Đổi mới kiểm tra, đánh giá: Thầy cô chưa kịp chuyển mình?

Lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng một bộ phận giáo viên chưa kịp chuyển mình trong giảng dạy...

Từ câu chuyện “học sinh bật khóc” sau giờ thi môn Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, gốc rễ vấn đề là một bộ phận giáo viên chưa kịp chuyển mình trong giảng dạy.

Bất cập khi thay đổi cách dạy

Ngày 7/6, tại cuộc họp của Sở GD&ĐT TPHCM thông tin về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025, ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, hội đồng ra đề đã xây dựng ma trận đề thi đảm bảo kiến thức phù hợp học sinh. Trong đó, môn Toán được xác định mỗi năm tăng thêm mức độ vận dụng kiến thức vào đời sống.

Sự tiên phong đổi mới giúp ngành Giáo dục TPHCM có chuyển mình rõ rệt. Đổi mới đề thi tác động đến cách dạy và học của giáo viên, học sinh. Thay vì chỉ dạy học thuần túy theo kiểu đọc, chép, thầy cô buộc phải chuyển mình giúp học sinh hiểu và vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 đòi hỏi học sinh không học tủ, học vẹt và giáo viên không thể dạy tủ, theo khuôn mẫu. Sự đổi mới này phù hợp với mục tiêu Chương trình GDPT 2018 - dạy học hướng đến phát triển phẩm chất năng lực học sinh thay vì dạy học truyền thụ kiến thức.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều thầy cô chưa kịp bắt nhịp để chuyển mình, thực hiện được yêu cầu của chương trình mới. TS Phạm Hồng Danh - Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Viễn (TPHCM) cho rằng, trong quá trình dạy và ôn tập, nhiều giáo viên thiếu chú trọng theo các phương pháp phát triển năng lực của học sinh, không bám sát định hướng ra đề thi gắn liền với thực tiễn. Có thầy cô còn truyền đạt kiến thức dài dòng và phức tạp hóa những điều đơn giản. Các dạng bài tập theo hướng vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn chưa đưa vào mỗi tiết học để học sinh làm quen, luyện tập.

Nhiều giáo viên môn Toán tại các trường ở TPHCM cũng nhìn nhận thực trạng trên và cho rằng đó là hệ quả của việc chậm đổi mới trong phương pháp giảng dạy. Ở chương trình phổ thông trước năm 2018, yếu tố thực tiễn thường không được chú trọng. Giáo viên tập trung vào truyền thụ công thức, khuyến khích học sinh học thuộc, áp dụng công thức vào giải các dạng đề toán với nhiều kỹ thuật tính toán phức tạp và với tâm lý học để thi. Học sinh bị hổng kiến thức nền tảng từ các lớp dưới sẽ khó tiếp thu kiến thức ở lớp trên.

TS Phạm Hồng Danh cho biết thêm, trình độ học sinh không đồng đều nên việc truyền thụ kiến thức của giáo viên gặp nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi người dạy biết phân loại và định hướng phương pháp giảng dạy phù hợp cho người học. Thậm chí, một số trường hợp giáo viên dạy sai kiến thức vì chạy theo thành tích mà quên cốt lõi, linh hồn môn Toán là khả năng tư duy sắc bén, lập luận thuyết phục và trình bày chặt chẽ.

 Thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 tại TPHCM. Ảnh: Cẩm Anh

Thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 tại TPHCM. Ảnh: Cẩm Anh

Chưa cho học sinh cơ hội tư duy

TS Phan Tất Hiển - nguyên Trưởng bộ môn Toán kinh tế, Trường Đại học Sài Gòn, người sáng lập Hoa Trạng Nguyên Maths & Science cho rằng, Toán là môn học giúp người học hình thành tư duy, rèn luyện kỹ năng và ứng dụng vào thực tế để giải quyết các vấn đề. Vai trò của Toán học gắn liền với ứng dụng trong thực tế nên khi dạy học, giáo viên nắm rõ về tư duy, các kiến thức cần chuẩn bị và phương pháp tiếp cận bài toán đó. Dạy toán là hình thành lại kiến thức toán học cho học sinh, không phải giải bài toán, nhớ và ráp công thức một cách máy móc.

“Nhiều thầy cô bắt học sinh nhớ kiến thức mà chưa cho các em cơ hội tư duy trước những vấn đề, kiến thức cơ bản được học. Điều đó cản trở việc tạo điều kiện cho người học khám phá bản thân, hình thành khả năng kiến tạo kiến thức từ những điều đã biết trước đó. Học sinh trường phổ thông hiện nay đa phần được dạy và học toán theo hướng học và nhớ. Do đó, các em chỉ làm được dạng quen thuộc, chưa biết cách phân tích. Dạy và học toán như thế rất đáng báo động”, TS Hiển nhận định.

Hình thức tổ chức hoạt động dạy học môn Toán cũng được nhiều chuyên gia đánh giá khá nghèo nàn, ít gây được hứng thú học tập, từ đó giảm đi sự chú ý của các em với bài học. TS Phan Tất Hiển phân tích, ngày nay phần lớn thông tin và kiến thức đều có sẵn trên Internet, học sinh còn có thể được hỗ trợ học tập thông qua các trợ lý ảo AI (trí tuệ nhân tạo).

Nhiều điểm mới trong Chương trình GDPT 2018 tương thích với xu hướng giáo dục trong thời đại số khi ưu tiên phát triển năng lực người học. Những thay đổi trên đòi hỏi giáo viên phải chuyển đổi phương pháp giảng dạy từ truyền đạt kiến thức sang phát triển năng lực và tăng cường sự trải nghiệm cho học sinh. Những khái niệm truyền thống về giáo dục và giáo viên cần được làm mới.

Tuy nhiên, một số giáo viên Toán còn sử dụng lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Học sinh ngồi học chủ yếu tập trung vào việc nghe và ghi chép, học theo những nội dung một chiều mà không có sự tư duy, trải nghiệm nên kiến thức thu nhận được ít và nhanh chóng bị lãng quên.

Đề cao vai trò giáo viên trong việc giúp học sinh hình thành động cơ học tập đúng đắn, lành mạnh, TS Phạm Hồng Danh cho rằng, trong giảng dạy, thầy cô cần “chuyển mình” bằng việc tổ chức cho học sinh tự phát hiện cái mới, cách giải quyết sáng tạo nhiệm vụ học tập và có những trải nghiệm tốt đẹp qua học tập. Từ đó, bài giảng sẽ phát sinh nhu cầu của học sinh về tri thức khoa học, giải quyết các vấn đề trong học tập, ứng dụng vào cuộc sống.

“Chương trình GDPT 2018 sẽ không hướng đến kiến thức thuộc lòng mà trang bị cho học sinh biết đọc yêu cầu, phân tích dữ liệu, sử dụng kiến thức đã có để giải quyết. Nếu giáo viên dạy theo kiểu dạng a, b… thì học sinh sẽ bị “ngộp” ngay khi tiếp cận yêu cầu bởi thực tế dạng a, b cũng có thể có nhiều cách hỏi khác nhau”, lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM nói về việc dạy Toán theo dạng hiện nay.

Cẩm Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doi-moi-kiem-tra-danh-gia-thay-co-chua-kip-chuyen-minh-post689778.html