Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục ở huyện Như Xuân
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp 'trồng người', do vậy, nhiều năm qua, ngành giáo dục huyện Như Xuân không ngừng nỗ lực, tập trung đổi mới công tác quản lý giáo dục, siết chặt kỷ cương, nền nếp học đường, nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.
Một hoạt động giáo dục của cô, trò Trường Mầm non Yên Lễ.
So với 5 năm trước, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường trên địa bàn huyện tăng đáng kể; nhận thức về việc đầu tư cho con em mình học tập ở nhiều gia đình ngày càng sâu sắc hơn, mối quan hệ giữa nhà trường và cha mẹ học sinh ngày càng mật thiết... Đây là tín hiệu tích cực để ngành giáo dục huyện Như Xuân có những bước đi vững chắc trong giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Đặc biệt, với sự sáng tạo, nhạy bén trong triển khai kế hoạch, các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành gắn với những hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đơn vị trường đã đem lại nhiều kết quả trong công tác giáo dục của huyện.
Kết thúc học kỳ I, năm học 2021-2022, ngành giáo dục huyện đã gặt hái được nhiều thành tích trong các bậc học. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 98,1%, trong đó trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%; toàn huyện có gần 89% trẻ ăn bán trú. Ở cấp tiểu học, tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt môn Tiếng Việt đạt 31,6%, môn Toán đạt 38,9%. Nhiều trường đã có những giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng dạy và học như các Trường Tiểu học: Thượng Ninh, Yên Cát, Xuân Bình... Ở cấp THCS, các đơn vị trường đã tập trung đổi mới hình thức tổ chức dạy - học; đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, từng bước nâng cao chất lượng đại trà cũng như chất lượng giáo dục mũi nhọn trong toàn ngành. Kết thúc kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9 cấp huyện năm học 2021-2022, toàn huyện có 99 em đạt giải; cấp tỉnh có 33 em đạt giải, xếp thứ 18 toàn tỉnh và xếp thứ 4/11 huyện miền núi, tăng 4 bậc so với năm học 2020-2021...
Theo thầy giáo Đỗ Văn Chung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Như Xuân, kết quả trên không chỉ thể hiện sự phấn đấu, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh trong dạy và học, đó còn là sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân trong toàn huyện đối với sự nghiệp GD&ĐT của huyện nhà. Được biết, với phương châm hoạt động là tăng cường xây dựng hệ thống giáo dục toàn diện, đồng đều, tiến bộ và hiện đại trên tất cả các bậc học, do vậy, ngay từ đầu mỗi năm học, phòng giáo dục huyện đã chỉ đạo các nhà trường căn cứ vào thực tiễn địa phương xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, trong đó, tập trung vào chấn chỉnh nền nếp, kỷ cương, đổi mới phương pháp dạy và học, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, bảo đảm dạy thực chất và đánh giá thực chất.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục huyện Như Xuân luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tham gia đào tạo nâng chuẩn, tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới... Tính từ đầu năm học 2020-2021 đến hết học kỳ I năm học 2021-2022, toàn huyện có 60 cán bộ quản lý tham gia các lớp cập nhật kiến thức quản lý mới; 196 giáo viên theo học các lớp nâng chuẩn và hơn 1.200 cán bộ, giáo viên tham gia học tập, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cũng trong thời gian trên, toàn huyện tổ chức 14 hội thảo chuyên đề ở cả 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS với sự tham gia của hơn 1.200 cán bộ quản lý, giáo viên. Ngoài ra, chủ trương kiên cố hóa trường lớp, xã hội hóa và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia cũng được ngành giáo dục huyện và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm và coi đây là tiền đề thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục mỗi nhà trường. Đến nay, toàn huyện đã có 33/51 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 64,7%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng GD&ĐT huyện, cùng với những kết quả đạt được, ngành giáo dục huyện vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng mũi nhọn ở một số đơn vị trường chưa có sự chuyển biến rõ nét và thiếu tính ổn định. Công tác quản lý, kiểm tra nội bộ trường học ở một số đơn vị còn chưa thường xuyên, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy của một số ít giáo viên còn chậm. Một số đơn vị chưa quan tâm nhiều đến công tác tham mưu bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học ở một số đơn vị còn hạn chế chưa phát huy được hiệu quả, tiện ích của công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, trong đổi mới phương pháp giảng dạy... Những hạn chế, yếu kém trên đòi hỏi toàn ngành giáo dục huyện nỗ lực hơn nữa đề ra những giải pháp khắc phục tích cực, hiệu quả nhằm tiếp tục đưa sự nghiệp giáo dục của huyện phát triển toàn diện, vững chắc.