Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số: 7 nội dung thi đua
Kế hoạch triển khai phong trào 'Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số' gồm 7 nội dung và 2 giai đoạn triển khai, thực hiện.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 14/5/2025 ban hành Kế hoạch triển khai phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” (Kế hoạch).
7 nội dung thi đua
Theo kế hoạch, các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bộ, ngành, địa phương), tổ chức, doanh nghiệp tập trung thi đua thực hiện 7 nội dung chủ yếu.

Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững. Ảnh minh họa
Thứ nhất, thi đua nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý và mô hình hoạt động, điều hành từ "truyền thống" sang không gian số dựa trên dữ liệu số. Gắn tuyên truyền các mục tiêu, nhiệm vụ của phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số với các nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành.
Thứ hai, thi đua phát triển hạ tầng cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhất là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc "hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí".
Thứ ba, thi đua đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, phát triển Chính phủ số, đẩy mạnh ứng dụng số trong cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; tăng cường quản lý nhà nước trên môi trường số từ trung ương đến địa phương; kết nối và vận hành thông suốt các cơ quan trong hệ thống chính trị, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số. Nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Thứ tư, thi đua phát triển kinh tế số, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thứ năm, thi đua phát triển xã hội số. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Triển khai sâu rộng phong trào "bình dân học vụ số", tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số trong Nhân dân, chuẩn bị đồng bộ mọi nguồn lực để phát triển xã hội số.
Thứ sáu, thi đua bảo đảm quốc phòng và an ninh, an toàn, an ninh mạng, chủ quyền quốc gia trên nền tảng số và không gian mạng.
Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhất là các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, bán dẫn, năng lượng nguyên tử và các lĩnh vực công nghệ chiến lược khác.
Triển khai 2 giai đoạn
Kế hoạch nêu rõ, phong trào thi đua được triển khai thực hiện từ năm 2025 đến năm 2030, chia thành 2 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 (từ 2025 - 2027), các bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện phong trào, các tiêu chí thi đua phù hợp trong quý II năm 2025. Tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua hiệu quả, thiết thực. Tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm ở cấp bộ, ngành, địa phương và cấp trung ương vào năm 2027 để triển khai giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn 2 (từ 2027 - 2030), trên cơ sở sơ kết, đánh giá kết quả việc thực hiện giai đoạn 1, Bộ Nội vụ chủ trì, tham mưu Hội đồng Thi đua - Khen thưởng trung ương tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của phong trào thi đua và tổng kết vào năm 2030.
Các bộ, ngành, địa phương căn cứ kế hoạch này và đặc điểm, tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ để phát động, triển khai phong trào thi đua với nội dung, tiêu chí cụ thể, hình thức phù hợp, thiết thực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, quyết tâm cao hơn nữa trong hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân, thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Khuyến khích phát động, triển khai phong trào thi đua hàng năm, gắn với các phong trào thi đua khác của bộ, ngành, địa phương.
Kế hoạch nêu rõ tiêu chí thi đua đối với các bộ, ngành, địa phương; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội; các doanh nghiệp; cá nhân. Bên cạnh đó, Kế hoạch nêu rõ hình thức và tiêu chuẩn khen thưởng hàng năm và khen thưởng sơ kết. Theo đó, căn cứ kết quả thực hiện Phong trào thi đua của các tập thể, cá nhân, các bộ, ngành, địa phương thực hiện khen thưởng theo thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Với khen thưởng tổng kết, hình thức khen thưởng gồm: Huân chương Lao động; Cờ thi đua của Chính phủ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua của bộ, ban, ngành, tỉnh; Bằng khen cấp bộ, cấp tỉnh; Giấy khen. Căn cứ thành tích trong tổ chức, thực hiện phong trào thi đua, việc xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.