Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận trong giai đoạn mới
Trải qua chặng đường 90 năm (15/10/1930-15/10/2020) đồng hành cùng dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi công tác dân vận phải ngày càng đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng tiếp tục đổi mới công tác dân vận. Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa VI đã ban hành Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW, ngày 27-3-1990 về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân” với 4 quan điểm chỉ đạo: Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân; động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân; các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng; công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể.
Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW là bước chuyển kịp thời nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân trong tình hình mới, khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên quan liêu, mệnh lệnh, xa dân, chuyên quyền, độc đoán, tham ô, hối lộ, sống xa hoa, lãng phí, làm giảm nhiệt tình cách mạng, hạn chế việc phát huy khả năng to lớn của nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước. Năm 1991, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội khẳng định: “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chân chính của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân”.
Từ Đại hội VII đến Đại hội XI của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác dân vận. Đến năm 2016, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã nhấn mạnh nội dung phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân và công tác dân vận trong xây dựng Đảng, yêu cầu tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên cơ sở đó, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân; giải quyết bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân; kịp thời thể chế đường lối, chủ trương của Đảng phù hợp với lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhất là cơ chế: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tăng cường công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước, công tác dân vận của hệ thống chính trị.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận luôn gắn liền với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức đã được tăng cường, tiếp tục đổi mới và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Ý thức trách nhiệm, tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu được nâng lên. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, tăng cường hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.
Bên cạnh đó, cấp ủy, các cấp chính quyền, đoàn thể đã chú trọng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, làm cho quyền làm chủ của người dân ngày càng được phát huy. Mặt khác, tăng cường công tác vận động quần chúng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc... góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Ngoài ra, các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nâng cao đời sống, giải quyết có hiệu quả nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” và việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” cụ thể, thiết thực, phù hợp điều kiện thực tế ở các địa phương đã góp phần từng bước tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, bức xúc trong nhân dân. Qua đó, phát huy tối đa tinh thần tự quản và ý thức cộng đồng của nhân dân trong xây dựng khu dân cư văn hóa, văn minh đô thị, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Những kết quả quan trọng đó đã góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.