Đổi mới hoạt động Hội để thu hút hội viên
Nhằm tạo ra những 'sân chơi' ý nghĩa, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ được thể hiện bản thân, tham gia các hoạt động xã hội, tự tin trong cuộc sống... các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đổi mới hình thức hoạt động theo hướng thiết thực. Qua đó, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng và tạo niềm tin, thu hút chị em tham gia vào tổ chức Hội.
Đổi mới các chương trình, hoạt động
Các cấp Hội Phụ nữ đã triển khai tổ chức nhiều chương trình, hoạt động mới, ý nghĩa. Mỗi cơ sở Hội đều tổ chức các hoạt động có màu sắc, đặc trưng riêng, phù hợp với thực tế địa phương, đơn vị. Hội LHPN huyện Chiêm Hóa thiết kế và thi công 2 quả Còn khổng lồ trưng bày tại Lễ hội Lồng Tông của huyện, Hội thi khâu quả còn nhanh, đẹp… nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch của địa phương, góp phần vào thành công năm du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2023.
Hội LHPN huyện Sơn Dương phát động phong trào "Biến rác thải thành xe đạp" để tặng cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn... Hội LHPN huyện Lâm Bình tổ chức hoạt động trải nghiệm thêu, dệt thổ cẩm của người Pà Thẻn cho du khách; tổ chức Giải Bóng đá nữ các dân tộc huyện Lâm Bình năm 2023...
Ở thành phố Tuyên Quang, việc đổi mới hoạt động được tập trung vào các phong trào văn hóa, văn nghệ, tạo điểm nhấn nổi bật tại Phố đi bộ, góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch của thành phố. Chỉ khoảng 2 năm trở lại đây, đã có nhiều đội, nhóm, câu lạc bộ dân vũ, khiêu vũ được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên tại Phố đi bộ thành phố.
Chị Triệu Thị Thanh Tuyền, hội viên phụ nữ phường An Tường (TP Tuyên Quang) chia sẻ, chị vô cùng hào hứng với các chương trình như: "Phụ nữ tự tin, tỏa sáng", "Lễ hội Áo dài Thành Tuyên", diễn diễu áo dài đường phố và đặc biệt là hoạt động nhảy dân vũ chào mừng Quốc khánh 2-9... Chị cho rằng, các hoạt động của Hội LHPN thành phố tổ chức ngày càng gần gũi, đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của chị em. Không chỉ bởi ý nghĩa giáo dục mà còn giúp chị em thêm yêu bản thân, biết cách chăm chút, làm đẹp bản thân, nâng cao sức khỏe, ngày càng tự tin và hạnh phúc hơn.
Tạo niềm tin với phụ nữ
Các cấp Hội phụ nữ đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, hội viên; vận động chị em tích cực tham gia hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào, hoạt động của phụ nữ. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn cùng cấp tổ chức 182 hội nghị truyền thông về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; phòng chống bạo lực học đường trên cơ sở giới; phòng, chống xâm hại trẻ em…
Hàng trăm loại hình câu lạc bộ được thành lập ở các cơ sở Hội nhằm chăm sóc, bảo vệ quyền lợi, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em như: "Phụ nữ với pháp luật", "Xây dựng gia đình hạnh phúc", "Phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em"... Qua đó, giải quyết kịp thời những vướng mắc liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.
Các các hoạt động nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ ngày càng được các cấp Hội quan tâm, đổi mới, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và nhu cầu của hội viên phụ nữ. Ở cấp tỉnh, năm 2021, 2022 Hội LHPN tỉnh đã tổ chức Ngày "Phụ nữ khởi nghiệp"; tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của hội viên phụ nữ và nữ doanh nhân; tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
Đồng thời, vận động, hướng dẫn chị em có dự án, ý tưởng khởi nghiệp mạnh dạn tham gia Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức… Ở cấp huyện, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, lập nghiệp cũng được đẩy mạnh. Các cơ sở Hội đã tạo điều kiện để chị em được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế...
Chị Sạch Thị Phượng, dân tộc Tày, hộ nghèo, ở thôn Nà Khuyến, thành viên Câu lạc bộ dệt Thổ Cẩm, xã Yên Hoa (Na Hang) vừa được tham gia lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng bán hàng thông qua các gian hàng trên sàn thương mại điện tử; ứng dụng 4.0 trong sản xuất hàng hóa và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Chị Phượng cho biết, những kiến thức chị được học giúp chị ứng dụng để bán các sản phẩm nông nghiệp mà chị sản xuất đến với nhiều người tiêu dùng, nâng cao nguồn thu nhập cho bản thân. Sự hỗ trợ này của Hội LHPN tỉnh giúp chị có thêm niềm tin và điểm tựa để chị tích cực, gắn bó hơn với các hoạt động của Hội phụ nữ.
Với việc đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động, phong trào, các cấp Hội phụ nữ của tỉnh đã tạo niềm tin trong đông đảo phụ nữ, ngày càng thu hút được chị em tham gia vào các hoạt động, công tác Hội. Từ năm 2020 đến nay, các cấp Hội phụ nữ đã kết nạp được 5.546 hội viên, nâng tổng số hội viên phụ nữ toàn tỉnh lên 149.475 hội viên. Lực lượng hội viên đông đảo đã góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.