Đổi mới mạnh mẽ để chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân

Những năm gần đây, ngành y tế tỉnh Quảng Trị đã chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), tăng cường đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị và đổi mới mạnh mẽ tinh thần, thái độ, phong cách phục vụ người bệnh. Những kết quả tích cực đạt được từ sự đổi mới này giúp ngành y tế tỉnh tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu chất lượng KCB ngày càng cao của Nhân dân.

Chất lượng công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày càng được nâng cao -Ảnh: Đ.V

Chất lượng công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày càng được nâng cao -Ảnh: Đ.V

Phát triển các dịch vụ kỹ thuật mới, chuyên sâu

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị hiện đã phát triển các dịch vụ kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu như: xạ trị trong ung bướu, các phẫu thuật ung thư, phẫu thuật vi phẫu lấy u màng não, chẩn đoán ung thư đường tiêu hóa sớm bằng nội soi, kỹ thuật lọc máu liên tục; kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính mạch máu trong đột quỵ, can thiệp mạch vành cũng như các can thiệp mạch máu ngoại biên, kỹ thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng laser; phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, hệ thống tim phổi nhân tạo... được thực hiện thường quy với đội ngũ bác sĩ trẻ, nhiệt huyết. Các kỹ thuật mới được ứng dụng góp phần nâng cao chất lượng KCB theo hướng chuyên sâu, đáp ứng sự hài lòng của người dân.

Ngoài những lĩnh vực mũi nhọn, chuyên sâu mang tính kỹ thuật cao tại các bệnh viện tuyến tỉnh, ngành y tế tỉnh cũng đã triển khai rộng khắp những dịch vụ KCB phổ quát về tuyến dưới. Thông qua nhiều dự án về cung cấp thiết bị, hỗ trợ chuyên môn để các đơn vị tuyến dưới làm chủ được kỹ thuật, phục vụ tốt nhu cầu KCB ngày càng cao của Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đơn cử như việc triển khai Đề án 1816 (về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng KCB) đã giúp người bệnh phải chuyển viện ít hơn, giảm tải tuyến trên. Việc tổ chức bộ máy y tế tuyến huyện nhằm phát triển các dịch vụ kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu KCB cho người dân được quan tâm.

Như việc chia tách Trung tâm y tế (TTYT) huyện Vĩnh Linh thành Bệnh viện Đa khoa khu vực Vĩnh Linh (đã đi vào hoạt động từ tháng 11/2023) và TTYT huyện Vĩnh Linh để phục vụ KCB tốt nhất cho Nhân dân khu vực phía Bắc của tỉnh.

Sở Y tế cũng đang tiếp tục xây dựng đề án trình các cơ quan hữu quan để sắp xếp tổ chức lại TTYT huyện Hướng Hóa theo hướng thành lập Bệnh viện đa khoa khu vực hạng 2 tuyến tỉnh để phục vụ cho nhu cầu KCB của người dân huyện Hướng Hóa cũng như nước bạn Lào.

Ngành y tế cũng chú trọng đầu tư CSVC, trang thiết bị cho các đơn vị từ tuyến tỉnh đến cơ sở bằng nhiều dự án, đề án nhằm nâng cao năng lực, chất lượng KCB. Nhờ vậy, tỉ lệ giường bệnh tăng qua các năm, giúp người dân đỡ vất vả hơn khi nằm viện (ước đạt 34 giường bệnh/10.000 dân vào năm 2024). Hiện toàn tỉnh đã đạt 10,3 bác sĩ/10.000 dân; tỉ lệ người dân tham gia BHYT đến tháng 5/2024 đạt 95,14%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành đã thực hiện KCB cho hơn 468.000 lượt người, tăng 24%; số lượt điều trị ngoại trú tăng 17%so với cùng kỳ năm 2023.

Hướng đến sự hài lòng của người dân

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Xuân Dũng cho biết: Hướng đến sự hài lòng của người dân khi KCB được ngành y tế tỉnh cụ thể hóa bằng việc tăng cường chuyển đổi số và đổi mới mạnh mẽ phong cách, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh.

Toàn ngành đã nỗ lực thực hiện chuyển đổi số để nâng cao chất lượng KCB đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân cũng như cơ sở KCB như: giảm thời gian chờ đợi của người dân khi đến KCB; công khai, rõ ràng chi phí KCB; người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về các dịch vụ đang được thực hiện tại cơ sở KCB thông qua internet.

Đồng thời, giúp cơ sở KCB giảm áp lực về mặt hành chính, khai thác tối đa hiệu quả của trang thiết bị, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống y tế thông minh, bác sĩ dễ dàng khai thác được tiền sử bệnh của bệnh nhân khi đến khám, hồ sơ bệnh án được quản lý, truy xuất thuận tiện khi có yêu cầu...

Ngành y tế đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện về tinh thần và thái độ phục vụ như: tiếp đón, hướng dẫn và cung cấp thông tin cho người bệnh về quy trình KCB, địa điểm cung cấp dịch vụ KCB; các thủ tục hành chính, chế độ chính sách về KCB; cải thiện và nâng cấp điều kiện CSVC, vệ sinh môi trường; nâng cao chất lượng KCB; ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên tự khảo sát sự hài lòng của người bệnh để có các giải pháp điều chỉnh kịp thời với 1 lần/tháng.

Đồng thời, các bệnh viện tập trung đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử, lấy người bệnh làm trung tâm trong hoạt động của mình; thành lập đơn vị chăm sóc khách hàng; quy định về trang phục y tế; triển khai thực hiện đường dây nóng; duy trì củng cố hòm thư góp ý được đặt tại các vị trí phù hợp tại các khoa, phòng trong bệnh viện...

Nhờ vậy, tỉ lệ hài lòng của người bệnh qua các năm tăng dần và đạt trên 83% (từ năm 2023 trở về trước). Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉ lệ hài lòng của người bệnh đạt trung bình trên 90%.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng KCB trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Dũng kiến nghị cấp trên tiếp tục hỗ trợ đầu tư CSVC, trang thiết bị cho ngành y tế, đồng thời đề xuất tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thuộc các đề án: “Phát triển hệ thống y tế, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở y tế công lập đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030”; xây dựng Đề án về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm của Trung tâm Phục hồi chức năng cho người khuyết tật tổng hợp tỉnh Quảng Trị; xây dựng Đề án thành lập Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Trị; xây dựng Đề án tăng cường cán bộ chuyên môn tuyến tỉnh về hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới trong KCB tại tỉnh Quảng Trị giai đoạn từ năm 2024 - 2030...”.

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/doi-moi-manh-me-de-cham-soc-suc-khoe-tot-nhat-cho-nguoi-dan-186990.htm