Đổi mới nội dung, phương pháp, phát triển tư duy người học

Bám sát thực tiễn, thời gian qua, Khoa Quân sự địa phương (QSĐP), Học viện Quốc phòng luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp nghiên cứu, giảng dạy cho các đối tượng, nhất là cán bộ đào tạo theo chức vụ, bảo đảm học viên vận dụng vào quá trình lãnh đạo, chỉ huy đơn vị cũng như làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện công tác quân sự, quốc phòng.

Gắn đào tạo với thực tiễn đơn vị, địa phương

Sau khi được Đại tá, TS Nguyễn Văn Hồng, Chủ nhiệm Khoa QSĐP giới thiệu một số vấn đề về tác chiến phòng thủ quân khu, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố và tổ chức thảo luận, học viên lớp đào tạo cao cấp ngắn hạn chỉ huy, tham mưu chiến dịch, chiến lược Khóa 49 tiến hành tập bài với nội dung trên cương vị chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh xử lý tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Từng học viên vận dụng kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn ở địa phương, cùng với định hướng của giảng viên giải quyết tình huống sát thực tế, nhất là những vấn đề khó, những vấn đề bất cập đã diễn ra trong thực tiễn. Qua đó giúp học viên học hỏi, tham khảo kinh nghiệm, lựa chọn giải pháp đúng đắn để vận dụng hiệu quả, thống nhất.

Cán bộ, giảng viên Khoa Quân sự địa phương (Học viện Quốc phòng) trao đổi nghiệp vụ giảng dạy.

Cán bộ, giảng viên Khoa Quân sự địa phương (Học viện Quốc phòng) trao đổi nghiệp vụ giảng dạy.

Thượng tá Trần Thế Phan, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Nghiên cứu sâu lý luận, giải quyết những vấn đề, tình huống nảy sinh từ thực tiễn trong tập bài đã giúp chúng tôi nắm vững cơ chế vận hành; xử lý, giải quyết tốt tình huống quốc phòng và an ninh; nâng cao khả năng tư duy dự báo chiến lược, trình độ nhận thức, năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở các cơ quan, đơn vị và địa phương”.

Theo Đại tá, TS Nguyễn Văn Hồng, với đối tượng cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược, quá trình đào tạo phải nâng cao tư duy người học, nhất là tư duy những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, bảo đảm đội ngũ cán bộ “tròn vai, thuộc bài”, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị chỉ huy, quản lý.

Bởi vậy, Chủ nhiệm Khoa QSĐP đã tập trung đổi mới nội dung, phương pháp trong thảo luận, tập bài, lựa chọn nội dung, vấn đề nảy sinh từ thực tiễn đơn vị, địa phương để thảo luận, tìm ra hướng giải quyết hiệu quả. Theo đó, học viên trao đổi về thực tiễn triển khai ở đơn vị mình, cả những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, nguyên nhân; từ đó soi chiếu vào nguyên lý, lý luận để rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao”.

Xây dựng đội ngũ giảng viên ngang tầm với nhiệm vụ

Khoa QSĐP có nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy lý luận chung về công tác quốc phòng, QSĐP, công tác dân quân tự vệ, xây dựng khu vực phòng thủ, công tác biên phòng, biên giới quốc gia... Để giúp đối tượng học viên là cán bộ lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố, cán bộ cấp sư đoàn và tương đương nắm vững kiến thức, có tư duy ngang tầm, yêu cầu đội ngũ giảng viên phải có kiến thức lý luận và thực tiễn sâu rộng, phương pháp giảng dạy khoa học.

Vì thế, Khoa QSĐP tập trung xây dựng, tạo nguồn, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên ngang tầm nhiệm vụ, trọng tâm là xây dựng, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, bảo đảm đủ về số lượng, tốt về chất lượng. Hiện nay, khoảng 60% cán bộ, giảng viên của khoa có học vị tiến sĩ và nhiều đồng chí đang là nghiên cứu sinh; tất cả đội ngũ giảng viên đều trải qua thực tế ở cơ sở và đã tham gia giảng dạy, thảo luận, tập bài cho các đối tượng đào tạo tại Học viện.

Đại tá, TS Vũ Xuân Trường, Chủ nhiệm Bộ môn Biên phòng, Khoa QSĐP cho biết: “Học viện có quy chế phối hợp với Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng thông tin tình hình biên giới quốc gia luôn được Học viện thường xuyên cập nhật để đưa vào các bài giảng, bảo đảm tính lý luận và thực tiễn sâu sắc".

Để nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, Khoa QSĐP khuyến khích giảng viên tự đổi mới phương pháp, coi trọng phương pháp thuyết trình, nêu vấn đề; thực hiện nghiêm chế độ thông qua giáo án, bài giảng, dự giảng, thỉnh giảng, bình giảng. Cùng với đó, Khoa đề nghị với Học viện thường xuyên cử cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu, tham quan thực tế ở các địa phương, đơn vị để củng cố kiến thức, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn; nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu, cập nhật tình hình thực tiễn, bảo đảm bài giảng luôn có dấu ấn đậm nét của giảng viên.

Với việc đột phá đổi mới nội dung, phương pháp, chất lượng giảng dạy của Khoa QSĐP không ngừng được nâng cao, được Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Quốc phòng ghi nhận, đánh giá cao và các thế hệ học viên ghi nhớ, trân trọng.

Gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Khoa QSĐP đã tham gia giảng dạy chuyên ngành quốc phòng, QSĐP cho 11 khóa đào tạo cao cấp chỉ huy, tham mưu cấp chiến dịch, chiến lược; 49 khóa đào tạo cao cấp ngắn hạn chỉ huy tham mưu chiến dịch, chiến lược; 43 khóa đào tạo cao cấp ngắn hạn QSĐP; 20 khóa đào tạo cao cấp ngắn hạn tham mưu tác chiến chiến dịch, chiến lược; 31 khóa đào tạo cao học và nghiên cứu sinh; 90 khóa bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh đối tượng 1, với tổng số hàng chục nghìn học viên.

Bài và ảnh: SƠN BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/doi-moi-noi-dung-phuong-phap-phat-trien-tu-duy-nguoi-hoc-729535