Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Sinh hoạt chi bộ có ý nghĩa quyết định đến các mặt hoạt động của chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên. Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Thành ủy Lai Châu luôn quan tâm, coi trọng lãnh, chỉ đạo việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Đảng bộ thành phố Lai Châu có 3.368 đảng viên, sinh hoạt ở 171 chi bộ (39 chi bộ cơ sở và 132 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở). Cùng với việc ban hành văn bản lãnh đạo, Thành ủy phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND thành phố dự, theo dõi, hướng dẫn sinh hoạt ở các chi bộ cơ sở (nơi đồng chí bí thư chi bộ không phải là Thành ủy viên); phân công các đồng chí Thành ủy viên, công chức các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy dự, theo dõi, hướng dẫn sinh hoạt ở chi bộ bản, tổ dân phố; các liên chi bộ, đảng bộ cơ sở được phân công giúp 10 bản khó khăn nhất, hằng tháng cử cán bộ, đảng viên dự, theo dõi, hướng dẫn sinh hoạt chi bộ; chỉ đạo Đảng ủy các xã, phường phân công đảng ủy viên dự, theo dõi, hướng dẫn sinh hoạt ở các chi bộ trực thuộc. Qua đó, hầu hết các chi bộ đều được theo dõi, hướng dẫn nâng cao chất lượng sinh hoạt.
Hằng năm, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức sinh hoạt chi bộ mẫu, định hướng nội dung sinh hoạt chuyên đề theo từng loại hình chi bộ; trong đó cấp thành phố lựa chọn 2 chi bộ cơ sở, mỗi đảng ủy cơ sở lựa chọn 2 chi bộ trực thuộc để tổ chức sinh hoạt thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề mẫu. Quan tâm định hướng nội dung sinh hoạt chuyên đề cho các chi bộ theo các nhóm vấn đề và đặc điểm của từng loại hình chi bộ; yêu cầu các chi bộ cơ sở xây dựng, gửi kế hoạch sinh hoạt chuyên đề năm về Ban Tổ chức Thành ủy để thẩm định và theo dõi thực hiện. Đảng ủy cơ sở định hướng nội dung sinh hoạt chuyên đề cho chi bộ trực thuộc; yêu cầu các chi bộ xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề năm, gửi về Thường trực Đảng ủy để thẩm định, chỉ đạo, theo dõi việc triển khai thực hiện. Việc tự đánh giá, xếp loại chất lượng buổi sinh hoạt chi bộ bám sát tiêu chí theo Quy định số 14-QĐi/TU, ngày 8/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lấy kết quả, chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức đảng cuối năm.
Thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ cấp ủy viên, bí thư các chi bộ, chú trọng lựa chọn nhân sự giới thiệu bầu vào chi ủy, bí thư chi bộ tổ dân phố, bản là các đảng viên có năng lực thực tiễn, kinh nghiệm, uy tín trong chi bộ, trong nhân dân gắn với thực hiện chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác Mặt trận. Chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, giáo dục đảng viên; bồi dưỡng, tạo nguồn, phát triển đảng viên, nhất là phát triển đảng viên ở các tổ dân phố, bản, kết nạp đảng viên là trưởng bản, trưởng ban công tác Mặt trận, đảng viên là người dân tộc thiểu số...
Qua đó, chất lượng sinh hoạt chi bộ từng bước được nâng lên, các chi bộ chấp hành, duy trì tốt chế độ họp chi ủy, sinh hoạt định kỳ hằng tháng và sinh hoạt chuyên đề hằng quý; thời điểm, thời gian, nội dung, trình tự sinh hoạt cơ bản đảm bảo; tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt chi bộ đạt trên 96%. Trong sinh hoạt chi bộ, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trách nhiệm của đảng viên trong việc bàn và quyết định các chủ trương, nhiệm vụ của chi bộ; kịp thời biểu dương đảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời thẳng thắn, chân thành góp ý những việc chưa làm được, còn thiếu sót. Từ đó, phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ; đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng sinh hoạt ở một số chi bộ còn một số tồn tại: một số ít đảng viên ở chi bộ bản, tổ dân phố tham gia sinh hoạt chưa đầy đủ; ý kiến phát biểu, thảo luận ở một số chi bộ còn ít; kỹ năng điều hành, tổ chức sinh hoạt của một số bí thư chi bộ bản có mặt còn hạn chế; việc chấm điểm, đánh giá chất lượng sinh hoạt định kỳ ở một số nơi chưa bám sát các tiêu chí...
Thực tiễn cho thấy, sinh hoạt chi bộ có chất lượng thì đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước được quán triệt, nhiệm vụ của chi bộ được triển khai thực hiện hiệu quả; trí tuệ và trách nhiệm của từng đảng viên được nâng cao, kỷ luật của Đảng được tăng cường; việc giáo dục, rèn luyện, quản lý, phân công và kiểm tra công tác của đảng viên, sàng lọc đội ngũ đảng viên được thực hiện có nền nếp, đúng nguyên tắc, quy định của Đảng; quan hệ giữa Đảng với quần chúng được củng cố và phát triển.
Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, thời gian tới, Thành ủy Lai Châu tiếp tục quan tâm lãnh, chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cấp ủy viên trong sinh hoạt chi bộ; lấy kết quả dự theo dõi, hướng dẫn, chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, xếp loại đảng viên, cán bộ, công chức cuối năm; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành chế độ sinh hoạt, trách nhiệm của chi ủy, bí thư chi bộ trong việc duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.