Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật

Ngày 04/10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh làm việc với Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (QLXLVPHC&TDTHPL) về kết quả công tác 9 tháng đầu năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác 3 tháng cuối năm 2024.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Theo Báo cáo tại buổi làm việc, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục QLXLVPHC&TDTHPL đã bám sát các Chương trình, Kế hoạch công tác và Kết luận, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, Cục cũng chủ động, giải quyết kịp thời các công việc phát sinh bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Cụ thể, Cục QLXLVPHC&TDTHPL đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện 09 văn bản, đề án; chủ trì tổ chức thẩm định đối với 10 dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính theo Quyết định phân công các đơn vị thẩm định, góp ý, tham gia xây dựng đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật năm 2024; góp ý 123 văn bản do các cơ quan trong và ngoài Bộ gửi lấy ý kiến. Đồng thời phát hành 44 văn bản trả lời đề nghị hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của công dân, các Bộ, ngành, địa phương và xử lý 17 đơn thư gửi về Cục.

Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL Nguyễn Quốc Hoàn phát biểu tại buổi làm việc.

Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL Nguyễn Quốc Hoàn phát biểu tại buổi làm việc.

Bên cạnh đó,Cục QLXLVPHC&TDTHPL đã phối hợp với Trung tâm Chính phủ số, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tổ chức 12 Hội nghị, hội thảo, Đoàn kiểm tra, trong đó có 04 Đoàn kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, 02 Đoàn kiểm tra việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024.

Ngoài ra, Cục cũng chủ động thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2024 liên quan đến lĩnh vực công tác của Cục; triển khai quyết liệt, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng thực hiện Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật; phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế xây dựng, triển khai các chương trình hợp tác với các đối tác nước ngoài trong năm 2024...

Trong 3 tháng cuối năm 2024, Cục QLXLVPHC&TDTHPL sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản, đề án về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo Kế hoạch công tác đã được phê duyệt; hướng dẫn bộ, ngành, địa phương, các đơn vị thuộc Bộ giải quyết vướng mắc trong thực thi pháp luật xử lý vi phạm hành chính; phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghệ thông tin, Cục Kế hoạch – Tài chính và các đơn vị có liên quan triển khai các nhiệm vụ về đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính – Giai đoạn 1 bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024 và Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp năm 2024; xây dựng Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành; triển khai nghiên cứu cơ chế, công cụ để người dân, tổ chức phản ánh, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý và theo dõi xử lý phản ánh liên quan đến thi hành pháp luật theo chỉ đạo của Bộ trưởng; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu và thực hiện công tác truyền thông về xử lý vi phạm hành chính, theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhất là những văn bản mới được ban hành.

Các đại biểu trao đổi

Các đại biểu trao đổi

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi một số khó khăn trong công tác như khối lượng công việc lớn, nhiều nhiệm vụ đòi hỏi gấp về thời gian, sự biến động về nhân sự. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp, kiến nghị để nâng cao hiệu quả công tác như: đổi mới, nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của Cục, đặc biệt là các công chức trẻ, công chức có trình độ chuyên môn sâu…

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ghi nhận và đánh giá cao các kết quả công tác Cục QLXLVPHC&TDTHPL đã đạt được trong thời gian qua. Thứ trưởng đề nghị Cục nghiên cứu xây dựng văn bản của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp gửi các Ban Cán sự Đảng của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy về công tác xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; đồng thời tiếp tục đổi mới hình thức theo dõi thi hành pháp luật và triển khai hiệu quả Thông tư số 08/2024/TT-BTP ngày 15/8/2024 quy định chi tiết việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật mới được ban hành; kết hợp giữa kiểm tra thi hành pháp luật chung và pháp luật chuyên ngành.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận buổi làm việc.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận buổi làm việc.

Cùng với đó, Thứ trưởng yêu cầu Cục tăng cường việc tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; nghiên cứu hệ thống thông tin hỗ trợ hoạt động tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị về tồn tại, hạn chế của văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp với Cục Kế hoạch – Tài chính xây dựng Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính...

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/doi-moi-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-va-theo-doi-thi-hanh-phap-luat-post527561.html