Đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri
Tiếp xúc cử tri là hoạt động quan trọng trong các hoạt động của đại biểu dân cử. Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu mới nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, từ đó thực hiện được quyền đại diện cho cử tri, đồng thời tạo mối liên hệ thường xuyên, mật thiết giữa đại biểu và cử tri.
Xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng này, trong suốt chặng đường qua, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh và các ĐBQH đơn vị tỉnh Đồng Nai đã không ngừng nỗ lực đổi mới, cải tiến nhằm nâng cao hoạt động giao tiếp đặc biệt này.
* Nói cho dân nghe và nghe dân nói
Đại biểu Lê Thị Thu Ba, nguyên ĐBQH các khóa IX, X, XII, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội chia sẻ, Đồng Nai là địa phương đi đầu trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri kể từ Quốc hội khóa X. Đại biểu Thu Ba nhớ lại, trước đây, có những thời điểm đi tiếp xúc cử tri, người dân phát biểu rất nhiều ý kiến liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc thẩm quyền trả lời, giải quyết của các cấp chính quyền địa phương. Ở chức năng, quyền hạn của mình, đại biểu mới dừng lại ở việc ghi nhận, chưa thể giải thích thỏa đáng cho người dân được nên cảm thấy rất trăn trở.
Chính vì vậy, từ Quốc hội khóa X, Đồng Nai đã thực hiện cải tiến hoạt động tiếp xúc cử tri. Theo đó, mỗi lần đi tiếp xúc cử tri, địa phương từ cấp tỉnh xuống cấp xã đều cử đại diện đi cùng. Từ đó, kịp thời lắng nghe, giải thích, giải quyết những vấn đề thuộc cấp mình cho người dân. Người dân cảm thấy phấn khởi, thỏa mãn hơn và thấy được trách nhiệm của chính quyền, ĐBQH đối với việc lắng nghe, chăm lo cho dân.
Trung tướng Triệu Xuân Hào, nguyên ĐBQH khóa XII, nguyên Tư lệnh Quân khu 7 nhớ lại, những lần đại biểu đi tiếp xúc cử tri ở các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, người dân thường hỏi rất nhiều về các vấn đề liên quan đến công tác đền bù giải tỏa. Việc mỗi lần đi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh có sự tham gia của đại diện các sở, ban, ngành, địa phương... đã kịp thời giải đáp cho người dân những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương. Sau đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo giải quyết cho dân, thể hiện tinh thần dân chủ ngày một rõ hơn, nhiều hơn, nhân dân ngày càng phấn khởi và tin tưởng hơn.
Theo Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bùi Xuân Thống, thời gian qua, công tác tiếp xúc cử tri luôn được Đoàn ĐBQH tỉnh tiến hành nghiêm túc theo luật định và đạt nhiều kết quả quan trọng. Hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH tiếp tục mở rộng thông qua việc tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề (tiếp xúc cử tri lấy ý kiến góp ý dự án luật), tiếp xúc cử tri nơi cư trú... đã giúp cho ĐBQH gần gũi với cử tri hơn. Đồng thời, tạo điều kiện cho cử tri giám sát hoạt động của ĐBQH.
Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng thời đã chuyển các ý kiến, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan thẩm quyền (Trung ương, địa phương) đề nghị xem xét, giải quyết và trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri theo quy định. Hầu hết các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri đều được các cơ quan thẩm quyền quan tâm xem xét, giải quyết và trả lời cho cử tri biết theo quy định.
* Tiếp tục đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri
Ông Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, trong thời gian tới, để đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đòi hỏi phải đổi mới hơn nữa hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh. Trong đó, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tăng cường các hoạt động trong tiếp xúc cử tri, đổi mới tiếp xúc cử tri; đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết các kiến nghị của cử tri và tăng cường giám sát các vấn đề mà cử tri quan tâm.
Theo đại biểu Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Xưa và nay, ĐBQH các khóa XI, XII, XIII, XIV, hoạt động tiếp xúc cử tri sẽ mang lại hiệu quả khi đại biểu phản ánh và bảo vệ được lợi ích chính đáng của cử tri. Mỗi cuộc tiếp xúc cử tri phải hết sức cụ thể nội dung tiếp xúc, đúng vấn đề của địa phương, cử tri tại nơi tiếp xúc đang quan tâm, cần giải quyết. Để đảm bảo tính hiệu quả, thu hút được sự tham gia của cử tri thì trước tiên, ĐBQH phải lựa chọn đúng vấn đề, cũng cùng một nội dung kỳ họp nhưng về địa phương phải tìm được yếu tố gì mà cử tri đang quan tâm nhất trên địa bàn. Bên cạnh đó, đại biểu cần có kỹ năng tuyên truyền, giải thích để cử tri nắm vững và hiểu rõ vấn đề; kỹ năng nghe cử tri nói và liên hệ, nhận định tình hình và nói thật phải tâm huyết, thuyết phục.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 35 cuộc tiếp xúc cử tri tại 205 điểm tại 11 đơn vị huyện, thành phố của tỉnh; trong đó, có 18 cuộc tiếp xúc cử tri theo định kỳ, 6 cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề và 11 cuộc tiếp xúc cử tri nơi cư trú. Đã có khoảng 28.150 lượt cử tri tham dự với 600 lượt ý kiến, phản ánh, kiến nghị của cử tri trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước.