Đổi mới nội dung, hình thức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc
Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long tại hội nghị tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003-2023 diễn ra sáng 14-9 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).
Hội nghị do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức với sự tham dự của Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút; đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy và một số sở, ngành, đoàn thể của tỉnh; đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ các huyện, thị xã, thành phố và 35 tập thể, cá nhân điển hình trong 20 năm thực hiện Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa sâu rộng
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Siu Trung cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW ngày 1-8-2003 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, 20 năm qua, Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh luôn chủ động tham mưu giúp Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức hiệu quả ngày hội ở các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh. Để ngày hội thật sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa sâu rộng, là ngày hội của toàn dân, Mặt trận các cấp đa dạng hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; qua đó khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước trong toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi địa bàn dân cư. Đồng thời, đổi mới nội dung và hình thức tổ chức ngày hội, trong đó, phần hội được mở rộng với những nội dung phong phú, tạo nên nét đặc trưng của mỗi vùng, miền. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh có trên 90% khu dân cư, liên khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc. Riêng năm 2022, có 1.576/1.576 khu dân cư trên địa bàn tỉnh tổ chức ngày hội.
Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng, ủng hộ của đông đảo người dân, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời, phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, cá nhân, gia đình trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại địa bàn dân cư. Trọng tâm là các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với thực hiện các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới”... Nhiều khu dân cư đã xây dựng, duy trì có hiệu quả các mô hình như: “Giúp nhau giảm nghèo bền vững”, “Liên kết phát triển kinh tế”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, “Khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, “Tự quản về an ninh trật tự”... Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 302.006 gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa” (đạt 81,62%); 1.361 thôn, làng, tổ dân phố được công nhận “Khu dân cư văn hóa” (đạt 86,36%); 165 xã đạt chuẩn tiêu chí văn hóa (đạt 90,6%); 16 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (đạt 40,1%).
Đặc biệt, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trở thành hoạt động xã hội rộng lớn, thiết thực, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Qua 20 năm tổ chức ngày hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã động viên, thăm hỏi 31.409 gia đình với số tiền gần 12,5 tỷ đồng; hỗ trợ 46.150 gia đình khó khăn với tổng số tiền trên 38 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 4.005 ngôi nhà với tổng số tiền gần 95 tỷ đồng; dành trên 3,5 tỷ đồng để tôn vinh, biểu dương 18.238 tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Ngoài ra, Mặt trận các cấp còn vận động người dân tham gia xây dựng 2.696 công trình hạ tầng tại cộng đồng với tổng kinh phí trên 133 tỷ đồng; đóng góp gần 739 triệu đồng, 147.092 ngày công lao động và hiến trên 512.710 m2 đất để làm đường giao thông, nhà văn hóa, trường học, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng 387 mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo với 13.387 hộ tham gia.
Chú trọng gắn kết cộng đồng
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ một số giải pháp, cách làm trong tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Nói về vai trò của cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức tổ chức ngày hội, Bí thư Đảng ủy xã Glar (huyện Đak Đoa) Thái Văn Hưng cho hay: “Việc tổ chức ngày hội được triển khai chủ động, sáng tạo, linh hoạt cả phần lễ và phần hội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tham gia. Phần lễ đảm bảo ngắn gọn, đầy đủ, trong đó tập trung đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở khu dân cư và khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân tiêu biểu đã được bình xét, suy tôn, tạo sự động viên, khích lệ, nêu gương trong các tầng lớp nhân dân. Phần hội tổ chức với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú gắn với các hoạt động thể dục thể thao, trò chơi dân gian”.
Chia sẻ về giải pháp huy động nguồn lực xã hội hóa tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Boòng (huyện Chư Prông) Kpă Ba thông tin: Ngoài kinh phí được cấp hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn ủng hộ trên 15 triệu đồng/năm để tổ chức ngày hội. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể còn vận động các gia đình đóng góp 200-300 ngàn đồng/hộ để tổ chức ngày hội thêm sôi nổi, phong phú.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc như: công tác tuyên truyền về Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam và ngày hội ở một số nơi vẫn chưa tạo được sức lan tỏa rộng lớn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; việc tổ chức phần lễ còn sơ sài, rập khuôn; nội dung và hình thức tổ chức ngày hội chưa được coi trọng; chất lượng tổ chức ngày hội ở một số địa phương chưa đồng đều... Trên cơ sở đó, các đại biểu cũng thảo luận, thống nhất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn mới. Theo đó, phấn đấu hàng năm có 100% Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tham mưu cho cấp ủy cùng cấp ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức ngày hội; 100% Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp báo cáo cấp ủy xây dựng kế hoạch tổ chức điểm ngày hội, mời đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành và các tổ chức chính trị-xã hội tham dự; có từ 95% trở lên khu dân cư trên địa bàn tỉnh tổ chức tốt ngày hội, trong đó có 90% khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội, 10% khu dân cư tổ chức phần lễ; 100% khu dân cư tổ chức ngày hội đều có lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành và các tổ chức chính trị-xã hội tham dự...
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 7 tập thể, 8 cá nhân; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003-2023.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã đạt được trong việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thời gian qua. Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Để đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc; xác định phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của toàn Đảng bộ, tạo sự thống nhất trong tư tưởng, hành động của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân. Hàng năm, MTTQ các cấp trong tỉnh, nhất là cấp cơ sở cần xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp, có tính khả thi; chủ động tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo để phát huy vai trò, sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy tính sáng tạo, chủ động và tự quản của người dân trong cộng đồng, tạo sự thống nhất và tự giác tham gia các hoạt động của ngày hội. Khuyến khích tổ chức ngày hội theo hình thức liên khu dân cư nhằm trao đổi, học tập lẫn nhau, tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa các khu dân cư.
Cùng với đó, ban công tác Mặt trận các thôn, làng, tổ dân phố phát huy sự năng động, sáng tạo, đổi mới nội dung, hình thức tổ chức ngày hội sát với tình hình thực tế của khu dân cư; gắn kết chặt chẽ việc tổ chức ngày hội với phát động và sơ kết, tổng kết các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; triển khai thực hiện các nhiệm vụ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh của địa phương, nhất là nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững; đồng thời, biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua ở cơ sở. Các cấp ủy, chính quyền tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực; thực hiện tốt việc xã hội hóa tạo nguồn lực trong việc tổ chức ngày hội và các hoạt động ở khu dân cư.