Đổi mới hoạt động trải nghiệm cho trẻ: Tạo ra một thế hệ yêu thiên nhiên
'Trải nghiệm thiên nhiên' được cộng đồng, các hội nhóm phụ huynh ở Hà Nội nhắc đến như một chương trình hàng đầu về việc thúc đẩy tình yêu thiên nhiên ở trẻ nhỏ. Hànôịmới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, người sáng lập và điều phối chương trình 'Trải nghiệm thiên nhiên' (Nature Expedition), Giám đốc Trung tâm Giáo dục phát triển bền vững (Sustainable Development Education Center - SDE).
- Đưa trẻ em đi tham quan, dã ngoại là hoạt động không mới ở Việt Nam, vậy, có điều gì khác biệt trong các chương trình mà Nature Expedition tổ chức?
- "Trải nghiệm thiên nhiên" không hẳn có sự khác biệt so với các chương trình đã tổ chức, nhưng Nature Expedition lựa chọn con đường giáo dục phát triển bền vững, trong đó giáo dục trải nghiệm gắn với thiên nhiên được xây dựng tập trung vào trẻ nhỏ với tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu. Chương trình có chiều sâu khoa học và lộ trình trải nghiệm rõ ràng, dài hạn.
Đích đến mà chúng tôi cùng các phụ huynh hướng tới không nằm ở cuối hành trình mà là vô vàn những thứ đặc biệt hai bên đường, ngay trên đầu hay đơn giản là ở dưới hai bàn chân trẻ trong từng bước của hành trình.
Các tuyến trải nghiệm rừng thường được thiết kế theo các độ dài 1km, 3km, 5km, 8km với thời lượng trải nghiệm tương ứng là 3 tiếng, 4 tiếng, 5 tiếng, 8 tiếng - vừa đi vừa dừng, vừa tìm kiếm, vừa khám phá. Có rất nhiều điểm dừng trên tuyến và điều đó giúp các bạn nhỏ không bị mệt. Hơn nữa, những khu rừng nguyên sinh đủ cuốn hút các bạn nhỏ trọn vẹn trong từng ấy thời gian. Trong một số hành trình, do vấn đề riêng, xảy đến bất ngờ nên có thể có bạn bị tụt lại phía sau, khi đó chúng ta sẽ thấy tinh thần đồng đội của nhóm như thế nào. Các thầy cô có nhiệm vụ hỗ trợ, tìm hiểu vấn đề, đưa ra hướng xử lý phù hợp để giúp trẻ.
- Tổ chức các chương trình trải nghiệm thiên nhiên cho trẻ không phải là điều dễ dàng. Động lực nào đã đưa anh đến với ý tưởng sáng lập mô hình này?
- Từ thời điểm bắt đầu, mọi thứ đã đến với tôi như một cái duyên. Và với tôi, sau 8 năm, cảm xúc, động lực này vẫn vẹn nguyên.
Nói về động lực, tôi nhận thấy cần có một môi trường giáo dục bên ngoài nhà trường song hành với giáo dục chính khóa, tuy nhiên, cần đảm bảo sự an toàn, lộ trình tăng cấp hợp lý, xây dựng được các khối giá trị về cả kiến thức, kỹ năng lẫn thái độ nhằm thúc đẩy sự thay đổi, tạo tiếng nói và hành động của học sinh sau khi tham gia chương trình. Và, nếu không gian thiên nhiên với đầy đủ chất liệu vốn có trong tự nhiên có thể kết nối học sinh với các chuyên gia, những nhà khoa học, những cô chú kiểm lâm, những cán bộ địa phương… với khối kiến thức thường thức thú vị, tri thức bản địa đa dạng và những trải nghiệm thực tế phong phú thì thật sự là rất tuyệt. Điều đó thúc đẩy chính tôi và đội ngũ từng bước tự trải nghiệm, kết nối và thu lượm những điều ít ai hay trên từng chặng đường nhằm không ngừng trả lời các câu hỏi vì sao của trẻ.
Nói về cảm xúc, đây là điều “giữ chân” tôi trong những năm tháng về sau khi triển khai chương trình. Tôi thích ngắm các bạn nhỏ vui cười dưới tán rừng, táy máy tò mò trước cỏ cây, đôi khi cãi nhau vẩn vơ chuyện gì đó về thiên nhiên. Tôi thích nghe những câu hỏi ríu rít không hồi kết của các bạn nhỏ với các thầy cô trong chương trình, đôi khi có những câu hỏi vượt xa ra khỏi nhận thức của tôi, rồi từ đó trở thành câu hỏi cần được nghiên cứu, giải đáp ở một dự án khác. Tôi cảm động khi thấy các bạn nhỏ thể hiện sự đồng cảm với động vật hoang dã khi lắng nghe những câu chuyện về hành trình rời xa ngôi nhà thật sự của chúng. Đôi khi đó chỉ là một tiếng thở dài, một tiếng rít, những đôi mắt đỏ hoe hay đơn thuần là một khoảng lặng. Tôi tự hào khi nhìn thấy các bạn nhỏ dũng cảm đứng lên cùng nhóm, vượt qua những nỗi lo ban đầu trước đám đông, tập nói những câu đầu tiên rồi qua nhiều chương trình, dần dần chúng có thể tự tin, thoải mái chia sẻ một cách tự nhiên về những trải nghiệm, kiến thức đã thu lượm được. Tôi hạnh phúc trước thái độ trải nghiệm tích cực, chăm chỉ tích lũy kiến thức trong thời gian dài của tụi nhỏ, rồi chứng kiến các bạn ấy lớn lên, thật vui vì có một phần đồng hành của chúng tôi ở đó.
Và điều cuối cùng, không thể thiếu được chính là thiên nhiên Việt Nam vô cùng tuyệt đẹp, đa dạng, phong phú, đầy những bất ngờ và thú vị chỉ chờ chúng ta khám phá. Chỉ một nhành cây, ngọn cỏ, một mạng nhện, một cái đập cánh, một tiếng động nhỏ… cũng làm chúng tôi và các bạn nhỏ rung động. Đây chính là cầu nối đồng điệu bền vững nhất của chúng tôi với các bạn nhỏ, tạo ra một thế hệ yêu thiên nhiên, ưa thích khoa học thường thức và luôn sẵn sàng để chinh phục những điều đặc biệt về xứ sở rồi dần dần là về con người, văn hóa, bản sắc Việt Nam.
- Thú vị là vậy, nhưng chắc hẳn điều quan trọng trong mỗi chuyến đi là nguyên tắc an toàn?
- Vâng! Mọi chương trình hay dự án đều cần được lên kế hoạch chi tiết, chuẩn bị kỹ lưỡng và luôn có phương án dự phòng để đảm bảo an toàn, vận hành xuyên suốt.
Trước các chuyến đi và trước các hoạt động, chúng tôi luôn có đội ngũ tiền trạm, quản lý rủi ro đi kiểm tra thực tế trên các tuyến học sinh sẽ đi (khoảng cách với thời gian thực học sinh đi sẽ từ 2 ngày đến trước 2 tiếng tùy tuyến). Khi phát hiện rủi ro, chúng tôi lập tức phối hợp các đơn vị liên quan cùng xử lý, nắn tuyến, trong trường hợp bất khả kháng sẽ tinh chỉnh, chuyển sang phương án thay thế và tái lập quy trình tiền trạm tuyến thay thế ngay lập tức.
Đoàn học sinh - phụ huynh - nhà trường sẽ được thông tin từ trước về đặc điểm nơi đến, lưu ý chuẩn bị đồ, yêu cầu an toàn trong từng hoạt động; điều này được nhắc lại trước mỗi buổi, trước khi hoạt động diễn ra. Trong quá trình di chuyển, luôn có thầy/cô hoa tiêu đi trước các nhóm để hạn chế rủi ro phát sinh; mỗi nhóm có một thầy/cô phụ trách hoạt động, xen giữa các nhóm là các thầy/cô hỗ trợ và có một thầy/cô vận hành chạy xuyên các nhóm để hỗ trợ an toàn. Mô hình tổ chức nhân sự trong các chuyến đi của Nature Expedition luôn có trưởng, phó đoàn quản lý chung; có các thầy cô làm nhiệm vụ truyền cảm hứng, quản lý các nhóm học sinh, có thầy cô hỗ trợ y tế, tâm lý, có thầy cô phụ trách hậu cần, ngoài ra sẽ có thêm thầy/cô quản trị nắm bắt toàn bộ chương trình và trực hotline tại Hà Nội - đặc biệt là trong những khoảng thời gian đoàn mất sóng do trải nghiệm trong rừng.
- Xây dựng chương trình trải nghiệm cho trẻ em làm sao để vừa hấp dẫn vừa an toàn là điều không dễ thực hiện, điều đó đặt ra yêu cầu gì đối với đội ngũ nhân sự của anh?
- Đó chính là những nhà khoa học trẻ năng động, nhiệt huyết, dấn thân, yêu thiên nhiên, am hiểu động thực vật hoang dã, có trải nghiệm đa dạng, vốn sống phong phú, được đào tạo bài bản, chung sứ mệnh, tầm nhìn, văn hóa - giá trị chung và đặc biệt là yêu trẻ, dành thời gian tìm hiểu tâm lý - câu chuyện của trẻ...
- Cho đến nay, đã có bao nhiêu chương trình cũng như trẻ em được trải nghiệm chương trình này? Và theo anh, có thể nhân rộng mô hình?
- Tính tới tháng 8-2023, chúng tôi đã tổ chức 379 chương trình theo đoàn, với hơn 12.000 lượt học sinh và 6.000 lượt phụ huynh tham dự trực tiếp, trong đó, 90% học sinh - phụ huynh tham dự trải nghiệm thiên nhiên nhiều lần, tăng cấp từ chương trình này tới chương trình kia, tần suất tham dự từ 3 - 6 tháng/ chương trình. Có những đoàn đạt tới con số 10 - 15 chương trình trong nhiều năm.
Chúng tôi cảm thấy có lỗi với rất nhiều đoàn và nhà trường có thiện chí tham gia bởi chưa có cơ hội được đồng hành với họ.
Với vai trò là người sáng lập, lĩnh xướng, điều phối các hoạt động của Nature Expedition, tôi đã chia sẻ mô hình và hỗ trợ tập huấn, nâng cao năng lực, chuyển giao tới nhiều đơn vị và hiện đang trong quá trình thiết lập các phương án để có đủ cơ sở nhân rộng mô hình trong tương lai. Tuy nhiên, để làm được việc này thì thật sự không dễ dàng. Vậy thì thuận duyên chờ đợi thôi.