Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp
Vừa qua, Sở Tư pháp đã tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ Tư pháp liên quan đến công tác giám định tư pháp (GĐTP) nhằm trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm giúp cho công tác GĐTP tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Những chuyển biến tích cực
Tại các buổi làm việc, đại diện các cơ quan, đơn vị đã chia sẻ về nội dung quan tâm trong việc triển khai thực hiện công tác GĐTP trong thời gian qua.
Giám đốc Trung tâm Pháp y Đồng Nai Nguyễn Gió cho biết, trung tâm hiện có 19 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó có 4 giám định viên. Thời gian qua, hoạt động GĐTP lĩnh vực pháp y tại trung tâm được triển khai nghiêm túc, hiệu quả, đảm bảo khách quan và tuân thủ quy định của pháp luật về công tác giám định. Trung tâm đã hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc truy tố, xét xử và phán quyết hình phạt đối với các đối tượng phạm tội; đảm bảo tính giáo dục, răn đe, tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và giải quyết các yêu cầu xã hội.
Ông Nguyễn Đức Hùng (đại diện Cục Thuế Đồng Nai) cho hay, đến nay Cục Thuế Đồng Nai đã có 31 giám định viên. Đây là những cán bộ có vị trí chuyên môn cao, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Luật GĐTP năm 2012 và sửa đổi, bổ sung năm 2020. Thời gian qua, đơn vị luôn tạo điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trao đổi chuyên môn để giám định viên thực hiện tốt công tác giám định; tạo điều kiện để giám định viên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ GĐTP theo yêu cầu của cơ quan Tư pháp. Đến nay, không phát sinh trường hợp kết luận giám định nào do giám định viên tại Cục Thuế Đồng Nai thực hiện bị khiếu nại, tố cáo về GĐTP.
Theo Sở Tư pháp, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 tổ chức GĐTP công lập (Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế; Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh; Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa trực thuộc Bộ Y tế) và Tổ chức GĐTP theo vụ việc trực thuộc Sở Xây dựng. Toàn tỉnh có 153 giám định viên tư pháp tại các sở, ngành và có 23 người làm công tác giám định theo vụ việc.
Theo Phòng Kỹ thuật hình sự (PC09, Công an tỉnh), hiện phòng đã triển khai 6 lĩnh vực giám định, trong đó có 5 lĩnh vực kỹ thuật hình sự và lĩnh vực giám định pháp y. Trong công tác giám định, PC09 thời gian qua luôn khách quan, thận trọng, chấp hành nghiêm Luật GĐTP năm 2012 và sửa đổi, bổ sung năm 2020, quy trình giám định; đảm bảo 100% số vụ giám định được kết luận chính xác, khoa học, kịp thời, phục vụ đắc lực công tác điều tra, xét xử của các đơn vị và cơ quan tiến hành tố tụng.
Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho biết, thời gian qua, sở đã tăng cường kiểm tra công tác GĐTP tại một số cơ quan, tổ chức để từ đó có đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, quyết định trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng. Sở đã kịp thời phát hiện những thiếu sót để bổ sung, hoàn thiện, không để xảy ra tình trạng chậm hoặc nợ kết luận giám định làm ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ giải quyết vụ án.
“Thời gian qua, lực lượng giám định viên tăng cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng, tiến độ thực hiện kết luận giám định được thủ trưởng các sở, ngành quản lý giám định viên quan tâm, đôn đốc thực hiện, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tội phạm, giúp cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử xác định đúng người, đúng tội trong các vụ án” - ông Phan Quang Tuấn cho hay.
Tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GĐTP còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, Luật GĐTP năm 2012 và sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã hạn chế phạm vi, nhu cầu thành lập văn phòng giám định của tổ chức, cá nhân; chưa quy định trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định và cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện giám định chưa rõ ràng, thiếu chế tài bảo đảm thực hiện, dẫn đến một số trường hợp còn đùn đẩy, chậm trễ thực hiện giám định.
Việc phối hợp giữa cơ quan trưng cầu với cơ quan thực hiện giám định còn nhiều vướng mắc, chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, việc giám định giá trị thiệt hại một số loại tài sản chưa có quy định cụ thể, dẫn đến nhiều vụ việc do không định giá được tài sản nên không thể khởi tố để xử lý.
Ngoài ra, phần lớn giám định viên chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ; các giám định viên kiêm nhiệm có tâm lý e ngại không muốn làm giám định vì trách nhiệm pháp lý cao, trong khi các điều kiện thực hiện giám định chưa bảo đảm. Chế độ bồi dưỡng cho giám định viên tư pháp theo Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg, ngày 1-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ bồi dưỡng giám định viên tư pháp đã áp dụng gần 10 năm và không còn phù hợp với thời điểm hiện tại…
Cũng tại buổi làm việc, các cơ quan, đơn vị đã kiến nghị đoàn công tác Bộ Tư pháp sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thay thế Quyết định số 01/2014/QĐ/TTg nêu trên nhằm phù hợp với các quy định hiện hành về chế độ tiền lương. Kiến nghị Bộ Tư pháp tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc bồi dưỡng kiến thức pháp lý, nghiệp vụ giám định cho đội ngũ người làm GĐTP; phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng bộ tài liệu tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật chuyên sâu đối với từng ngành, lĩnh vực giám định.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng đoàn công tác, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đoàn Văn Hường cho biết, đoàn ghi nhận những khó khăn, vướng mắc cũng như những kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GĐTP ở Đồng Nai và sẽ tổng hợp, báo cáo cho lãnh đạo Cục và Bộ Tư pháp. Đoàn sẽ kiến nghị các bộ, ngành tăng cường tổ chức tập huấn trong thời gian tới nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hiện nghiệp vụ giám định cho đội ngũ giám định viên. Đồng thời, đoàn đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP trong thời gian tới.