Đổi mới phương thức đào tạo nghề, ứng dụng mô hình 'số' vào thực tiễn

Với việc đổi mới các mô hình học tập theo dự án thực tế như 'doanh nghiệp số ảo' đang tạo ra cánh cửa rộng mở cho sinh viên thích ứng với nhu cầu cao của thị trường.

Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Mạnh Tuân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh (HITC) để hiểu hơn về thực tiễn đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp hiện nay, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ số nâng cao hiệu quả, chất lượng giảng dạy, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Thiết lập kế hoạch tuyển sinh theo “đầu ra” thị trường

-Với thế mạnh đào tạo đa ngành, đặc biệt là trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, kinh tế và dịch vụ, nhà trường đã triển khai kế hoạch tuyển sinh và đào tạo như thế nào để bắt nhịp với thị trường?

Ông Bùi Mạnh Tuân: Trường Cao đẳng Công thương TP. Hồ Chí Minh được thành lập từ năm 1976. Với gần 50 phát triển, nhà trường đã định hình rõ nét mô hình đào tạo gắn liền thực tiễn, phục vụ trực tiếp cho thị trường lao động khu vực phía Nam.

Ông Bùi Mạnh Tuân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh (HITC). Ảnh: Ngọc Hoa

Ông Bùi Mạnh Tuân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh (HITC). Ảnh: Ngọc Hoa

Hiện tại, chúng tôi đào tạo hơn 10.000 sinh viên ở 27 ngành nghề. Trong đó, khối kỹ thuật - công nghệ chiếm tỷ trọng khoảng 40 %, còn lại là khối kinh tế - thương mại và dịch vụ - quản lý. Những ngành nghề có tiềm năng cao về cơ hội việc làm như cơ điện tử, công nghệ ô tô, CNTT, logistics, thương mại điện tử hay quản trị nhà hàng - khách sạn đều được chú trọng phát triển.

Mỗi năm, HITC cung ứng khoảng 2 500 - 3 000 sinh viên tốt nghiệp cho thị trường, trong đó hơn 60 % thuộc khối ngành kỹ thuật. Đây là con số tuy khiêm tốn so với nhu cầu thực tế nhưng có chất lượng tốt, đáp ứng ngay cho nhu cầu tuyển dụng tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và nhiều tỉnh lân cận.

Để bắt nhịp thị trường, nhà trường luôn thiết lập kế hoạch tuyển sinh dựa trên dữ liệu thị trường lao động. Chúng tôi làm việc định kỳ với các hiệp hội ngành nghề và hơn 150 doanh nghiệp để xác định hướng đào tạo và ưu tiên đầu tư thiết bị, chương trình, đội ngũ theo “đầu ra” thị trường.

Về truyền thông tuyển sinh, HITC triển khai đồng bộ: tư vấn hướng nghiệp trực tiếp tại các trường THPT, phối hợp các trung tâm giáo dục thường xuyên, tổ chức các buổi livestream trên nền tảng số, xây dựng hệ sinh thái cựu sinh viên làm “đại sứ hình ảnh” cho trường. Và thực tế cho thấy, hiệu quả cao nhất đến từ việc “truyền miệng”: thế hệ sinh viên này lan tỏa cho thế hệ tiếp theo.

-Trong bối cảnh các ngành kỹ thuật đang “khát” nhân lực, nhà trường nhìn nhận cơ hội và thách thức ra sao, và đã có những đổi mới gì trong chương trình đào tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sinh viên?

Ông Bùi Mạnh Tuân: Theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực TP.HCM, đến năm 2030, nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ sẽ chiếm 35 % tổng nhu cầu lao động, tương đương 110 000 - 115 000 vị trí/năm. Tuy nhiên, các trường cao đẳng, đại học mới chỉ đáp ứng khoảng 60-70 %, phần còn lại là khoảng trống lớn mà xã hội đang chờ các cơ sở đào tạo nghề như chúng tôi lấp đầy.

Nhưng cũng không dễ. Khó khăn lớn nhất là sự chênh lệch giữa yêu cầu thực tế và năng lực sinh viên khi tốt nghiệp, đặc biệt ở ba yếu tố: kỹ năng thực hành chuyên sâu, khả năng ngoại ngữ và kỹ năng mềm trong môi trường doanh nghiệp hiện đại. Doanh nghiệp cần người vừa có tay nghề, vừa nhanh chóng thích ứng công nghệ mới.

Vì vậy, chúng tôi không ngừng đổi mới đào tạo theo triết lý “thực học - thực nghiệp - thực tiễn”. Hằng năm, trường rà soát chương trình, bổ sung nội dung công nghệ 4.0, năng lực số, kỹ năng khởi nghiệp, tư duy sáng tạo… Sinh viên kỹ thuật được học trên thiết bị hiện đại như robot KUKA, máy CNC 5 trục, phòng mô phỏng PLC - SCADA, ô tô điện.

Quan trọng hơn, 40-50 % thời lượng học tập được thực hiện tại khu mô phỏng sản xuất tích hợp công nghệ cao (iFactory) mô phỏng quy trình công nghiệp thực tế. Mỗi sinh viên đều phải thực tập ít nhất một học kỳ tại doanh nghiệp và thực hiện đồ án tốt nghiệp gắn với dự án thật, dưới sự giám sát của doanh nghiệp.

