Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ - Bài 2: Bài học kinh nghiệm rút ra từ cơ sở
Chi bộ là nền móng, tế bào, đơn vị chiến đấu cơ bản của Đảng, là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở. Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ (SHCB) là yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn, mang tính tất yếu khách quan, là yếu tố quyết định để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ). Từ thực tiễn công tác này có thể rút ra những bài học kinh nghiệm, phục vụ tốt cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vốn đang đặt ra như một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Đảng ủy xã Minh Sơn (Ngọc Lặc) họp mở rộng triển khai kế hoạch công tác hàng tháng. Ảnh: Phan Nga
Từ ý kiến người trong cuộc...
Đảng bộ xã Thăng Long, huyện Nông Cống có 16 chi bộ, trong đó có 10 chi bộ khu dân cư, 5 chi bộ trường học và 1 chi bộ trạm y tế với 432 đảng viên. Dưới sự lãnh đạo của đảng bộ, năm 2016 xã đã đạt chuẩn xã nông thôn mới, đảng bộ luôn đạt trong sạch, vững mạnh. Đồng chí Nguyễn Xuân Khanh, bí thư đảng ủy xã, cho rằng: Trước đây, sự “độc diễn” của bí thư chi bộ chính là điều gây nhàm chán cho đảng viên và việc sinh hoạt trở nên hình thức, gượng ép, không phát huy được năng lực, sở trường, trách nhiệm của đảng viên trong xây dựng chi bộ. Vì vậy, để nâng cao chất lượng SHCB cần đổi mới hình thức sinh hoạt sao cho thực sự dân chủ, bàn bạc, thảo luận sôi nổi để phát huy được trí tuệ tập thể, đề ra được nghị quyết sát thực, được cán bộ và người dân đồng tình, đảm bảo đúng các bước và yêu cầu theo hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh.
Đồng tình với quan điểm đó, đồng chí Phạm Văn Tiệm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy cho rằng: Bí thư chi bộ phải dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật các thông tin thời sự, tiếp thu các văn bản lãnh, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Để buổi sinh hoạt sôi nổi, đảng viên không ngại góp ý với cấp trên thì bí thư, cấp ủy phải kiểm điểm trước, cầu thị và gợi mở vấn đề. Nghệ thuật điều hành của người chủ trì cũng là một trong những yếu tố quyết định nâng cao chất lượng SHCB.
Từ thực tiễn SHCB trên địa bàn huyện những năm qua, đồng chí Trần Duy Bình, Bí thư Huyện ủy Hà Trung, chia sẻ: Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục lý luận chính trị đến toàn thể cán bộ, đảng viên, tạo sự chuyển biến về nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của chi bộ trong công tác tổ chức, xây dựng Đảng. Xây dựng nghị quyết chuyên đề để cụ thể hóa các nội dung trong các văn bản hướng dẫn của cấp trên về công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là các nội dung về nâng cao chất lượng SHCB thành các nhiệm vụ, giải pháp sát thực tế, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của địa phương...
Để nâng cao chất lượng SHCB trên địa bàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thạch Thành Phạm Trọng Dũng nêu quan điểm: Cần nâng cao nhận thức cho cấp ủy và đảng viên, thường xuyên kiểm tra việc duy trì nền nếp sinh hoạt, sổ sách ghi chép, kịp thời phê bình, nhắc nhở những chi bộ sinh hoạt không đều, biểu dương, nhân rộng những chi bộ tốt, mô hình hay. Đối với chi bộ yếu kém, các đồng chí được phân công theo dõi, chỉ đạo chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Huyện ủy. Đảng ủy cơ sở phải thường xuyên giám sát, đánh giá cụ thể chất lượng sinh hoạt của các chi bộ. Làm tốt công tác phát triển đảng viên, chú trọng chất lượng, quan tâm bồi dưỡng, kết nạp quần chúng ưu tú trưởng thành từ các phong trào, cán bộ trong hệ thống chính trị, cán bộ trẻ, là nữ, người dân tộc thiểu số, có trình độ năng lực...
...đến những kinh nghiệm rút ra từ cơ sở
Theo đồng chí Vũ Đức Soãn, Trưởng Phòng Huyện - cơ sở đảng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Để nâng cao chất lượng SHCB, trước hết, phải coi trọng việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, của mỗi đảng viên đối với vấn đề SHCB. Mỗi chi bộ phải xác định được lịch SHCB và duy trì thành nền nếp, phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng loại hình, từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đưa kết quả thực hiện chế độ SHCB thành tiêu chí quan trọng để đánh giá, phân loại chất lượng chi bộ, TCCSĐ và đảng viên. Thường xuyên quan tâm củng cố chi bộ, kịp thời kiện toàn đội ngũ cấp ủy viên có đủ năng lực và điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Bí thư chi bộ với vai trò là “nhạc trưởng”, phải thực sự là người có uy tín, có năng lực và kinh nghiệm trong công tác Đảng; nhạy bén, linh hoạt trong công tác điều hành, chủ trì hội nghị. Chú trọng và thực hiện có nền nếp việc phân công nhiệm vụ và kiểm điểm thực hiện nhiệm vụ của đảng viên. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở cơ sở. Đề cao trách nhiệm của cấp ủy viên được phân công phụ trách cơ sở, phụ trách chi bộ.
Bên cạnh đó, sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng SHCB luôn là điều kiện tiên quyết và là yếu tố chủ đạo, đi liền với đó là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, sự cần thiết và cấp thiết của công tác đổi mới, nâng cao chất lượng SHCB ở mỗi TCCSĐ. Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ nên phải chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, bồi dưỡng kỹ năng để mỗi đồng chí bí thư chi bộ thực sự là người dẫn dắt, là “linh hồn” của mỗi kỳ SHCB; đồng thời, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, tập huấn như tổ chức các cuộc thi bí thư chi bộ, báo cáo viên giỏi để thông qua đó nâng cao khả năng, trình độ của người đứng đầu chi bộ.
Ngoài việc đảm bảo quy trình, nội dung SHCB theo quy định và hướng dẫn, các chi bộ còn cần phải tăng cường công tác sinh hoạt chuyên đề, lựa chọn được những vấn đề sát với thực tế cuộc sống, phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của chính địa phương, cơ quan, đơn vị mình, những vấn đề được người dân và dư luận xã hội quan tâm để tập trung bàn thảo, đưa ra giải pháp tháo gỡ, ban hành được những nghị quyết có chất lượng, mang tính khả thi cao. Trong SHCB phải luôn nêu cao nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo không khí cởi mở, đoàn kết, thống nhất, gắn bó, tập hợp được trí tuệ của tập thể, sự đóng góp, hiến kế của mỗi cán bộ, đảng viên, tranh thủ được ý kiến, kinh nghiệm của các đồng chí đảng viên lão thành, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ để làm giàu thêm kiến thức, kinh nghiệm, phục vụ cho các hoạt động chung và công tác lãnh, chỉ đạo của chi bộ. Thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức đoàn thể, nhất là ở những địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào công giáo để tạo nguồn phát triển đảng viên mới có chất lượng, tránh tình trạng “già hóa” và “cạn nguồn” như hiện nay.
Cấp ủy, chi bộ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Tiếp tục nghiên cứu, tìm ra những cách làm hay, mô hình hiệu quả để áp dụng vào chi bộ cho phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở, góp phần xây dựng chi bộ mạnh, chính quyền vững, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngay từ chi bộ.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/bai-2-bai-hoc-kinh-nghiem-rut-ra-tu-co-so/109727.htm