Đổi mới ở Sơn Thành

Những năm gần đây, xã Sơn Thành (Na Rì) nổi lên là địa phương mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế hộ gia đình. Diện mạo nông thôn địa phương ngày một đổi mới, đời sống mọi mặt của người dân được nâng cao.

Nuôi gia súc vỗ béo ở thôn Nà Kèn, xã Sơn Thành.

Nuôi gia súc vỗ béo ở thôn Nà Kèn, xã Sơn Thành.

Thấy được lợi thế của địa phương, những năm gần đây, xã Sơn Thành chú trọng xây dựng kế hoạch định hướng cho Nhân dân tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế trồng trọt và chăn nuôi. Năm 2021, xã thực hiện chuyển đổi đất lúa một vụ sang trồng cỏ voi để phục vụ thức ăn chăn nuôi tại thôn Nà Kèn; duy trì diện tích chuyển đổi 18ha đất lúa, ngô sang trồng cây dong riềng, cây ăn quả, rau màu tại các thôn: Pan Khe, Pò Chẹt, Thanh Sơn, Phiêng Cuôn… Bên cạnh đó, từ Dự án CSSP xã thành lập 03 tổ hợp tác gồm: Tổ hợp tác vỗ béo trâu bò tại thôn Nà Kèn; tổ hợp tác nuôi dê thôn Khuổi Luông và tổ trồng hồng không hạt ở thôn Phiêng Cuôn; duy trì 02 tổ hợp tác nuôi gà và tổ nuôi dê tại thôn Xưởng Cưa và Nà Nôm… Nhiều hộ trong xã đã thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi gia súc sinh sản, vỗ béo thu được hiệu quả kinh tế cao, tập trung ở các thôn Phiêng Cuôn, Nà Khon, Nà Kèn…

Ở Sơn Thành, ai cũng biết mô hình trồng ổi của gia đình ông Hoàng Minh Nhanh, thôn Nà Lẹng. Từ việc trồng thử 300 cây ổi năm 2015, thấy được năng suất và hiệu quả kinh tế, ông đã nhân rộng diện tích lên hàng nghìn cây, giá quả ổn định từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, sản phẩm dễ tiêu thụ. Cây ổi dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian sinh trưởng khoảng 10 tháng là bói quả. Ổi có tỷ lệ đậu quả cao và cho thu hoạch quanh năm nên hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với một số cây trồng khác. Từ mô hình của ông Nhanh, nhiều người cùng địa phương đã đến học hỏi kinh nghiệm và làm theo…

Do mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với đất đai, khí hậu nên cuộc sống của gần 30 hộ dân ở thôn Nà Kèn ngày một ổn định. Bà con đoàn kết, chủ động phát triển kinh tế, chỗ nào thuận lợi nguồn nước thì cấy lúa, nơi hạn thì trồng ngô, cỏ voi để nuôi vỗ béo gia súc... Mấy năm gần đây, nhiều hộ dân trong thôn học tập nhau đầu tư nuôi vỗ béo gia súc. Toàn thôn hiện có hàng chục hộ chăn nuôi theo cách nói trên.

Đồng chí Triệu Đức Tôn- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành cho biết: Nhận thấy phát triển chăn nuôi vỗ béo gia súc và phát triển nhân rộng cây hồng không hạt là một trong những hướng để nâng cao thu nhập, góp phần vào công tác giảm nghèo, xã đã hướng cho người dân nhân rộng các loại cây, con phù hợp với lợi thế địa phương để từng bước xóa nghèo bền vững. Toàn xã hiện có hơn 1.400 con gia súc (trâu, bò, ngựa, dê); hơn 100ha cây ăn quả (cam, quýt, hồng không hạt…)

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Sơn Thành nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025 có 02 sản phẩm OCOP và có 04 hợp tác xã; tổng đàn đại gia súc 886 con; mức thu nhập đạt 36 triệu đồng/người/năm; xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 thôn đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 4% trở lên; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 87%, thôn văn hóa đạt 80%, cơ quan đạt chuẩn văn hóa 100%...

Thời gian tiếp theo, xã tiếp tục chú trọng phát triển tổng đàn gia súc cả chăn thả và nuôi vỗ béo; phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho người dân; nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững./.

Tùng Vân

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202203/doi-moi-o-son-thanh-45b0b1a/