Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội
Chiều 6/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ chủ trì Hội nghị.
Nhiều cải tiến, đổi mới
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, giám sát là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội đã được Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật quy định. Trong thời gian qua, nhất là nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội luôn coi trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả, đưa hoạt động giám sát ngày càng đi vào thực chất, đóng góp tích cực đối với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần đảm bảo ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại của đất nước, được nhân dân, cử tri ghi nhận. Phát huy kinh nghiệm, kết quả của những năm trước, năm 2019, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động giám sát với nhiều cải tiến và đổi mới.
Hoạt động chất vấn ngày càng được chú trọng và tăng cường, mang lại hiệu quả thiết thực. Điểm nổi bật là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát, chất vấn lại việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và kết luận chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần thứ 36. Việc thực hiện giám sát chuyên đề, xem xét các báo cáo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban cũng được thực hiện nghiêm túc, thiết thực.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bộc lộ một số hạn chế. “Luật Hoạt động giám sát đã quy định 7 hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, 10 hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 6 hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân và các Ủy ban nhưng có thể thấy rằng ta chưa làm hết quy định của luật, có nội dung chưa được quan tâm đúng mức. Tính hình thức trong hoạt động giám sát còn tồn tại”, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên nhân các tồn tại, hạn chế trong hoạt động giám sát có cả khách quan và chủ quan, một phần do điều kiện nguồn lực, một phần từ yếu tố trách nhiệm, cách thức phối hợp, phương pháp triển khai chưa tốt.
Việc tổ chức Hội nghị nhằm triển khai chương trình giám sát năm 2020, đồng thời là cơ hội để trao đổi, thảo luận các biện pháp, cách thức để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian tới theo hướng đồng bộ, thực chất, hiệu quả hơn.
Đề cập những vấn đề bức xúc của xã hội
Trình bày Báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 và triển khai chương trình giám sát năm 2020, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã tiến hành chất vấn trong 2,5 ngày về các nội dung liên quan đến 4 lĩnh vực với tổng cộng 230 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn và tranh luận.
Sự phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các bộ, ngành ngày càng chặt chẽ, bảo đảm kịp thời, chất lượng, đưa hoạt động chất vấn ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả.
Năm 2019, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức giám sát 4 chuyên đề, nội dung chuyên đề giám sát phù hợp, đề cập đến những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.
Đến nay, hai chuyên đề đã hoàn thành, hai chuyên đề đang thực hiện. Sau giám sát, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát để các cơ quan triển khai thực hiện.
Cùng với việc chủ trì phục vụ giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai 16 chuyên đề giám sát thuộc lĩnh vực phụ trách, bảo đảm tiến độ, chất lượng đề ra.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4.
Tại phiên họp thứ 36 (tháng 8/2019), lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, thể hiện tinh thần, trách nhiệm của Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung được giám sát…
Cần có hình thức đánh giá chất lượng trả lời chất vấn
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua.
Nhiều đại biểu đánh giá, thời gian dành cho hoạt động chất vấn còn hạn chế. Một số thành viên Chính phủ, trưởng ngành chưa trả lời đúng vào vấn đề chất vấn; việc trả lời mới tập trung vào thực trạng, chưa xác định rõ trách nhiệm cá nhân đối với những hạn chế, bất cập.
Qua hoạt động giám sát chuyên đề, một số ý kiến nhận định, nội dung giám sát khá rộng trong khi thời gian, nguồn lực thực hiện của các cơ quan của Quốc hội còn hạn chế. Thành phần tham gia đoàn giám sát còn hình thức, thiếu thành phần có chuyên môn sâu, nhất là chuyên môn của đại biểu Quốc hội chưa gắn với nội dung của chuyên đề giám sát.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng nên có hình thức để đại biểu Quốc hội đánh giá chất lượng trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, Trưởng ngành. Theo đó, phiếu có thể ghi mức đánh giá xem Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời chất vấn có đi vào trọng tâm hay có vòng vo không?
Đối với hoạt động giám sát chuyên đề, ông Chiến đề nghị nên nghiên cứu thành viên đoàn giám sát tinh gọn hơn, tăng số lượng chuyên gia có trình độ cao và tăng thời gian giám sát.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu quan điểm, đối với hoạt động chất vấn, không quan trọng một buổi có bao nhiêu đại biểu hỏi mà điều cần quan tâm là chất lượng phiên chất vấn. Vì thế có thể kéo dài thời gian nếu muốn đi đến tận cùng vấn đề.
Nhấn mạnh năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ, cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, các đại biểu cho rằng, công tác giám sát cần tiếp tục được tập trung chỉ đạo để vừa đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả, vừa phù hợp với thực tiễn.
Theo đó, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiếp tục chất vấn theo nhóm vấn đề, thời gian chất vấn nên tổ chức trong 2,5 - 3 ngày; tăng cường tranh luận, thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn.
Bên cạnh đó, đối với hoạt động giám sát chuyên đề, việc xây dựng các báo cáo kết quả giám sát, nghị quyết giám sát cần chú trọng làm rõ trách nhiệm, có các đề xuất, biện pháp cụ thể; thực hiện nghiêm túc, thống nhất, đúng kế hoạch nội dung, chương trình giám sát đã ban hành.