Đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan hệ thống chính trị
Trong các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ban hành ngày 22/12/2024, có một nhiệm vụ quan trọng được đề ra, đó là: Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Như chúng ta đều biết, phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để đất nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Bởi vậy trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KHCN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, theo nhận định của Đảng, tốc độ và sự bứt phá về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; quy mô, tiềm lực, trình độ KHCN và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách xa so với các nước phát triển; nhận thức của nhiều cấp, nhiều ngành về chuyển đổi số chưa đầy đủ và sâu sắc; nghiên cứu, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; hạ tầng chưa đồng bộ; an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức.
Đất nước ta đang đứng trước yêu cầu cần có chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, mang tính chiến lược và cách mạng để tạo xung lực mới, đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nhiệm vụ và giải pháp đặt ra cho cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành là cần nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia...
Trong đó, có một nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm QP - AN. Có kế hoạch và lộ trình đưa toàn bộ hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị lên môi trường số, bảo đảm liên thông, đồng bộ, bí mật nhà nước. Xây dựng nền tảng số dùng chung quốc gia, phát triển hệ thống giám sát, điều hành thông minh nhằm tăng cường quản lý công.
Phát triển các nền tảng số an toàn và tăng cường ứng dụng công nghệ số, hình thành công dân số. Phát triển văn hóa số bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, giảm thiểu tác động tiêu cực của công nghệ số đối với xã hội. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng và chủ quyền quốc gia trên nền tảng số và không gian mạng; an ninh, an toàn dữ liệu hợp pháp của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và chủ quyền an ninh dữ liệu quốc gia. Ngăn chặn hiệu quả tội phạm lĩnh vực chuyển đổi số, chống lừa đảo trực tuyến.
Đổi mới việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp. Có chính sách đặc thù để thu hút, tuyển dụng, giữ chân nhân lực về KHCN và chuyển đổi số làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan đảng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành gắn với cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng. Chuyển đổi số thống nhất, toàn diện trong tất cả các lĩnh vực công tác đảng từ trung ương đến cơ sở, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị.