Đổi mới quản lý và giảng dạy giúp 'nâng chất' giáo dục Mầm non
Đổi mới trong công tác quản lý lẫn công tác giảng dạy góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, đáp ứng đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục.
Nhận thức rõ vai trò của đổi mới công tác quản lý trong giáo dục mầm non, thời gian qua, các địa phương, cơ sở giáo dục mầm non luôn chú trọng tổ chức, xây dựng và tăng cường công tác quản lý.
Các địa phương, trường học còn quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên trong cơ sở giáo dục mầm non để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non trong thời gian tới.
Đổi mới từ công tác quản lý
Có hơn 20 năm gắn bó với lĩnh vực giáo dục mầm non, cô Nguyễn Thị Cẩm Linh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Giáp Bát, Hà Nội, càng thêm hiểu và ý thức được trách nhiệm đổi mới của cán bộ quản lý.
Cô Cẩm Linh chia sẻ, nhà trường đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao hiệu quả trong đổi mới công tác giảng dạy. Đơn cử, nhà trường mời giảng viên tổ chức Soroto Foundation bồi dưỡng chuyên đề giáo dục âm nhạc cho trẻ. Trong năm học, nhà trường mời chuyên gia Viện Khoa học an toàn Việt Nam tập huấn về chuyên đề phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ trong trường mầm non.
Nhà trường cũng tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nhiều hình thức như đan xen kết hợp tập trung, nhóm nhỏ, chuyên đề. Các buổi sinh hoạt chuyên môn là cơ hội để giáo viên trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, chia sẻ khó khăn để cùng đồng nghiệp, cán bộ quản lý tháo gỡ.
Về phía cán bộ quản lý có thể cập nhật tiến độ thực hiện chuyên môn, nắm bắt đúng, chính xác phẩm chất năng lực của giáo viên. Từ đó, cán bộ quản lý sẽ giúp giáo viên phát huy thế mạnh, khắc phục khó khăn trong quá trình công tác.
Là "thuyền trưởng", cô Linh đã khuyến khích, động viên giáo viên ứng dụng các sáng kiến kinh nghiệm mới trong giáo dục và chăm sóc trẻ mầm non. Thời gian qua, giáo viên nhà trường đã có nhiều thay đổi.
Đơn cử, giáo viên đã sáng tạo các làm đồ dùng thông minh, sử dụng hiệu quả các thiết bị công nghệ như bàn ánh sáng, máy chiếu đa năng... để thu hút trẻ. Cùng với đó, giáo viên tiếp tục ứng dụng hiệu quả các phương pháp giáo dục trẻ em tiên tiến như STEM, Montessori...
Nhờ áp dụng những biện pháp đổi mới trong công tác quản lý, cô Linh đánh giá so với năm học trước, nội dung, phương pháp giáo dục của nhà trường đã có nhiều thay đổi, linh hoạt và sáng tạo hơn.
Song song đổi mới công tác quản lý, đổi mới sáng tạo trong dạy và học cũng được cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện nghiêm túc, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non theo chương trình mới.
Đổi mới nâng cao chất lượng dạy học
Tại Trường Mầm non Trác Văn (Hà Nam), nhiều năm qua nhà trường thường được Phòng GD&ĐT chọn làm điểm thực hiện chuyên đề do Bộ GD&ĐT triển khai như chuyên đề “Giáo dục phát triển vận động trong các cơ sở giáo dục mầm non”, “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”...
Để các phong trào thi đua đạt hiệu quả cao, nhà trường đã linh hoạt lồng ghép các phong trào thi đua với các cuộc vận động của ngành; từ đó góp phần tạo sự đổi mới đồng bộ trong toàn trường.
Còn theo cô giáo Hà Thị Duyên, giáo viên khối trẻ 5 tuổi, Trường Mầm non 1-6 (Hà Nội), nhận thức tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp dạy học, giáo viên mầm non phải cố gắng tìm tòi, đi sâu nghiên cứu, không ngại thay đổi thói quen để mang lại trải nghiệm giáo dục tốt nhất cho trẻ.
Để đổi mới sáng tạo trong dạy và học, trước hết giáo viên cần nhận được sự ủng hộ, khuyến khích của cán bộ quản lý nhà trường và được trao cơ hội bồi dưỡng về công tác chuyên môn. Về phần mình, giáo viên cần tự tìm hiểu các phương pháp mới, tránh tình trạng “cô nói, trò nghe”.
Theo cô Duyên, trong lớp học, cô đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, lồng ghép các hoạt động vừa học vừa chơi, sáng tạo đồ dùng dạy học, tận dụng những giáo cụ có sẵn... Nhờ vậy, trẻ được tiếp cận, trải nghiệm nhiều hoạt động giáo dục một cách chủ động, tự nhiên, thoải mái.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non (Đề án 33). Theo cô Duyên, đây là cơ hội tốt để giáo viên chủ động bồi dưỡng và học hỏi từ đồng nghiệp trên cả nước để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội cập nhật các kiến thức, phương pháp dạy học mới, sáng tạo trong chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới công tác quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, bà Hoàng Thị Dinh, cho biết đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Bộ GD&ĐT đồng thời xác định nhiệm vụ đổi mới công tác quản lý là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm.