Đổi mới nhận thức và hành động để khoa học và công nghệ thực sự là khâu đột phá (Bài cuối): Đầu tư cho khoa học, công nghệ là đầu tư cho phát triển!
Khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) được xác định là động lực, nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, là 'bệ đỡ' để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu. Chính vì lẽ đó, đầu tư cho KHCN là đầu tư cho phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Sản phẩm OCOP của HTX Nông nghiệp xanh Duy Linh, thị trấn Sơn Lư (Quan Sơn).
Khẳng định vị thế
Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, Đảng ta đã sớm có các định hướng và chỉ đạo đúng đắn về vị trí, vai trò của KHCN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, luôn coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi để KHCN phát triển. Quan điểm coi KHCN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực của CNH, HĐH đã được khẳng định, quán triệt trong nhiều văn kiện của Đảng thời kỳ đổi mới.
Kế thừa những kết quả đạt được từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX tiếp tục chỉ rõ: “Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN; chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” và xem đây là 1 trong 3 khâu đột phá của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025. Cùng với sự định hướng, Thanh Hóa cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích KHCN phát triển... Từ các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh, KHCN đã và đang tạo ra những thay đổi có tính đột phá, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế với tốc độ và chất lượng cao hơn, nâng cao lợi thế cạnh tranh. Do đó, các địa phương, doanh nghiệp đã ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ KHCN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý xã hội, đẩy mạnh hoạt động ĐMST để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. So với các tỉnh trong khu vực, Thanh Hóa vẫn còn nhiều hạn chế về nghiên cứu, ứng dụng KHCN, ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh và chất lượng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trước thực tế đó, Kế hoạch số 27-KH/TU, ngày 13-8-2021 của Tỉnh ủy về “Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN; chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” (gọi tắt là Kế hoạch 27), nêu rõ: Việc xác định các lĩnh vực, nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN phải có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, sát với nhu cầu và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và các địa phương, đơn vị; lấy hiệu quả làm thước đo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. Kế hoạch 27 cũng là căn cứ để các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách cụ thể để tổ chức thực hiện; đồng thời, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN của các ngành, các cấp và của tỉnh.
Sau nửa nhiệm kỳ triển khai kế hoạch số 27, tỉnh ta đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế hiện có, từng bước đưa KHCN và ĐMST thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao KHCN được đẩy mạnh, chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả; đã chuyển giao và ứng dụng thành công nhiều quy trình công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, các kỹ thuật mới, phức tạp trong khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia được phê duyệt và triển khai tăng cao về số lượng và quy mô kinh phí hỗ trợ của Trung ương, tạo điều kiện cho việc huy động nguồn kinh phí xã hội hóa cho hoạt động KHCN.
Động lực cho phát triển bền vững
Có thể thấy, KHCN tỉnh ta đã và đang có đóng góp xứng đáng vào những thành tựu to lớn trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhiều năm liền đạt khá, thu nhập bình quân đầu người vượt mức bình quân của cả nước, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trong tỉnh không ngừng được nâng lên.
Ký kết chương trình phối hợp phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2025. Ảnh: Trần Hằng
Trong bối cảnh đẩy mạnh CNH, HĐH và hợp tác quốc tế hiện nay, phát triển KHCN và ĐMST là yêu cầu cấp thiết. ĐMST không phải là việc của riêng cá nhân, tổ chức mà phải là tư duy, triết lý được thấm nhuần, thực thi trong từng hành động, nhiệm vụ. Phát huy những thành tựu đạt được, trong những năm tiếp theo, ngành KHCN sẽ tập trung trí tuệ, phấn đấu đưa KHCN và ĐMST thật sự trở thành động lực thúc đẩy quá trình phát triển, góp phần xây dựng Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh và hiện đại vào năm 2030. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KHCN vào sản xuất đời sống. Chủ động, tích cực ứng dụng các công nghệ mới của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ tiên tiến, để tạo đột phá trong phát triển các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh như chế biến chế tạo, du lịch, nông nghiệp, y tế, đô thị hóa và cơ sở hạ tầng.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, các giải pháp chủ yếu được đề ra là: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nội dung Kế hoạch hành động số 27-KH/TU tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, chính quyền, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện, đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng các mục tiêu đã được giao trong Quyết định 4794/QĐ-UBND, ngày 29-11-2021 của UBND tỉnh về thực hiện Kế hoạch hành động số 27- KH/TU.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Chính sách khuyến khích phát triển KHCN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển KHCN và ĐMST tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. Bám sát 6 chương trình trọng tâm và 3 khâu đột phá tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 để định hướng triển khai các nhiệm vụ KHCN thuộc các lĩnh vực trên phạm vi toàn tỉnh. Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho KHCN: Cơ sở vật chất, hạ tầng trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về KHCN; triển khai các bước để xây dựng sàn giao dịch công nghệ - thiết bị; từng bước hỗ trợ đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm, thử nghiệm của doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm trọng điểm quy mô lớn và các trường đại học, cao đẳng của tỉnh.
Bên cạnh đó, tập trung rà soát việc thực hiện các cơ chế quản lý tài chính trong lĩnh vực KHCN theo quy định của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các quyết định của UBND tỉnh để tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới thay thế, đảm bảo đúng quy định hiện hành của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tăng cường phối hợp triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia, cấp tỉnh giữa các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Tích cực hỗ trợ thành lập các nhóm nghiên cứu khoa học tại các trường đại học, doanh nghiệp KHCN trên địa bàn tỉnh; hoàn thành việc thiết lập cơ sở dữ liệu các nhà khoa học, chuyên gia thuộc các lĩnh vực để giới thiệu, kết nối với các doanh nghiệp, các tổ chức KHCN có nhu cầu; xây dựng chính sách hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tích cực phối hợp, liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu đầu ngành trong nước và quốc tế để thực hiện một số nhiệm vụ KHCN đột phá; triển khai có hiệu quả các chương trình, thỏa thuận ký kết hợp tác với nước ngoài; trao đổi, đào tạo nguồn nhân lực KHCN. Tăng cường hợp tác quốc tế, tập trung kêu gọi vốn đầu tư từ nước ngoài để huy động nguồn vốn ngoài ngân sách dành cho các dự án KHCN có quy mô lớn theo chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu xây dựng Chương trình phát triển các Trường Đại học Hồng Đức, Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đại học Y Thanh Hóa, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa trở thành trung tâm nghiên cứu KHCN và ĐMST hàng đầu của khu vực Bắc Trung bộ.
Điều quan trọng hơn nữa là, để từng bước đưa KHCN thực sự trở thành một khâu đột phá cho phát triển, trong giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành cần chung tay, chung sức quan tâm đúng mức đến việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về KHCN để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu thúc đẩy, phát triển KHCN và ĐMST trong tình hình mới. Tập trung đầu tư nghiên cứu ứng dụng và phát triển, khuyến khích hợp tác và sáng tạo; đổi mới và áp dụng công nghệ mới và đảm bảo có nguồn nhân lực và chính sách hỗ trợ thích hợp đối với từng loại hình tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm của tư nhân; nghiên cứu thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm của tỉnh; khuyến khích thành lập các quỹ phát triển KHCN trong doanh nghiệp. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, xây dựng đô thị thông minh.