Đổi mới quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Ngày 8/7, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (sửa đổi). Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp.
Thực hiện bài bản việc xây dựng và ban hành VBQPPL
Báo cáo tại phiên họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức cho biết: Với nhiều quy định mới mang tính đột phá, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (Luật năm 2015) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL năm 2020 (Luật năm 2020) là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các mục tiêu cải cách pháp luật, đổi mới quy trình xây dựng VBQPPL.
Qua đó, chất lượng VBQPPL ngày càng được nâng cao, nội dung bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong hoạt động xây dựng pháp luật cũng được tăng cường.
Tuy nhiên đến nay, Luật năm 2015 và Luật năm 2020 đã có nội dung, quy định không còn phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với việc tăng cường thi hành pháp luật. Cụ thể, một số nguyên tắc, khái niệm trong xây dựng và thi hành VBQPPL chưa đầy đủ, chưa cụ thể; còn có nhiều hình thức với nhiều chủ thể có thẩm quyền ban hành VBQPPL; thời gian lập đề nghị xây dựng VBQPPL, đề xuất, lập đề nghị, dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm chưa hợp lý;….
Vì vậy, việc xây dựng Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) là cần thiết, không chỉ nhằm thể chế hóa các nội dung được nêu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu mới đặt ra mà còn góp phần giải quyết, xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập. Đồng thời, Luật này sẽ sửa đổi toàn diện Luật năm 2015 và Luật năm 2020, trong đó có bổ sung các quy định về điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng VBQPPL gắn với tổ chức thi hành VBQPPL; trách nhiệm của các chủ thể tham gia xây dựng và thi hành VBQPPL.
Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng đề xuất 03 chính sách đề nghị xây dựng Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) gồm: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật; bổ sung các nguyên tắc xây dựng và thi hành VBQPPL; giảm hình thức và xác định rõ cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL; Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng VBQPPL; xác định rõ và tăng cường vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong xây dựng pháp luật; bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời phản ứng chính sách; Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tổ chức thi hành VBQPPL, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với thi hành VBQPPL; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý VBQPPL trái pháp luật; tăng cường nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành VBQPPL.
Nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát nội dung, tiến độ của Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đang được Đảng đoàn Quốc hội xây dựng để đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật một cách chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Đối với chính sách 1, đồng chí nhất trí cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật, tuy nhiên, cần làm rõ cấp ủy đảng ở đây là cấp ủy đảng của cơ quan soạn thảo hay là của cơ quan trình VBQPPL. Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị cơ quan chủ trì làm rõ, nổi bật hơn nữa những điểm mới, điểm cải tiến của Luật này so với những quy định hiện hành và tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế về quy định trường hợp VBQPPL do nhóm đại biểu Quốc hội trình.
Về trách nhiệm xin ý kiến của các cấp ủy đảng trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đại diện Bộ Công an lại cho rằng, việc bổ sung quy định này là không cần thiết do việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện trên cơ sở thể chế hóa đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và nhiệm vụ được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ giao. Bên cạnh đó, quy trình xin ý kiến các cấp ủy, đảng về các văn bản quy phạm pháp luật nên quy định tại các văn bản chỉ đạo của các cấp ủy đảng để bảo đảm sự phân cấp, phân quyền phù hợp.
Để bảo đảm vai trò, trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thẩm tra, kiểm tra hồ sơ dự án, dự thảo văn bản, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bổ sung một điều về trách nhiệm của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ theo hướng kế thừa luật hiện hành (Điều 60). Cụ thể, phải quy định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết trước khi trình Chính phủ. Đồng thời, việc giao cho các bộ, ngành tự thống nhất ý kiến mà không có cơ quan trung gian chủ trì là rất khó để thống nhất, dẫn đến tình trạng chậm ban hành văn bản trong thời gian vừa qua; vì vậy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu nội dung này.
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ghi nhận sự chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng của cơ quan chủ trì soạn thảo; tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát các thành phần hồ sơ để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa mục tiêu đề xuất và giải pháp lựa chọn; cùng với đó làm rõ những yêu cầu nào của Nghị quyết số 27-NQ/TW đã được thể chế hóa trong các chính sách.
Đối với việc xin ý kiến của các cấp ủy đảng trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Thứ trưởng đề nghị chỉ nên quy định theo hướng nguyên tắc; đồng thời cũng phải xác định rõ việc xin ý kiến các cấp ủy đảng là cấp ủy nào và có quy định cụ thể về việc xin ý kiến cấp ủy đảng.
Về việc bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp xã, theo Thứ trưởng, cần tính toán, cân nhắc kỹ vì việc ban hành VBQPPL này gắn liền với trách nhiệm quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần nghiên cứu giải pháp để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong cả quá trình xây dựng và tổ chức thi hành VBQPPL, từ khi lấy ý kiến đánh giá chính sách, thẩm định đến tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì lưu ý một số nội dung khác như: điều chỉnh tên gọi của dự thảo Luật cho phù hợp với nội dung đề xuất; bổ sung quy trình ban hành VBQPPL trong tình trạng khẩn cấp và ban hành VBQPPL mật; cụ thể hóa các trường hợp được ban hành VBQPPL theo trình tự rút gọn; tính khả thi của quy định về xử lý trách nhiệm của các chủ thể trong xây dựng VBQPPL; tham khảo kinh nghiệm quốc tế về giải thích pháp luật…