Đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển công nghiệp bán dẫn- Kỳ 3
Kỳ 3: Đầu tư, xây dựng nền tảng xứng tầm
Để phát triển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu lĩnh vực công nghiệp bán dẫn gắn với thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương chú trọng, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đủ sức đáp ứng cho lĩnh vực công nghiệp quan trọng này.
Lựa chọn chiến lược
Theo ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, vi mạch bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp nền tảng quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội. Tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp vi mạch bán dẫn là yêu cầu khách quan, cũng là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Bình Dương, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.
Để phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn cần có chiến lược và kế hoạch đột phá, đồng bộ từ cơ chế chính sách nhằm khuyến khích các cơ sở đào tạo gắn kết với các doanh nghiệp. “Trong thời gian tới, tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách để khuyến khích các trường đại học nghiên cứu cơ bản, đào tạo nhân lực chất lượng cao để dẫn dắt sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, tăng cường thu hút đầu tư công nghệ cao”, ông Nguyễn Lộc Hà thông tin.
Sinh viên trường Đại học Quốc tế Miền Đông thực tập trên mô hình nhà máy hiện đại
Bình Dương đãvàđang tích cực chuẩn bị, tập trung phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, chuyển giao khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, việc phát triển nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn cao là rất quan trọng, cần được thực hiện nhanh và toàn diện từ nghiên cứu cơ bản, đến đội ngũ quản lý, giảng dạy, đào tạo và thực hành, liên kết sâu rộng với nguồn lực hỗ trợ từ đội ngũ chuyên gia trong nước, quốc tế.
TS.Đoàn Xuân Toàn, giảng viên trường Đại học Thủ Dầu Một: Nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng để thu hút các ngành nghề công nghệ cao, lĩnh vực thiết kế vi mạch (IC Design). Hiện nay trường Đại học Việt Đức và Quốc tế Miền Đông đã mở ngành đào tạo về IC Design. Bên cạnh đó, cần có trung tâm đào tạo ngắn hạn về IC Design và các nhóm nghiên cứu mạnh về IC Design đặt ở các trường đại học. Sở KHCN cần khuyến khích các đề tài liên quan IC Design, hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời chú trọng thu hút các nhà khoa học ở nước ngoài về Bình Dương khởi nghiệp.
Đầu năm 2024, Bình Dương cũng đã khởi động cho chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực vi mạch bán dẫn nhằm đáp ứng yêu cầu. TS. Nguyễn Quốc Cường, Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết sẽ hiện thức hóa nội dung hợp tác giữa trường và Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu, triển khai khóa đào tạo về chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng, góp phần vào mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn của quốc gia. Tham gia khóa đào tạo, học viên sẽ được chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm phát triển trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Bên cạnh đó, tạo không gian cho học viên tiếp cận và sử dụng phần mềm thiết kế vi mạch.
Thúc đẩy phát triển
Ông Nguyễn Lộc Hà đánh giá, chương trình đào tạo này là bước khởi đầu quan trọng giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành điện tử và vi mạch bán dẫn trong tương lai của Bình Dương.
Ngoài khóa học thiết kế vi mạch, thời gian tới trường Đại học ThủDầu Một tiếp tục triển khai những khóa đào tạo khác để nâng cao kỹ năng trong các mảng công nghệ liên quan đến công nghiệp 4.0 như: Internet vạn vật, sản xuất thông minh, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, trí tuệ nhân tạo… hoàn thiện hệ sinh thái đào tạo trong lĩnh vực công nghệ cao.
Theo các chuyên gia, cùng với sự hợp tác với các nước, Bình Dương đẩy mạnh thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đầu tư vào phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo chung tại các trường, viện nghiên cứu, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp bán dẫn.
Cụ thể, đầu tháng 9-2023, UBND tỉnh đã công bố quyết định cho phép thành lập Trung tâm Ðổi mới sáng tạo Việt Nam - Singapore tại Bình Dương. Trung tâm được thành lập với sự hợp tác của Tổng Công ty Becamex IDC và Tập đoàn Sembcorp (Singapore) trong việc đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ 4.0. Ðây là mô hình mới, được định vị là nền tảng nhằm thu hút sự tham gia tích cực và hợp tác giữa các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo mô hình hợp tác “ba nhà”. Trung tâm sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp, viện, trường phát huy được tiềm năng, nâng cao năng lực thông qua các hoạt động thương mại hóa, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ.
Về quy hoạch đất đai cho công nghiệp công nghệ cao, Bình Dương sẽ dành 1.500 ha để phát triển. Trong đó có 250 ha để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, đây sẽ là vùng lõi của nghiên cứu phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn gắn với thành phố mới Bình Dương.