Đổi mới mô hình tăng trưởng: Góc nhìn từ các chuyên gia
Việt Nam đang trên hành trình hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Trên hành trình đó, Việt Nam còn cam kết đưa mức phát thải ròng về '0' vào năm 2050.
Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, đây vừa là áp lực nhưng cũng là động lực thúc đẩy Việt Nam sớm chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng đến phát triển bao trùm, bền vững dựa trên các yếu tố nền tảng như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo…
"Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo là cơ hội 'vàng' để Việt Nam bắt kịp thời đại. Nếu không làm thì Việt Nam tụt hậu, không đạt được 'khát vọng'. Ngoài ra, cơ hội lần này rất đặc biệt. Đặc biệt ở hai điểm. Thứ nhất là cả thế giới cũng mới bắt đầu đi như Việt Nam. Thứ hai là các cuộc cách mạng công nghiệp lần trước chỉ có một vài công nghệ nhưng cuộc cách mạng lần này nó sẽ kéo dài, thay đổi rất nhanh với rất nhiều loại hình công nghệ, rất nhiều mô hình. Cho nên, việc lựa chọn chính sách sẽ rất rộng mở, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. Ngoài ra, những công nghệ lần này rất thích hợp với năng lực và văn hóa người Việt. Đó là linh hoạt, thích ứng và thông minh".
TS Võ Trí Thành nêu quan điểm, để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới thì cũng phải đột phá về thể chế. Việt Nam bây giờ phải "working and running", tức là vừa làm, vừa xây dựng chính sách, xây dựng thể chế, bởi thời gian để thực hiện các mục tiêu, cam kết không còn nhiều.
"Chúng ta không thể chờ. Nếu chúng ta muốn có một thể chế, khung khổ pháp lý hoàn chỉnh cũng không có được. Vì sao? Vì công nghệ hiện nay thay đổi rất nhanh và còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết hết. Ví dụ vận hành của thị trường kinh tế số như thế nào? Giao dịch số như thế nào? Quyền tài sản số như thế nào?...Nhưng, chúng ta vẫn phải làm, doanh nghiệp vẫn phải sáng tạo. Đây là câu chuyện về tính thích ứng. Chúng ta coi cơ hội này như những cái gì đó đến sát sườn để mình thích ứng, mình phải làm. Tôi nghĩ những vấn đề này rất quan trọng, nếu chúng ta không 'vừa chạy vừa làm', thời gian sẽ không chờ đợi quốc gia nào".
Hiện nay, việc chuyển từ các mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa vào xu thế mới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, khoa học công nghệ, đồng nghĩa phải thực hiện thay đổi những cái cũ, chuyển sang cách đi mới. Theo GS TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đổi mới mô hình tăng trưởng là gắn với tái cấu trúc lại nền kinh tế. Trong đó, tái cấu trúc đầu tư công là vấn đề quan trọng nhất.
"Trước đây Việt Nam là nước nghèo, đầu tư phân tán, chia sẻ, manh mún. Bây giờ chúng ta đã chuyển sang theo Luật Đầu tư công là đầu tư tập trung theo chương trình, lộ trình định trước 5 năm. Đặc biệt gần đây, không chỉ có tập trung vào những dự án lớn mà thấy rất rõ tập trung vào lĩnh vực hạ tầng khung; đặc biệt là vấn đề liên quan đến giao thông, đường cao tốc, liên quan đến một số trung tâm để tạo ra khả năng trung chuyển, logistics…Đây là hướng vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh. Thứ hai, chúng ta không chỉ duy trì đầu tư công về hạ tầng, các công trình mà đầu tư công còn phải tiếp tục tạo ra sự chuyển đổi trong các mô hình tăng trưởng mới. Ví dụ, chúng ta hiện đang cần khuyến khích các lĩnh vực để sản xuất xanh, sản xuất sạch. Thế thì để các doanh nghiệp tự mày mò, tự đầu tư liệu có thực hiện được không, hay đòi hỏi phải có đầu tư mồi của Nhà nước?".
Ông Cường cho rằng, cả những mô hình tăng trưởng mới trong các lĩnh vực như khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất vi mạch bán dẫn…thì Nhà nước phải là người đặt hàng để có những doanh nghiệp, tập đoàn hoạt động vào lĩnh vực này. Và vì vậy, trong đầu tư công, ngay từ vấn đề tài chính chúng ta cũng phải tái cấu trúc lại để tạo ra khả năng, hình thành nên những trụ cột mới cho các mô hình tăng trưởng.