Đổi mới phương thức tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình, phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, chuyển đổi hành vi về hôn nhân trong đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn diễn ra. Theo kết quả điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh kế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của người dân tộc thiểu số vẫn còn xảy ra. Năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 29 người tảo hôn (trong đó 20 người dân tộc thiểu số, 9 người là dân tộc Kinh), còn trường hợp hôn nhân cận huyết thống chưa phát hiện.
Để triển khai tốt đề án trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, tuyên truyền bằng nhiều hình thức; tổ chức các hội nghị lồng ghép, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, hội diễn văn nghệ nhằm tuyên truyền hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Tuyên truyền thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, ban quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, các vị achar, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số qua các cuộc hội nghị, các lớp tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Danh Phương đề nghị các ngành, đoàn thể và UBND các huyện, các xã tích cực thực hiện tốt hơn nữa một số nội dung trong thời gian tới. Yêu cầu các cơ quan, ban ngành địa phương đổi mới phương thức tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình, lựa chọn những nội dung trọng tâm, phù hợp với thực tiễn. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thực thi nghiêm theo pháp luật trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.