Đặc biệt, hiện HITC đang hợp tác chặt chẽ với hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước, trải đều các lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ, kinh tế - thương mại và dịch vụ - quản lý với hình thức hợp tác rất đa dạng. Nổi bật là đào tạo theo đơn đặt hàng, đặc biệt trong nhóm ngành kỹ thuật, nơi doanh nghiệp có thể chủ động đề xuất yêu cầu về kỹ năng và công nghệ, từ đó nhà trường thiết kế chương trình phù hợp và đào tạo theo yêu cầu riêng.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn tham gia trực tiếp vào giảng dạy, hướng dẫn đồ án, đánh giá sinh viên và đặc biệt là tổ chức thực tập có lương, có ký kết cam kết tuyển dụng. HITC định kỳ tổ chức “Ngày hội việc làm”, sàn tuyển dụng tại chỗ và các buổi kết nối định hướng nghề nghiệp giúp sinh viên tiếp xúc sớm với nhà tuyển dụng. Điều này không chỉ giúp sinh viên tìm được việc làm đúng chuyên ngành mà còn có cơ hội nhận được các khoản hỗ trợ tài chính trong quá trình thực tập như phụ cấp, thưởng chuyên cần…

Kết quả cho thấy, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau ba tháng tốt nghiệp đạt hơn 92%, trong đó nhiều ngành kỹ thuật như cơ điện tử, công nghệ ô tô, điện công nghiệp đạt mức 100%. Đáng chú ý, gần 30% sinh viên thuộc khối kỹ thuật được doanh nghiệp “đặt hàng tuyển dụng” ngay từ học kỳ cuối thông qua các chương trình thực tập. Nhiều em được giữ lại làm việc chính thức tại chính nơi thực tập, được đánh giá cao về kỷ luật, tay nghề và khả năng thích nghi với môi trường lao động hiện đại.

Nhà trường đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tích hợp công nghệ số vào giảng dạy và học tập. Ảnh: Ngọc Hoa

Nhà trường đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tích hợp công nghệ số vào giảng dạy và học tập. Ảnh: Ngọc Hoa

Đổi mới mô hình học tập theo các dự án thực tế

Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trong giáo dục. HITC đã và đang triển khai những giải pháp nào để tích hợp công nghệ số vào đào tạo các ngành kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, thương mại, dịch vụ và quản lý, và định hướng như thế nào để trở thành trường dẫn đầu trong các lĩnh vực này, đóng góp chung vào sự thành công trong công cuộc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng của ngành Công Thương?

Ông Bùi Mạnh Tuân: Chuyển đổi số không còn là một lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu muốn nâng cao chất lượng giáo dục và năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới. Tại Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi xác định đây là một trong những trọng tâm chiến lược, không chỉ trong quản lý vận hành mà đặc biệt trong đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo ở tất cả các nhóm ngành.

Trong thời gian qua, nhà trường đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tích hợp công nghệ số vào giảng dạy và học tập. Thứ nhất, HITC đầu tư xây dựng hạ tầng số hiện đại, ứng dụng các nền tảng quản lý học tập LMS, số hóa học liệu, triển khai thư viện điện tử và tổ chức lớp học trực tuyến linh hoạt. Nhờ đó, sinh viên có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, kể cả trong các tình huống gián đoạn như dịch bệnh hay khi học kết hợp (blended learning).

Thứ hai, nhà trường tích cực tích hợp các công nghệ mới vào chương trình đào tạo. Ở các ngành kỹ thuật - công nghệ như điện - điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin hay logistics, và cả nhóm ngành kinh tế - quản trị, các nội dung như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), quản trị số và phần mềm nghiệp vụ đã được lồng ghép vào bài giảng và thực hành. Điều này giúp sinh viên tiếp cận các xu hướng nghề nghiệp mới ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Bên cạnh đó, HITC đặc biệt chú trọng bồi dưỡng năng lực số cho cả giảng viên và sinh viên. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề hoặc cử giảng viên tham gia các chương trình đào tạo kỹ năng công nghệ, kỹ năng số. Sinh viên được làm quen từ sớm với các công cụ số trong học tập, giao tiếp, làm việc nhóm và xử lý tình huống thực tế, những kỹ năng không thể thiếu trong môi trường lao động hiện đại.

Một điểm nổi bật nữa là mô hình “doanh nghiệp số ảo” và học tập theo dự án thực tế. Sinh viên được tham gia các bài tập mô phỏng hoạt động kinh doanh, quản lý chuỗi cung ứng, vận hành sản xuất và phân tích dữ liệu thị trường thông qua các phần mềm doanh nghiệp. Qua đó, các em không chỉ rèn luyện tư duy logic mà còn nâng cao kỹ năng ra quyết định, khả năng làm việc trong môi trường số.

Về định hướng chiến lược, HITC hướng tới trở thành một trong những cơ sở đào tạo nghề đi đầu trong chuyển đổi số của hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam. Chúng tôi đặt mục tiêu đồng hành cùng ngành Công Thương trong việc đào tạo đội ngũ nhân lực số chất lượng cao, thích ứng nhanh với nền kinh tế số, góp phần hiện thực hóa Chiến lược chuyển đổi số quốc gia và xây dựng xã hội số bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tại Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh, chuyển đổi số không còn là một lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Đỗ Nga - Ngọc Hoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doi-moi-phuong-thuc-dao-tao-nghe-ung-dung-mo-hinh-so-vao-thuc-tien-409769.html