Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định 247/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
![Đào tạo nghề tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Ảnh: CTV](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_445_51444959/7fe695d7a19948c71188.jpg)
Đào tạo nghề tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Ảnh: CTV
Đa dạng truyền thông, phân luồng học sinh sau phổ thông
Quyết định nêu rõ: Các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp chặt chẽ với tổ chức đảng và cấp ủy đảng cùng cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; đổi mới về phương pháp, hình thức, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động về đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước.
Xây dựng, hình thành và phát triển hệ sinh thái truyền thông về giáo dục nghề nghiệp; đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, kênh, sóng phát thanh, truyền hình riêng về giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng chương trình truyền thông quốc gia chia sẻ những tấm gương, các mô hình đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp thành công trong giáo dục nghề nghiệp...
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp: Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh công tác hướng nghiệp trong trung học phổ thông; phân luồng học sinh sau phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp; thực hiện vừa dạy nghề, vừa dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; rà soát, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động. Đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo và tổ chức quản lý đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp; nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp.
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo về nghiên cứu khoa học, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp; hình thành các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao.
Gắn hoạt động đào tạo với chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh thực hiện nghiên cứu khoa học theo cơ chế đặt hàng; gắn kết các tổ chức nghiên cứu khoa học với nhà trường và doanh nghiệp. Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho người học và các hoạt động hỗ trợ người học khởi nghiệp, tự tạo việc làm; xây dựng không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp giáo dục nghề nghiệp tại các vùng...
Phú Yên sẽ đào tạo nghề cho khoảng 45.000 lao động
Xác định công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân, thời gian qua tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả công tác này. Riêng năm 2024, toàn tỉnh có 7.636 lao động nông thôn được đào tạo nghề. Ngoài ra, Sở LĐTB&XH tỉnh còn phối hợp các đơn vị tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người dân ở vùng đồng bào DTTS theo 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho 10.197 người, đạt 127% so với kế hoạch; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 78%.
Ngày 14/10/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch 250-KH/TU thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, sẽ đào tạo nghề cho khoảng 45.000 lao động.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 4 giải pháp để thực hiện trong thời gian đến, gồm: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hoàn thiện bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Ông Huỳnh Dũng, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐTB&XH) cho biết: Tiếp tục đổi mới toàn diện công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa loại hình đào tạo nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 30%.
Cùng với phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với các cấp, ngành và toàn xã hội về công tác đào tạo nghề, Sở LĐTB&XH sẽ tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt chú trọng đến vùng nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa và đội ngũ thanh niên trong độ tuổi lao động.
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/325797/doi-moi-nang-cao-chat-luong-giao-duc-nghe-nghiep.html