Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện hiện nay

(Tiếp theo kỳ trước)

*NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

Đảng bộ tỉnh Bình Phước và đảng ủy các cấp lãnh đạo các lĩnh vực của đời sống xã hội là sự định hướng, dẫn dắt của Đảng bằng quan điểm, chủ trương, đường lối, các định hướng về chính sách, chủ trương lớn về phát triển từng lĩnh vực của đời sống xã hội; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra mọi hoạt động diễn ra trong các lĩnh vực. Đảng lãnh đạo các lĩnh vực của đời sống xã hội thông qua chính quyền các cấp để cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết về từng lĩnh vực thành chương trình, hành động, kế hoạch phát triển của lĩnh vực đó.

Con người là trung tâm của sự phát triển

Trong những năm qua, khó khăn, hạn chế trong chiến lược phát triển kinh tế của cả nước nói chung, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã có tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân toàn tỉnh và khả năng hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh cũng như các địa phương trong tỉnh. Trước bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Tỉnh ủy và cả hệ thống chính trị, cùng với sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, quyết liệt, kịp thời của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tỉnh Bình Phước với tinh thần cao độ, vừa tập trung phòng, chống dịch vừa duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh ta đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Tỉnh ủy đề ra để vượt qua khó khăn, thách thức, đạt nhiều thành tựu rất quan trọng và toàn diện, tạo nên nhiều dấu ấn nổi bật.

Để toàn tỉnh cơ bản hoàn thành các mục tiêu, Tỉnh ủy kiên trì đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực đời sống xã hội. Đó là tăng cường lãnh đạo chính quyền các cấp, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, các nghị quyết của Trung ương, Đảng bộ tỉnh thành kế hoạch, chương trình hành động, chiến lược của chính quyền các cấp để phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở bằng mọi cách nhanh chóng cụ thể hóa, thể chế hóa những chủ trương, định hướng lớn về phát triển các lĩnh vực kinh tế - văn hóa, xã hội của tỉnh đã được thông qua tại các kỳ đại hội của Đảng bộ tỉnh và đảng bộ các cấp trong thời kỳ đổi mới. Tiếp tục thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp.

Trong điều kiện là Đảng lãnh đạo, đảng bộ các cấp đóng vai trò chủ yếu giới thiệu những đảng viên ưu tú của mình vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, hết sức coi trọng phát huy dân chủ, coi trọng đóng góp ý kiến của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội với phương châm lấy con người là trung tâm của phát triển kinh tế, tạo bước đệm cho công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực thực hiện nghị quyết của Đảng, chương trình, kế hoạch và những quy định của Nhà nước về phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thông qua đó phát huy tối ưu giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu quê hương, đất nước, khát vọng phát triển trong nhân dân, tạo nên sự gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và phát triển các lĩnh vực đời sống xã hội. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, “toàn tỉnh có 5 đồng chí lãnh đạo cấp sở, ngành, 146 đồng chí lãnh đạo cấp huyện, thị xã và 82 đồng chí cấp cơ sở được biểu dương là những gương điển hình, tiên tiến”1. Tuy nhiên, nền kinh tế của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế kèm theo những khó khăn, thách thức dẫn tới kết quả phát triển kinh tế - xã hội của một số địa phương trên nhiều lĩnh vực chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thiếu tính bền vững.

Tỉnh ủy yêu cầu đảng ủy các cấp tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng theo hướng làm việc thực sự dân chủ, kỷ cương, thiết thực, sâu sát cơ sở, sâu sát nhân dân; làm việc có chương trình, kế hoạch, có trọng điểm, nói đi đôi với làm; đổi mới cách ra nghị quyết; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả của hội nghị cấp ủy; cấp ủy dành nhiều thời gian tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, tổng kết việc thực hiện nghị quyết. Thực hiện tốt chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường chỉ đạo hoạt động của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể.

Để phát huy tối đa ưu thế của tỉnh, tạo điều kiện cho những đột phá về chiến lược phát triển kinh tế phù hợp trong giai đoạn hiện nay, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy quan tâm hơn nữa việc lãnh đạo, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, coi trọng phương thức tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Từng bước nâng cao trình độ lý luận chính trị và các tri thức khoa học khác của đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp. Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy định, quy chế làm việc. Các cơ quan lãnh đạo của đảng bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở, cần chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đủ về số lượng, đồng bộ và được thực thi. Đây là nhân tố đặc biệt quan trọng tạo môi trường, điều kiện để phát triển phong cách, lề lối làm việc phù hợp với quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và ngăn chặn có hiệu quả những hành động sai trái ảnh hưởng đến kết quả đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Như vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo của Đảng có thể khẳng định, đảng bộ các cấp trong tỉnh có vị trí, vai trò rất to lớn và quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng. Vị trí, vai trò đó được thể hiện ở sự tập trung, định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường và mục tiêu của việc xây dựng, phát triển kinh tế thị trường là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Gắn bó với thực tiễn, hướng hoạt động về cơ sở

Để vị trí, vai trò lãnh đạo của đảng bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở phát huy tốt năng lực lãnh đạo toàn xã hội trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập nền kinh tế quốc tế không bị chệch hướng xã hội chủ nghĩa, cán bộ, đảng viên của Đảng không bị thoái hóa, biến chất, trong thời gian tới, các tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải tập trung lãnh đạo thực hiện tốt một số nội dung sau:

Tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho cán bộ và các cơ quan lãnh đạo của Đảng tiếp cận và gắn bó mật thiết với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, hướng về cơ sở, đối mặt với những vấn đề mới nảy sinh ở cơ sở để giải quyết, qua đó hình thành và phát triển kinh nghiệm, phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, các cơ quan lãnh đạo của Đảng và các cơ quan nhà nước. Thực tế đã minh chứng, trong điều kiện hiện nay, kinh nghiệm công tác, nhân cách và thái độ tận tâm của người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chỉ có thể được hình thành, phát triển trong thực tiễn và qua quá trình rèn luyện, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, nhất là ở cơ sở thì từng cán bộ, cơ quan lãnh đạo mới có thái độ cầu thị cao.

Từng cán bộ, đảng viên các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cần nhận thức sâu sắc và có biện pháp cụ thể để hoạt động của mình hướng về cơ sở, gắn bó với thực tiễn, lắng nghe ý kiến của nhân dân, giải quyết hiệu quả những vấn đề trong thực tiễn. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng cùng với việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc cải cách hành chính nhà nước, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở cần triển khai mạnh mẽ việc cải cách các thủ tục hành chính trong Đảng, khắc phục tình trạng rườm rà, bất hợp lý về thủ tục, giảm bớt giấy tờ, hội họp; sâu sát thực tế, cơ sở; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm.

Tiếp tục đổi mới cách ra nghị quyết của Đảng, các cơ quan của Đảng từ tỉnh đến cấp ủy địa phương và cơ sở cần quán triệt và thực hiện tốt phương châm, chỉ ra nghị quyết, chỉ thị khi thật cần thiết, không ra quá nhiều nghị quyết, chỉ thị ở một nhiệm kỳ và ở một hội nghị. Những nghị quyết của các khóa trước còn giá trị thì không ra nghị quyết mới, chỉ kiểm tra, tổng kết, kết luận để chỉ đạo tiếp tục thực hiện. Khi cấp trên ra nghị quyết, cấp ủy cấp dưới và cơ sở cần tập trung xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện một cách thiết thực, vừa quán triệt được nghị quyết của tỉnh, vừa có các chủ trương, giải pháp cụ thể gắn với địa phương, cơ sở.

Đảng bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở kiên định phương thức lãnh đạo quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa giai đoạn hiện nay bằng chủ trương, nghị quyết theo hướng đổi mới và hội nhập; các quan điểm, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; các chủ trương, quan điểm và nghị quyết của Đảng về tổ chức, hoạt động của chính quyền các cấp và toàn xã hội. Kiên định lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở thể chế hóa và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng bộ tỉnh và đảng bộ các cấp thành văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình hoạt động của chính quyền để thực hiện trong toàn xã hội.

Các tổ chức đảng phải nắm vững nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo thông qua hoạt động của các tổ chức đảng và đảng viên trong hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước, các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội. Lãnh đạo bằng công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện cương lĩnh, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Lãnh đạo bằng kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, các lĩnh vực đời sống của xã hội. Lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng của Nhà nước và của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thanh, kiểm tra hoạt động của các cơ quan và cán bộ, công chức của các tổ chức đó. Lãnh đạo bằng động viên, khuyến khích các đoàn thể nhân dân và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các tổ chức đảng, cán bộ, công chức và tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn thể và nhân dân thực hiện công việc này đạt chất lượng, hiệu quả trong điều kiện xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh hiện nay.

1Lịch sử Đảng bộ tỉnh 1930-2020. Tr 570

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/138262/doi-moi-phuong-thuc-lanh-dao-cua-dang-trong-dieu-kien-hien-nay