu mới đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật nói chung và công tác PBGDPL nói riêng, để đáp ứng chủ trương của Đảng cũng như yêu cầu thực tiễn đặt ra, một trong các nhiệm vụ quan trọng trong đổi mới công tác PBGDPL là đổi mới đánh giá công tác này theo hướng: “ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác PBGDPL”.
Nhằm xây dựng cơ chế đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL có tính khoa học, khách quan, toàn diện, chặt chẽ, khả thi, khắc phục những khó khăn, bất cập, góp phần đưa công tác này ngày càng đi vào thực chất, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 12/8/2022 phê duyệt Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL” (Đề án).
Đề án đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo lộ trình thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2026, trong đó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí chung về đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL. Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Khung tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL theo hướng kết hợp đánh giá quá trình quản lý nhà nước, tổ chức hoạt động PBGDPL và đánh giá về sự thay đổi trong nhận thức, ý thức pháp luật của đối tượng được PBGDPL. Trên cơ sở Khung tiêu chí chung, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương thí điểm thực hiện Đề án sẽ xây dựng tiêu chí cụ thể phù hợp với đặc thù của cơ quan, địa phương để thực hiện việc đánh giá thí điểm.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhận định, công tác PBGDPL trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực thông qua việc tổ chức các hội thảo, hội nghị, trợ giúp viên pháp lý, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu..., hầu hết các lực lượng trong xã hội đều được huy động tham gia công tác này. Đặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lực lượng biên phòng, cảnh sát biển đã được huy động nhằm phát huy tối đa việc PBGDPL cho người dân. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp còn đang nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác này, đó là “trợ lý ảo”.
Theo đó, Thứ trưởng khẳng định việc xây dựng Khung tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL được xác định là một nhiệm vụ khó, đòi hỏi cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng, huy động sự tham gia đóng góp ý của các chuyên gia trong nước và quốc tế, nhà khoa học, người làm thực tiễn công tác này. Trên tinh thần đó, Bộ Tư pháp phối hợp với Liên minh Châu Âu và Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo “Tham vấn dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL”.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2030: “Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội”, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm của mình; trao đổi thảo luận về Dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL: mục tiêu; phạm vi áp dụng; đối tượng sử dụng; phương pháp thực hiện; quy trình đánh giá; các tiêu chí, chỉ số, thông tin đầu vào trong hoạt động đánh giá…
Tại Hội thảo, một số đại biểu cho rằng về hình thức, Dự thảo bảo đảm đúng quy định xây dựng, ban hành văn bản; Bố cục rõ ràng, logic; Về nội dung, nhiều tiêu chí đều đảm bảo tính khả thi: tiêu chí về mức độ hoàn thành trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn nội dung, hình thức PBGDPL trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ trong năm công tác; tiêu chí về mức độ đáp ứng nguồn lực kinh phí thực hiện các hoạt động PBGDPL theo kế hoạch PBGDPL năm đã được phê duyệt; tiêu chí về mức độ thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL; tiêu chí về mức độ phản hồi của đối tượng thụ hưởng hoạt động PBGDPL trực tiếp.
Bên cạnh đó, một số đại biểu góp ý cần bổ sung các nội dung phù hợp với mục tiêu, đối tượng đánh giá; bổ sung quy định về cách thức đánh giá đối với việc đánh giá kết quả đầu vào và đầu ra; nghiên cứu bổ sung quy định về thời điểm thực hiện đánh giá; bổ sung quy định về nguồn dữ liệu phục vụ việc đánh giá...
Các tiêu chí, chỉ số, thông tin đầu vào trong hoạt động đánh giá được chia thành 02 nhóm: (1) Nhóm tiêu chí đánh giá: Mức độ hoàn thành trách nhiệm QLNN về PBGDPL của Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương theo pháp luật về PBGDPL; (2) Nhóm tiêu chí đánh giá: Chất lượng tổ chức và kết quả đầu ra của hoạt động PBGDPL trực tiếp (thực hiện từ khâu xây dựng KH tổ chức hoạt động PBGDPL trực tiếp cho tới khi kết thúc hoạt động) nhằm bảo đảm tính thực chất (thông qua việc xác định cụ thể các mục tiêu, kết quả dự kiến đạt được và bảo đảm các nội dung pháp luật được phổ biến bám sát nhu cầu thông tin pháp luật của đối tượng thụ hưởng); đồng thời so sánh, lượng hóa việc hoàn thành các mục tiêu, kết quả dự kiến đạt được trên thực tế và mức độ tác động của các hoạt động PBGDPL trực tiếp tới hiểu biết pháp luật và hành vi tuân theo pháp luật của đối tượng thụ hưởng trước và sau quá trình PBGDPL trực tiếp.
Một số hình ảnh tại Hội thảo: