Đổi mới hoạt động khuyến nông
'Trong bối cảnh nền nông nghiệp Lào Cai đang chuyển đổi dần từ sản xuất an sinh sang nông nghiệp hàng hóa, công tác khuyến nông cần có sự thay đổi để thích ứng linh hoạt hơn. Chúng tôi xác định thay vì cầm tay chỉ việc như giai đoạn trước, công tác khuyến nông sẽ hướng tới việc tăng tính chủ động cho người dân, đồng hành với nông dân tạo ra sản phẩm, tham gia chuỗi giá trị, phát triển thị trường...', bà Trần Thị Thuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh cho biết.
Trong giai đoạn ngành nông nghiệp tập trung giải quyết vấn đề về an ninh lương thực, công tác khuyến nông tập trung chuyển giao kỹ thuật, đưa những cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Những năm gần đây, nhằm góp phần phát triển nông nghiệp hàng hóa và thực hiện định hướng chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hoạt động khuyến nông có sự thay đổi.
Dự án xây dựng mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị là một trong những mô hình khuyến nông kiểu mới đang được Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh phối hợp với UBND huyện Bắc Hà thực hiện. Dự án triển khai từ năm 2020 đến năm 2022 tại 2 xã: Bản Liền, Tả Củ Tỷ với quy mô 20 ha/70 hộ tham gia. Không dừng lại ở hình thức hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã tìm kiếm, lựa chọn đơn vị đủ năng lực tham gia liên kết bao tiêu sản phẩm chè hữu cơ cho nông dân.
Anh Lý Xuân Lìn, Trưởng thôn Tả Củ Tỷ, xã Tả Củ Tỷ cho biết: Tham gia dự án, chúng tôi được hỗ trợ phân bón hữu cơ vi sinh, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất chè hữu cơ. Người dân sản xuất chè còn được hỗ trợ thành lập tổ nhóm để hình thành mô hình tổ chức quản lý, liên kết tiêu thụ sản phẩm chè hữu cơ với các doanh nghiệp, hợp tác xã. Trước đây, người dân chỉ biết trồng chè, hái chè bán lấy tiền. Giờ đây, chúng tôi hiểu thế nào là liên kết sản xuất và sản xuất ra sao để duy trì hợp đồng đã ký kết với đơn vị bao tiêu bền vững và đảm bảo lợi ích cho người sản xuất.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, qua 2 năm triển khai, các hộ tham gia dự án đều có nhận thức tốt trong áp dụng quy trình sản xuất chè hữu cơ. 100% nương chè sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học, thuốc thảo mộc thay thế phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học; nông dân làm cỏ thủ công, không sử dụng thuốc trừ cỏ. Toàn bộ diện tích chè sinh trưởng tốt, cho thu hoạch 7 đến 8 lứa (cả lứa chính và lứa phụ), năng suất bình quân đạt 4 - 4,2 tấn búp tươi/ha. Mặc dù năng suất chè hữu cơ giảm 1,5 - 2 lần so với chè sản xuất thông thường nhưng giá bán tăng 2,5 - 3 lần so với chè thông thường (Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà thu mua với giá 16.000 đồng/kg chè búp tươi), giá trị thu nhập của nông dân tăng trên 30%.
Bên cạnh đó, trung tâm đã hỗ trợ xây dựng thành công mô hình tổ chức quản lý sản xuất với 2 tổ hợp tác giúp gắn kết giữa nông dân sản xuất chè với đơn vị bao tiêu sản phẩm thành chuỗi khép kín, bền vững, hiệu quả. Thay vì chỉ sản xuất hộ cá thể như trước đây, người dân đã tham gia chuỗi giá trị, nâng cao trách nhiệm của các bên.
Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã thực hiện một số mô hình, dự án khuyến nông kiểu mới đối với cây quế, dược liệu và chăn nuôi. Trung tâm chuyển đổi từ các mô hình sản xuất sang xây dựng các mô hình, dự án khuyến nông theo hướng tổng hợp, tích hợp đa giá trị (công nghệ, tổ chức quản lý, chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc, kết nối thị trường, chuyển đổi số…) đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mô hình kinh tế nông nghiệp, hình thành hệ sinh thái nông nghiệp, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, hội nhập thị trường quốc tế.
Theo bà Trần Thị Thuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025 sẽ thực hiện khoảng 145 mô hình khuyến nông, trong đó 30 mô hình chuyển giao kỹ thuật, 105 mô hình có sự đổi mới theo hình thức mô hình kinh tế nông nghiệp có liên kết 6 nhà, mô hình sản xuất lấy hợp tác xã làm nòng cốt - nông dân làm trung tâm, mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ…
Các mô hình khuyến nông giai đoạn này có sự thay đổi lớn cả về thời gian, quy mô cũng như hình thức tổ chức thực hiện. Trước đây, các mô hình thường được triển khai trong 1 vụ sản xuất và thường kết thúc ở khâu hỗ trợ người dân tạo ra 1 sản phẩm nông nghiệp hoặc chuyển giao 1 kỹ thuật nhất định. Khi đổi mới hoạt động khuyến nông, các mô hình sẽ thực hiện “dài hơi” hơn, không dừng lại ở khâu tạo ra sản phẩm mà còn quan tâm đến các yếu tố xung quanh, hỗ trợ người dân tham gia chuỗi giá trị, xây dựng nhãn hiệu và người dân là chủ thể chính, được hướng dẫn lựa chọn, tự quyết định, chủ động xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất. “Với cách làm này, người dân sẽ chủ động hơn, sáng tạo hơn, qua đó góp phần tăng nội lực cho nông dân khi tham gia phát triển nông nghiệp hàng hóa” - bà Trần Thị Thuyết nói.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/356652-doi-moi-hoat-dong-khuyen-nong