'Gà đẻ trứng vàng' một thời vẫn bộc lộ điểm yếu về vốn, thanh khoản

Hết thời 'gà đẻ trứng vàng', nhiều công ty tài chính tiêu dùng vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Năm 2025, dự báo cầu vay tiêu dùng chưa tăng trưởng trở lại trong khi tình trạng nợ xấu, yếu thanh khoản vẫn là vấn đề nan giải của nhiều công ty.

Sau khi chạm đáy vào năm 2023, các công ty tài chính tiêu dùng đang dần phục hồi nhờ nỗ lực xử lý nợ xấu và môi trường kinh doanh ổn định hơn. Tuy nhiên, theo dự báo của VIS Rating, các rủi ro vĩ mô hiện nay (bao gồm cả việc Mỹ tăng thuế quan), sẽ làm lu mờ triển vọng của ngành trong 12 - 18 tháng tới.

Dự báo thị trường tín dụng tiêu dùng không mấy sáng sủa do rủi ro vĩ mô.

Dự báo thị trường tín dụng tiêu dùng không mấy sáng sủa do rủi ro vĩ mô.

Các công ty tập trung cho vay hàng tiêu dùng và xe hai bánh rủi ro thấp hơn sẽ có thể duy trì chất lượng tài sản và lợi nhuận ổn định, trong khi các công ty tăng cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn.

"Những điểm yếu cố hữu về nguồn vốn và thanh khoản sẽ tiếp tục hiện hữu. Việc các công ty phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn, dễ bị tác động bởi niềm tin thị trường, càng làm nổi bật vai trò quan trọng của sự hỗ trợ liên tục từ phía cổ đông. Các công ty tài chính tiêu dùng sẽ áp dụng chiến lược kinh doanh thận trọng hơn để đối phó với rủi ro tài sản gia tăng và biến động vĩ mô. Với quy mô cho vay tín chấp lớn dành cho các khách hàng thu nhập thấp - vốn chưa được các ngân hàng khai thác - ngành tài chính tiêu dùng vẫn dễ bị ảnh hưởng trước các biến động vĩ mô và rủi ro gian lận từ phía khách hàng trong 5 năm qua", chuyên gia phân tích VIS Rating nhận định.

Nhiều công ty tài chính tiêu dùng gặp khó khăn do chi phí tăng cao, nợ xấu lớn, gặp khó khăn về thanh khoản, buộc phải dựa vào sự hỗ trợ của công ty mẹ, ngân hàng mẹ.

Nhiều công ty tài chính tiêu dùng gặp khó khăn do chi phí tăng cao, nợ xấu lớn, gặp khó khăn về thanh khoản, buộc phải dựa vào sự hỗ trợ của công ty mẹ, ngân hàng mẹ.

Theo dự báo của các chuyên gia, việc Mỹ tăng thuế quan có thể tác động tiêu cực đến thu nhập và khả năng trả nợ của khách hàng. Để ứng phó, các công ty như FE Credit, Mirae Asset (Việt Nam) và Shinhan Finance đang chuyển sang các phân khúc rủi ro thấp hơn như cho vay hàng tiêu dùng và xe hai bánh thông qua hợp tác với các chuỗi bán lẻ.

Trong khi đó, Mcredit đang tích cực ứng dụng dữ liệu khách hàng từ các bên thứ ba - ví dụ như Bộ Công an - nhằm nâng cao khả năng sàng lọc khách hàng và phát hiện gian lận sớm.

Bên cạnh đó, các công ty cũng đang thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay thông qua việc rút ngắn kỳ hạn và giảm quy mô khoản vay, hạn chế khách hàng mới vay tiền mặt (ví dụ: Home Credit Việt Nam) và điều chỉnh sản phẩm thẻ tín dụng để thúc đẩy việc sử dụng dựa trên tiêu dùng (ví dụ: FE Credit, Mcredit).

Dự báo, năm nay, lợi nhuận toàn ngành sẽ cải thiện nhẹ, riêng các công ty tài chính tiêu dùng tập trung cho vay tiền mặt phục hồi chậm hơn. VIS Rating kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận trên tài sản bình quân (ROAA) sẽ cải thiện nhẹ, nhờ biên lãi ròng (NIM) ổn định từ cho vay tiêu dùng có lợi suất cao. Tuy nhiên, những bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ làm giảm nhu cầu tín dụng, và các công ty tập trung cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng - như Mcredit, FE Credit và SHBFinance - có khả năng sẽ phải đối mặt với chi phí tín dụng cao do gia tăng rủi ro tài sản.

Trong khi đó, một số công ty đang tinh giản hoạt động bằng cách số hóa quy trình tiếp cận khách hàng và mở rộng hợp tác với các nhà bán lẻ, ví điện tử, nền tảng thương mại điện tử và nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.

Do vốn và thanh khoản vẫn là điểm yếu của các công ty tài chính, sự hỗ trợ từ cổ đông (đặc biệt là các ngân hàng mẹ, công ty mẹ) tiếp tục đóng vai trò then chốt để khắc phục những điểm yếu cố hữu của các công ty tài chính.

Thùy Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ga-de-trung-vang-mot-thoi-van-boc-lo-diem-yeu-ve-von-thanh-khoan-d327188.html