Đổi mới, nâng cao vai trò Công đoàn để đáp ứng nhu cầu hội nhập
Công đoàn (CĐ) là một trong những tổ chức chính trị - xã hội đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên CĐ và công nhân, lao động (CNLĐ). Xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh là vấn đề mà hiện nay tất cả các cấp CĐ đều hết sức quan tâm.
Hướng về lợi ích người lao động
Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Long An - Hồ Văn Xuân cho biết: “Các công đoàn cơ sở (CĐCS) đã xây dựng, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, được đoàn viên, CNLĐ tin tưởng, gắn bó. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vẫn còn một số CĐCS hoạt động chưa đáp ứng được kỳ vọng của đoàn viên, CNLĐ. Việc đánh giá hoạt động CĐCS của một số CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở chưa thực chất theo tiêu chí xây dựng CĐCS vững mạnh, một số nơi đoàn viên, CNLĐ chưa gắn bó với tổ chức CĐ”.
Từ thực trạng trên và yêu cầu đổi mới của tổ chức CĐ trước tác động về thời cơ và thách thức khi Việt Nam cam kết thực hiện các cam kết quốc tế về lao động và CĐ trong hội nhập kinh tế quốc tế cũng như đòi hỏi từ đoàn viên và CNLĐ, LĐLĐ tỉnh quán triệt các cấp CĐCS, đặc biệt là cán bộ chuyên trách CĐ nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của CĐCS trong tổ chức hoạt động. CĐCS là nơi gần nhất với đoàn viên, CNLĐ nên phải hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, CNLĐ; trực tiếp triển khai nhiệm vụ của tổ chức CĐ, thực hiện một cách cụ thể nhất các quy định của pháp luật đối với CNLĐ.
Cần đổi mới hoạt động
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Nguyễn Văn Quí nhấn mạnh: Thực tế trong quá trình đổi mới hoạt động của tổ chức CĐ, việc xây dựng CĐCS vững mạnh là điểm mấu chốt và quan trọng, quyết định cho hệ thống CĐ vững mạnh. Vì vậy, để thực hiện hiệu quả chủ đề hoạt động năm 2020: “Nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS”, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo tập trung nguồn lực cho hoạt động CĐCS, gắn trách nhiệm của ban chấp hành, ban thường vụ, các ban chuyên đề của LĐLĐ tỉnh, cán bộ chuyên trách CĐ, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở với kết quả hoạt động CĐCS; rà soát việc đánh giá, phân loại CĐCS theo từng loại hình CĐCS để có giải pháp cụ thể nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức CĐ”.
Muốn đổi mới và nâng chất lượng hoạt động của tổ chức CĐ, đối với CĐCS trong các doanh nghiệp, cán bộ CĐ cấp trên phải trợ giúp CĐCS trong việc phát huy vai trò chủ động tổ chức thương lượng, ký kết, giám sát thỏa ước lao động tập thể, với chỉ tiêu đặt ra là có CĐCS thì doanh nghiệp phải có thỏa ước lao động tập thể bảo đảm nội dung, chất lượng, phù hợp với nguyện vọng của số đông đoàn viên, CNLĐ. Việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể phải thực sự nghiêm túc theo quy định của pháp luật, bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích CNLĐ và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Chú trọng công tác tổ chức đối thoại giữa đại diện CNLĐ và doanh nghiệp. Thường xuyên công khai các chế độ, chính sách liên quan đến CNLĐ, kịp thời giải đáp những băn khoăn, mong muốn của đoàn viên, CNLĐ, làm cho đoàn viên, CNLĐ thực sự quan tâm đến hoạt động CĐ.
Riêng đối với CĐCS khu vực hành chính sự nghiệp cần chú trọng công tác nâng cao chất lượng đội ngũ đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nâng cao ý thức phục vụ nhân dân, thực hiện cải cách hành chính. Vai trò của CĐCS trong thực hiện quy chế dân chủ, chỉ đạo hoạt động ban thanh tra nhân dân có hiệu quả, giám sát việc thực hiện nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, viên chức hàng năm,… góp phần phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị.
Có thể thấy, nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS là nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng CĐCS vững mạnh, có tính quyết định trong việc xây dựng hệ thống tổ chức CĐ trong giai đoạn mới, làm cho đoàn viên, CNLĐ có cái nhìn đầy đủ, gắn bó với tổ chức CĐ; cán bộ CĐCS say mê, nhiệt huyết hoạt động vì quyền, lợi ích của đoàn viên, CNLĐ, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng phát triển./.